Đau xót phận người ở “rốn vàng” Mà Sa Phìn
Tròn 1 năm kể từ ngày xảy ra vụ sạt lán vàng kinh hoàng khiến nhiều người thiệt mạng, cuối tháng 8 này, Đông “còi” rủ tôi trở lại Mà Sa Phìn. Hưng (28 tuổi) - bạn Đông là một trong số những người mất tích sau cái đêm định mệnh năm ngoái ấy.
Con đường độc đạo kéo dài 20km từ xã Nậm Xây dẫn đến bãi vàng Mà Sa Phìn. Ảnh: PV
“Lên làm gì, muốn chết à?”
Từ nhà Đông “còi” và người bạn nối khố ở huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn, chúng tôi vượt quãng đường 400km để đến huyện Văn Bàn, Lào Cai. Sau gần một ngày đường, 6h tối chúng tôi có mặt tại trung tâm huyện lỵ. Theo lời người dân địa phương, từ đây đến xã Nậm Xây còn 25 cây số và từ xã này đến bãi vàng Mà Sa Phìn cũng còn bằng ngần ấy đường đi nữa. Chỉ có điều, từ xã đến bãi vàng phải đi bộ hoặc thuê người dân bản địa chở đi vì đường rất nguy hiểm.
Nghỉ lại một đêm lấy sức, 8h sáng hôm sau, chúng tôi tiếp tục tìm đường đến Mà Sa Phìn trong cơn mưa rả rích của núi rừng Tây Bắc. Chỉ tay về phía Nam, Đông bảo: “Tính theo đường chim bay, khoảng 10km đường rừng là huyện Mù Cang Chải của tỉnh Yên Bái – Nơi vừa xảy ra trận lũ quét kinh hoàng khiến 8 người chết và 6 người mất tích”. Câu chuyện không đầu không cuối của anh bạn dường như để minh chứng rằng: Tình trạng phá rừng, khai thác tài nguyên bừa bãi đã khiến thiên nhiên nhiều lần nổi giận, gieo tai họa lên người dân.
Cây cầu gần UBND xã Nậm Xây bị lũ cuốn ngày 19/8 năm ngoái đã được xây mới lại nhưng đường vào Mà Sa Phìn vẫn lởm chởm đất đá từ hai bên đường sạt xuống. Dọc đường đi sương mù giăng kín, một bên là núi cao, một bên là vực sâu thăm thẳm, biển cảnh báo sạt lở nguy hiểm cứ vài trăm mét lại lù lù xuất hiện. Hai chúng tôi vừa đi vừa dắt xe máy cũng mất tròn 3 tiếng mới đến đầu ranh giới của “rốn vàng”.
Những dấu vết lán trại nơi phu vàng ở còn xót lại - Khu vực xảy ra vụ sạt lở khiến ít nhất 11 người thiệt mạng vào ngày 19/8/2016.
Dừng lại nghỉ ngơi tại một quán tạm ven đường, vừa nghe hỏi chuyện muốn đến khu vực khai thác vàng, một người phụ nữ Mông nói tiếng Kinh lớ lớ kéo tay áo chúng tôi khuyên: “Đừng lên, lên làm gì, muốn chết à? Ở trên đấy nhiều người nghiện lắm”. Thêm dăm ba câu chuyện, chúng tôi gửi xe máy lại và tiếp tục đi bộ men theo con đường rừng độc đạo để đến đấy. Trước khi đi, người chủ quán còn dặn dò: “Phải qua được cổng Công ty cổ phần vàng Nhẫn mới vào được khu vực khai thác. Người lạ họ chặn đường ngay”.
Quả thật, khi chúng tôi vừa đến nơi đã gặp 4 người đàn ông gác cổng chặn đường. Tất nhiên, đưa lý do vào tìm người đã chết họ sẽ từ chối ngay, chúng tôi đành viện cớ rằng đi tìm đứa em làm vàng - Một đứa em còn sống nhưng bỗng dưng mất liên lạc khiến cả nhà ở quê lo lắng. Nói qua nói lại về câu chuyện tìm người, Đông “còi” bỗng rơm rớm nước mắt khi nhớ lại đúng ngày này năm ngoái cậu cùng rất nhiều người thân tìm kiếm người bạn tên Hưng giữa bãi vàng hoang tàn trong vô vọng. Giữa mớ cảm xúc lẫn lộn, một người đàn ông lớn tuổi trong nhóm bảo vệ bất giác gật đầu cho chúng tôi đi qua và nhắc nhở “phải trở ra trước khi trời tối đấy nhé”.
Nhan nhản “phu vàng” tuổi 15 - 17
Lò Văn Thành, một phu vàng mới 15 tuổi vừa từ hầm vàng về khu lán tạm nghỉ ngơi.
Từ chốt bảo vệ, để đến được các lán vàng chúng tôi phải đi bộ men theo con đường tạm trơ sỏi đá đầy hiểm trở. Khi có mặt tại lán vàng đầu tiên cũng là lúc đồng hồ chỉ 11h30 trưa. Cùng lúc này, một tốp công nhân lũ lượt kéo nhau từ hầm vàng về lán trại để ăn uống. Thấy chúng tôi nhem nhuốc mồ hôi, hai bàn tay rớm máu vì không quen đường bị ngã, người đàn ông tên Trung - Quản lý của lán trại này gọi chúng tôi vào hỏi chuyện rồi mời ăn cơm cùng.
Trước mặt chúng tôi là mâm cơm của các phu vàng với vỏn vẹn 2 món thịt kho và canh rau muống. Canh để trong nồi to lỏng bõng nước còn cơm thì đã được xúc ra một chiếc chậu nhỏ để xới cho tiện. Vì đi đường xa và đã thấm mệt nên chúng tôi và các phu vàng khác ăn bữa cơm một cách ngon lành. Ăn xong, một thanh niên trẻ tuổi bê chiếc mâm đi và đặt một bộ ấm chén đã lấm lem bẩn lên để uống chè. Nơi chúng tôi đang ăn uống cũng chính là chiếc giường ngủ tạm bợ vào buổi tối của nhóm phu vàng.
Trung kể chuyện, gọi là quản lý nhưng thực chất anh làm thuê cho lán vàng của ông Dũng Toản trực thuộc Công ty cổ phần vàng Nhẫn Lào Cai đã mấy năm nay. Theo “luật” nơi đây, lán vàng của ông Dũng Toản được hoạt động riêng nhưng phải “đóng phế” về công ty với tỷ lệ ăn chia theo thỏa thuận.
Tại đây, chúng tôi gặp khá nhiều phu vàng trẻ tuổi. Họ từ các tỉnh khác nhau đến đây làm thuê. Hỏi chuyện, chẳng ai có hợp đồng lao động, khi làm việc cũng không có trang phục bảo hộ theo quy chuẩn an toàn nào cả. Trung bình một ngày họ phải làm việc 2 ca, mỗi ca kéo dài 5 tiếng đồng hồ. Trong số đó có rất nhiều phu vàng chưa đủ độ tuổi lao động, mới ở ngưỡng trẻ vị thành niên.
Chốt chặn đầu tiên chúng tôi phải vượt qua - Bên trong là “lãnh địa vàng”.
Thành, một thanh niên trẻ đến từ Tân Uyên, Lai Châu ấp úng mãi mới trả lời: “Em sinh năm 2002”. Một tay cầm điếu, một tay vê thuốc lào sành điệu như các đàn anh, Thành kể: “Em nghỉ học lâu rồi, lại không có việc làm nên theo người quen lên đây làm thôi”.
Ngồi bên cạnh Thành, phu vàng khác tên Sáp (SN 2000, quê ở Thái Nguyên) chậm rãi: “Em 17 tuổi rồi nhưng vì học chậm 4 năm nên năm nay em mới lên lớp 8. Em theo mấy ông anh ở quê lên đây làm vàng 3 tháng hè kiếm ít tiền rồi lại về đi học tiếp”.
Ở trong lán trại này có khoảng hơn 30 công nhân, được chia thành 2 ca làm việc là ca ngày và ca đêm. Ca ngày từ 6h sáng tới 11h trưa, chiều từ 13h đến 18h tối, ca đêm cũng kéo dài 10 tiếng. Lương của công nhân cũng được chia theo từng công việc, người xúc đất như Thành thì 4 - 5 triệu đồng/tháng, những người làm công việc vất vả hơn như khoan sẽ được 6 - 7 triệu đồng/tháng. Với những thanh niên thất nghiệp thì đây là công việc có thu nhập tốt dù rủi ro cao. Trong câu chuyện của những phu vàng lâu năm, Mà Sa Phìn chẳng khác gì nấm mồ chôn vùi tuổi trẻ của rất nhiều thanh niên từ khắp các vùng quê. Năm nào cũng có người chết do sập hầm vàng, lũ quét. Năm nào cũng có tiếng khóc ai oán vọng về trên những hố vàng thăm thẳm. Những người tìm thấy thi thể thì được đưa về quê, có những người mãi mãi nằm lại nơi bãi vàng này…
Chiều 29/8, Chủ tịch UBND xã Nậm Xây, huyện Văn Bàn cho hay đã xác nhận được 9 người tử vong và 2 người mất tích sau...