Dân phố vẫn khổ vì một người tắm cả tầng... phải nhịn

Sự kiện: Tin Hà Nội

Chung nhà vệ sinh, nỗi ám ảnh khi phải chia sẻ, nhường nhịn nhu cầu sinh hoạt thiết yếu hàng ngày, không biết tới bao giờ mới chấm dứt với những người dân tại các chung cư cũ của Hà Nội.

Dân phố vẫn khổ vì một người tắm cả tầng... phải nhịn - 1

Hàng chục hộ sống trong không gian chật hẹp, sử dụng chung nhà vệ sinh ở phố cổ

Một người tắm, cả tầng phải... nhịn

6h sáng, các căn hộ ở khu tập thể F4 (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) đã mở cửa tự lúc nào. Thói quen dậy sớm bất kể mùa đông hay hè được cư dân ở đây duy trì suốt mấy chục năm nay chỉ bởi: Dậy sớm để dùng nhà vệ sinh!

Cầm trên tay chiếc chổi to, bà Lương Thị Diệu (số nhà 26, khu tập thể F4) bình thản đứng đợi hàng xóm sử dụng xong nhà vệ sinh mới thủng thẳng bước vào. Sau 10 phút làm vệ sinh cá nhân, bà Diệu bắt đầu công tác quét dọn. Công việc này gắn bó với bà đã nhiều năm, phần vì bà đã nghỉ hưu, có thời gian rảnh rỗi ở nhà, phần nữa vì điều kiện gia đình khó khăn, công việc đó ít nhiều cũng giúp cho gia đình bà có thêm một nguồn thu nhập. “Mỗi tháng, cả tiền điện nước, quét dọn vệ sinh, tôi thu mỗi hộ 60 nghìn đồng. Tính cả tầng cũng được 600 - 700 nghìn, cũng là một khoản nho nhỏ mà nhà vệ sinh được dọn dẹp sạch sẽ”, bà Diệu nói.

Vốn làm công nhân tại Nhà máy Phích nước Rạng Đông, gia đình bà Diệu được phân cho căn hộ ở tầng 2, khu tập thể F4 Thanh Xuân Trung từ những năm 1960. Cả căn hộ có tổng diện tích chưa đến 20m2, hiện chỉ còn mình bà và người con trai sinh sống. Sống chật chội song đối với bà Diệu và mấy chục hộ dân khu tập thể này, điều bất tiện lớn nhất vẫn là thiếu nhà vệ sinh. “Tính tổng ra, cả khu tập thể này có khoảng 60 hộ, trừ tầng 1, các hộ sống ở những tầng trên đều phải sử dụng nhà vệ sinh chung. Mỗi tầng có hai cái, chia ra thành hai khu chẵn và lẻ, bà Diệu cho hay.

Dẫn tôi đi “thăm quan” nơi được cho là “quan trọng nhất” của cả tầng, bà Diệu ái ngại: “Ngày nào tôi cũng dọn dẹp hai lần đấy nhưng cũng chỉ được có thế này”. Đảo mắt một vòng, tôi ước chừng cả “khu vệ sinh” này chỉ rộng khoảng 4m2, chia làm hai khu. Một khu chung dành cho nhu cầu “giải quyết nỗi buồn” và một khu tắm bên ngoài để thông thống. Bà Diệu bảo, do quá chật nên khu tắm giặt không “phân lô” được như các tầng khác.

Nếu ai có nhu cầu tắm thì phải “chiếm” luôn cả nhà vệ sinh. “Mùa đông còn đỡ, mùa hè nóng bức ai cũng có nhu cầu tắm giặt. Mỗi lần như thế lại phải chờ đợi nhau. Mệt mỏi và bất tiện vô cùng”, bà Diệu nói.

Khác với tầng 2, các khu vệ sinh trên các tầng cao hơn của tòa nhà rộng rãi hơn nên có riêng một khu vực tắm rộng đến… vài mét vuông. Khu vực này được chia thành những ô nhỏ, mỗi ô rộng khoảng…1m2 “biên chế” cho một hộ gia đình. Ô của hộ nào hộ đó sử dụng và quản lý, nhà nào sử dụng xong thì khóa kín lại coi như không gian riêng của gia đình mình.

Phố cổ khổ không kém

Câu chuyện nhà vệ sinh chung từ bao lâu nay luôn là vấn đề nóng hổi ở các khu phố cổ giữa lòng Hà Nội. Đơn cử như tại số nhà 16 phố Hàng Bè (phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm). Trong địa chỉ này hiện có khoảng 30 hộ dân cùng sinh sống nhưng chỉ có hai nhà vệ sinh tập thể nằm ngay đầu ngõ. Mỗi nhà chỉ rộng vài ba chục mét vuông nhưng hộ nào cũng đông người. Tính ra 30 hộ có đến hàng trăm khẩu chia nhau hai cái nhà vệ sinh bé tí, tối thui trông chẳng khác gì một cái hộp diêm. “Mấy năm gần đây, một số hộ cơi nới được diện tích, làm thêm được nhà vệ sinh riêng nên cũng đỡ. Nhưng phần lớn vẫn phải dùng nhà vệ sinh chung. Sáng nào cũng phải xếp hàng chờ nhau. Anh nào không may đau bụng bất thường vào đúng giờ cao điểm thì…”, anh Hùng, một cư dân sống ở đây chia sẻ.

Theo anh Hùng, ngoài số nhà 16 phố Hàng Bè, các con phố lân cận (như Hàng Bạc, Hàng Ngang, Hàng Đào…) không ít nơi vẫn còn tình trạng sử dụng nhà vệ sinh chung do không gian quá chật hẹp. Thậm chí có nơi nhà vệ sinh được xây dựng từ cách đây rất lâu, đã chật chội, chung đụng lại vô cùng bất tiện. “Như nhà số 31 Hàng Bè có 5 hộ chung nhau một nhà vệ sinh nhưng lại là nhà vệ sinh thùng. Sử dụng một thời gian là bị đầy, phải múc vơi đi mới dùng tiếp được”, anh Hùng nói.

Cuộc sống trong những khu dân cư chật chội dùng chung nhà vệ sinh luôn tồn tại vô vàn điều bất tiện và tiềm ẩn cả nguy cơ dịch bệnh nhưng những cư dân sống ở đây vẫn phải cắn răng chịu đựng suốt mấy chục năm qua. Thậm chí có nơi đã là nơi sinh sống của nhiều thế hệ trong một gia đình.

Tuy nhiên, để sửa chữa, khắc phục tình trạng trên là cả một vấn đề nan giải. Như tại khu tập thể F4 Thanh Xuân Trung, bà Diệu cho biết, trước kia tòa nhà vốn được thiết kế để làm nơi ở cho sinh viên Đại học Tổng hợp Hà Nội. Khi chuyển thành khu dân cư, thiết kế tòa nhà bao gồm cả việc sử dụng nhà vệ sinh chung vẫn giữ nguyên, muốn khắc phục chỉ có cách đập đi xây lại. “Cũng có vài lần có đoàn đến khảo sát nói là sắp có dự án cải tạo lại tòa nhà nhưng họ đến rồi lại đi mà mãi vẫn chẳng thấy có gì thay đổi cả”, bà Diệu thở dài nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Quý (Báo Giao thông)
Tin Hà Nội Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN