Dân chịu phí đắt vì BV phải... "ăn chia"
Cùng với công tác xã hội hóa y tế phát triển mạnh trong những năm gần đây, bộ mặt của các bệnh viện (BV), các cơ sở khám chữa bệnh đã trở nên khang trang, hiện đại hơn. Về lý thuyết, người dân được hưởng lợi nhiều từ xã hội hóa nhưng nhìn vào thực tế hiện nay mới thấy thiệt hại mà người bệnh phải gánh chịu cũng không hề nhỏ.
Ai được lợi nhất?
Sau một vài năm thực hiện chủ trương xã hội hóa trong y tế, bên cạnh mặt tích cực thì những hạn chế đang bộc lộ rõ nét. Trong khi các lĩnh vực y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe ban đầu, y học cổ truyền rất khó thu hút nguồn xã hội hóa bởi lợi nhuận thấp thì ngược lại, nhiều doanh nghiệp đua nhau đầu tư máy móc vào lĩnh vực khám chữa bệnh, đặc biệt là chuyên ngành chẩn đoán hình ảnh, nhằm nhanh chóng thu được lợi nhuận. Ngành y tế cho rằng, xã hội hóa y tế sẽ đảm bảo được lợi ích 3 bên nhưng trên thực tế, dường như chỉ người đầu tư, cơ sở khám chữa bệnh hưởng lợi, còn với người bệnh lợi ít thiệt nhiều.
BV Bạch Mai - BV hạng đặc biệt đầu tiên của cả nước hiện có đến 9 máy siêu âm được xã hội hóa. Vì xã hội hóa nên giá một lần siêu âm của BV này đã được điều chỉnh tăng từ 20.000 đồng lên 35.000 đồng và dù có BHYT toàn bộ đi chăng nữa thì người bệnh vẫn phải nộp thêm 15.000 đồng bởi đây là máy móc do doanh nghiệp liên kết đầu tư.
Sử dụng máy xã hội hóa, người bệnh phải chịu phí đắt hơn
Thậm chí có dịch vụ, số tiền bệnh nhân phải đóng thêm lên đến tiền triệu. Chẳng hạn dùng dao gamma mổ sọ não, giá BV xây dựng là 45 triệu đồng, BHYT chi trả 30 triệu, phần còn lại 15 triệu đồng là do bệnh nhân đóng. Hay kỹ thuật chụp PET/CT, giá BV xây dựng là 28 triệu đồng, BHYT chi trả 21 triệu đồng, người bệnh phải đóng thêm 7 triệu đồng nữa... Một số dịch vụ khác tại BV này cũng được xã hội hóa là chụp cộng hưởng từ (3 máy), X-quang kỹ thuật số (6 máy), máy CT (5 máy)... Khi BV áp dụng khung giá mới từ ngày 16-7 vừa qua, người bệnh siêu âm, chiếu chụp vẫn phải đóng thêm khoản tiền không nhỏ.
BV Nhi Trung ương lại đẩy mạnh xã hội hóa theo hướng khác, cụ thể là mở rộng dịch vụ khám chữa bệnh tự nguyện và tăng cường khám chữa bệnh ngoài giờ, hạn chế việc xã hội hóa máy móc, trang thiết bị y tế. GS-TS. Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc BV cho rằng, tại BV chỉ liên kết với doanh nghiệp đầu tư một máy xã hội hóa giúp chẩn đoán hình ảnh vì máy này quá đắt (khoảng 20 tỷ đồng), còn những máy móc thiết bị khác, BV đều cố gắng tự đầu tư. Giải thích về chủ trương này, ông Liêm phân tích, khi xã hội hóa máy móc, người bệnh sẽ phải đóng phí cao hơn rất nhiều bởi mục đích đầu tư xã hội hóa của các doanh nghiệp đều nhằm thu lợi nhuận. Chẳng hạn doanh nghiệp khi liên kết với BV mua sắm máy móc hiện đại thường yêu cầu BV phải chia lợi nhuận theo tỷ lệ 60%-40%, như vậy ắt phí phải cao hơn. Đấy là chưa kể khi đầu tư xã hội hóa, tình trạng lạm dụng chỉ định siêu âm, chiếu chụp cũng sẽ tăng lên bởi càng chiếu chụp nhiều thì lợi nhuận cho doanh nghiệp càng lớn. Khi đó, chỉ người dân chịu thiệt.
Cần thiết nhưng phải điều tiết
Như đã nói, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam đều khẳng định, khi áp dụng viện phí mới, nếu cơ sở y tế nào cố tình thu thêm tiền của người bệnh thì BHYT sẽ không thanh toán cho những chi phí bất hợp lý, thậm chí sẽ đề nghị thu hồi chi phí không đúng để trả lại cho bệnh nhân. Tuy nhiên, với các dịch vụ xã hội hóa thì dường như quy định này bất khả thi, bởi nó nằm ngoài các yếu tố cấu thành giá dịch vụ mà ngành y tế đề xuất. Ông Lê Văn Phúc, Ban Thực hiện chính sách BHYT - BHXH Việt Nam cho biết, khi tính toán chi phí cho dịch vụ sử dụng máy xã hội hóa cần tính đầy đủ, cả lãi, chi phí khấu hao máy móc, trong khi cấu phần giá của 477 dịch vụ y tế vừa được điều chỉnh vẫn chưa tính tới yếu tố này mà chỉ có chi phí duy tu bảo dưỡng. Đấy là chưa kể một số BV phải đi vay tiền để xây dựng thêm cơ sở vật chất, đầu tư thêm máy móc… nên bệnh nhân vẫn phải đóng thêm tiền.
Cần phải thấy rằng, xã hội hóa trong y tế khác với các loại hình xã hội hóa khác như văn hóa, thể thao… bởi ở những lĩnh vực này, người dân có quyền tự lựa chọn việc sử dụng dịch vụ xã hội hóa hay không, còn với người bệnh thì dù muốn hay không vẫn phải đến BV, vẫn phải chi tiền. Theo ông Lê Văn Phúc, vấn đề không phải là nên hay không nên hạn chế xã hội hóa máy móc y tế mà điều quan trọng là cần phải minh bạch, cần phải có cơ quan đứng ra làm nhiệm vụ điều tiết, cụ thể là Bộ Y tế để tránh việc lạm dụng. Chẳng hạn như quanh khu vực BV Bạch Mai có rất nhiều BV khác nhau, nếu BV này đầu tư máy chụp CT 256 rồi thì BV kia không cần thiết đầu tư thêm. Mặt khác cũng cần đưa ra tiêu chí cụ thể khi nào thì cần chụp 256 dãy, hay 164 dãy, khi nào 128 dãy...
Được biết, BHXH Việt Nam đang yêu cầu các địa phương có báo cáo toàn diện về việc sử dụng máy móc xã hội hóa, hạn chế tình trạng tăng chi phí cho người bệnh, tăng chi quỹ BHYT.