Đám tang những người được "sống thêm"
Gọi là "đám tang muộn" bởi sau mấy năm từ ngày trút hơi thở cuối cùng, nay họ mới trở về với cát bụi. Muộn nhưng cộng thêm thật nhiều điều tốt đẹp: họ đã sống thêm, cống hiến thêm cho cuộc đời bằng chính thân xác mình.
“Người thầy lặng im” là cách mà thầy trò Trường đại học Y dược TP.HCM gọi những người đã hiến xác ở bộ môn giải phẫu học. Ngày 14/7, một buổi lễ đã được tổ chức để tiễn 44 người thầy như thế về với cát bụi. Những bông huệ trắng thơm ngát thay cho lời tri ân đã được các sinh viên y khoa trân trọng đặt lên những cỗ quan tài của người đã khuất.
Lặng im nhưng dạy nhiều điều
Hội trường bộ môn giải phẫu học Trường đại học Y dược TP.HCM mang không khí thiêng liêng với khói hương và nhiều bông huệ trắng trong lễ hỏa táng những người hiến xác. Nhiều thế hệ sinh viên của trường trong những chiếc áo blouse trắng xếp hàng ngay ngắn trên hành lang. Họ cúi đầu mặc niệm những “người thầy lặng im” của mình.
Nguyễn Hữu Ấn (sinh viên năm 2 khoa Y) xúc động chia sẻ: “Với tôi, các cô các chú ở đây là người quen. Mỗi tuần tôi được gặp họ hai lần, họ đã dạy cho tôi nhiều thứ, không chỉ là những kiến thức y khoa mà còn là sự hiến thân cho những điều tốt đẹp. Hôm nay tôi có cảm giác như đang tiễn đưa người thân của mình đi xa”.
Thầy trò Trường đại học Y dược TP.HCM thắp nén nhang tri ân những người hiến xác
Từ năm 1993 đến nay, bộ môn giải phẫu học đã nhận được hơn 17.000 đơn hiến thi hài cho y khoa và gần 500 thi thể phục vụ công tác giảng dạy, nghiên cứu. Thầy Lê Văn Cường, trưởng bộ môn giải phẫu học Trường đại học Y dược TP.HCM, cung kính gửi lời tri ân tới những người đã hiến xác cho khoa học và cảm ơn thân nhân của họ: “Những thi thể hiến thân cho khoa học luôn được tập thể sinh viên, thầy thuốc, cán bộ giảng dạy chúng tôi xem như những báu vật vô giá. Họ lặng im nhưng lại dạy cho chúng tôi rất nhiều điều”.
Nối dài sự sống
Nếu sự sống là tồn tại có ích cho cuộc đời thì hành động hiến xác cho y học đang nối dài nó. Họ đã trút hơi thở cuối cùng nhưng vẫn tiếp tục sống trong ý niệm của người thân, trong sự đóng góp giúp các bác sĩ nối dài sự sống cho người khác.
Trong buổi lễ hỏa táng, một người phụ nữ lớn tuổi không nén nổi sự xúc động òa khóc ngay khi cầm trên tay tấm kỷ niệm chương hiến xác cho y học có ghi tên em gái mình. Bà là Lê Trung Kiên, chị của bà Lê Thị Trung Dực, người đã hiến xác cách đây ba năm. Khi bà Dực trút hơi thở cuối cùng, mọi người trong gia đình mới biết bà đã hiến thân mình cho khoa học. Ý nguyện của bà được mọi người tôn trọng. Sau ba năm, bây giờ mọi người trong gia đình bà luôn có cảm giác tự hào về người chị, người em của mình. “Chị tôi đã làm một việc dũng cảm và ý nghĩa, ba năm qua chúng tôi không hề có cảm giác chị đã mất mà luôn cảm nhận chị mình đang sống, đang cống hiến, đang có ích” - ông Lê Trung Chánh, em trai bà Dực, xúc động chia sẻ.
Cũng chung suy nghĩ ấy, bà Võ Kim Hòa (quận 7) chia sẻ: “Trong những năm qua tôi không nghĩ chồng mình đã mất, chỉ luôn có cảm giác anh đang còn đó, đang có ích cho cuộc đời này”. Bà Hòa và chồng mình, ông Hoàng Thế Hùng, đều là người tình nguyện hiến xác. Không có con cái, ông làm bảo vệ, bà làm tạp vụ ở Trường tiểu học Phù Đổng. Nhà nghèo chẳng có gì đáng giá, ông Hùng nói với vợ: “Mình chỉ có thân xác này là đáng giá, thôi thì hiến thân mình làm điều có ích cho xã hội”. Lý do của họ chỉ đơn giản vậy, chẳng cần triết lý nhiều. Vậy là hai vợ chồng chở nhau bằng chiếc xe đạp lên văn phòng bộ môn giải phẫu học cùng đăng ký hiến xác.
Đơn làm được hai năm thì một buổi sáng mùa hè năm 2008, ông Hùng đột quỵ và mất ngay trên tay bà Hòa. “Chứng kiến chồng mình vẫn có ích sau khi mất, tôi cảm thấy cái chết không còn đáng sợ nữa, sau này chết đi tôi vẫn còn có ý nghĩa” - bà Hòa chia sẻ. Chính vì lý do đó mà trong buổi lễ hỏa táng, bà thật sự nhẹ nhõm bên quan tài của chồng.
Cũng là một người vợ đến để tiễn đưa chồng về với cát bụi, chị Nguyễn Thị Thúy Hằng (TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) rưng rưng nước mắt khi nhìn mặt chồng lần cuối. Chồng chị Hằng, anh Hoàng Thế Bình, quyết định hiến xác cho y học khi biết mình bị ung thư gan giai đoạn cuối. Trước đó khi chị Hằng nói với chồng là mình sẽ tình nguyện hiến xác cho y học, anh Bình chỉ im lặng, không bày tỏ quan điểm gì. Ngày nhận kết quả ung thư, từ bệnh viện anh Bình đi thẳng tới bộ môn giải phẫu học để viết đơn tình nguyện hiến xác.
“Hi vọng thân xác anh sẽ giúp các bác sĩ tìm ra cách cứu được nhiều người mang bệnh hiểm nghèo như anh” - chị Hằng nhớ lại lời tâm sự của chồng mình. Trong hai năm qua, tháng nào chị cũng từ Bình Dương về TP.HCM thăm chồng. “Mỗi lần vô thăm anh ấy, tôi luôn có cảm giác chồng mình còn đây, đang làm việc” - chị Hằng tâm sự.
Việc hiến xác cho y học không làm người còn sống day dứt như nhiều người vẫn nghĩ. Trong “đám tang muộn” này có những gia đình có đến 60 thân nhân đến tiễn đưa, nhưng trên khuôn mặt họ sự tiếc thương không hề nhuốm màu day dứt. Có mặt trong lễ hỏa táng, bà Nay - chị của anh Bình - chia sẻ: “Trước đây tôi cứ lo không được chôn cất tử tế thì em mình sẽ không được siêu thoát. Nhưng thật sự không phải thế, tôi tin là em tôi ra đi thanh thản vì ý nguyện được thực hiện”.