Đại tướng Lê Đức Anh và quyết định có một không hai trên biên giới phía Bắc
“Sau khi đi thị sát thực tế chiến trường, kiểm tra các đơn vị chiến đấu và nghe báo cáo, Đại tướng Lê Đức Anh quyết định rút toàn bộ đội hình Quân đoàn 29, Quân khu 2 lùi xuống phía sau để phòng ngự, không áp sát biên giới nữa. Giữa lúc biên giới phía Bắc đang căng thẳng mà cho bộ đội chủ lực lùi xuống khiến chúng tôi phân vân. Sau này mới thấy quyết định của Đại tướng Lê Đức Anh là sáng suốt”, Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm kể với PV Dân Việt.
Đại tướng Lê Đức Anh (người chỉ tay) và ông Nguyễn Hữu Khảm lúc đó là Phó sư đoàn trưởng (người chỉ tay xuống bản đồ - ảnh do ông Nguyễn Hữu Khảm cung cấp).
Chuyến thị sát biên giới
Trong hồi ký của Đại tướng Lê Đức Anh, cuối năm 1986, ông được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (nay là Chủ tịch nước) bổ nhiệm làm Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐNDVN). Việc đầu tiên trên cương vị mới là ông đi thị sát dọc vùng biên giới sáu tỉnh phía Bắc (giáp Trung Quốc).
“Những ngày cuối đông, ở vùng cao rét càng đậm. Sương muối giăng phủ khắp miền biên giới. Chúng tôi gặp gỡ người dân, cán bộ địa phương và kiểm tra trực tiếp, hỏi chuyện cán bộ, chiến sĩ, thấy nhiều vấn đề nổi cộm quá”, Đại tướng viết trong hồi ký.
Kể với PV Dân Việt, Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm, nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam cho biết: Vào năm 1987, Đại tướng Lê Đức Anh lên thị sát chiến trường ở Quân khu 2. Tình hình lúc đó giữa ta và Trung Quốc đang căng thẳng, đặc biệt ở Vị Xuyên, Hà Giang chiến sự diễn ra ác liệt.
“Tôi lúc đó là Phó Sư đoàn trưởng- Tham mưu trưởng Sư đoàn 316 - Quân đoàn 29 - Quân khu 2. Quân đoàn 29 có nhiệm vụ hướng phòng ngự ở Hoàng Liên Sơn (nay tách thành 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái, chủ yếu phòng ngự ở Lào Cai). Đây là hướng phòng ngự chủ yếu của Quân khu 2. Hướng phòng ngự này cũng rất căng thẳng”, Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm cho biết.
Hôm đó Đại tướng Lê Đức Anh đi thị sát biên giới, lúc đến Sư đoàn 316 đã là giờ trưa. “Sư đoàn trưởng Đào Trọng Lịch đi vắng nên tôi và các cán bộ của Sư đoàn ra đón tiếp Đại tướng Lê Đức Anh. Sau khi ăn cơm trưa xong, chúng tôi bố trí cho Đại tướng nghỉ ngơi. Tôi ngả lưng một lát, lúc quay ra thì thấy Đại tướng không nằm nghỉ. Ông cứ đi đi lại lại ở hiên hội trường Sư đoàn. Tôi ra nói: Mời Thủ trưởng đi nghỉ trưa, đến chiều đi leo đèo, lội suối sẽ vất vả”, tướng Khảm nhớ lại.
Đại tướng Lê Đức Anh trong chuyến thị sát biên giới (ảnh tư liệu).
Đại tướng Lê Đức Anh mỉm cười nói không nghỉ trưa. Rồi Đại tướng vẫy cho ông Khảm đến gần.
Đại tướng hỏi ông Nguyễn Hữu Khảm: "Theo cậu liệu phía bên kia (Trung Quốc) có tiến công lớn sang phía ta không?"
“Tôi thấy câu hỏi quá lớn so với chức vụ công tác lúc bấy giờ. Tôi tìm cách nói khéo để tránh trả lời trực tiếp câu hỏi của Đại tướng. Tôi bảo, cấp trên đã quán triệt chúng tôi là luôn sẵn sàng chiến đấu. Sư đoàn và Quân đoàn chúng tôi là đơn vị chủ lực trên hướng phòng ngự chủ yếu của Quân khu 2 nên phải sẵn sàng đánh bại các cuộc tấn công quy mô lớn xâm lược vào nước ta. Vị Tổng Tham mưu trưởng nghe xong chỉ mỉm cười”, tướng Nguyễn Hữu Khảm kể lại.
Ra quyết định táo bạo
Sau đó Đại tướng cho các sĩ quan đi cùng điện báo cho Tư lệnh Quân đoàn 29 Nguyễn Hải Bằng cùng lên tiền duyên. Tại đây ông chọn một điểm để quan sát (tiền duyên là chiến hào thứ nhất giữa ta và địch).
“Đứng trên đài quan sát, tôi giở bản đồ quân sự để giới thiệu toàn bộ đội hình phòng ngự của Sư đoàn cho Tổng Tham mưu trưởng Lê Đức Anh nghe. Bất chợt ông quay sang hỏi: Sao đưa tiền duyên lên cao thế này. Tôi trả lời: Quán triệt tư tưởng chỉ đạo cũng như cách đánh thì ta phải bảo vệ biên giới của Tổ quốc ngay từ đường biên, ngay từ tấc đất đầu tiên; thứ hai phải đánh bại tiến công của địch ngay từ trận đầu và đánh bại ý chí xâm lược của địch ngay từ tuyến đầu Tổ quốc. Chính vì thế chúng tôi đưa tiền duyên lên cao”, tướng Nguyễn Hữu Khảm cho biết.
Đại tướng Lê Đức Anh nghe xong nhưng ông không nói gì. Một lát sau ông mới bảo, các đồng chí xác định quyết tâm như vậy là tốt, nhưng tình hình mỗi lúc một khác. Sau đó, Đại tướng đi thị sát thêm một số điểm nữa.
Khi trở về đơn vị, Đại tướng Lê Đức Anh đã nói một số nội dung về tình hình trong nước và quốc tế, đặc biệt đánh giá mối quan hệ Việt Nam –Trung Quốc và xu hướng phát triển. Vị Tổng Tham mưu trưởng đã ra quyết định rút toàn bộ đội hình Quân đoàn 29 lùi xuống phía sau để phòng ngự, không áp sát biên giới nữa.
Đại tướng Lê Đức Anh và cán bộ chiến sĩ trong lần ra thăm Trường Sa (ảnh Nguyễn Viết Thái).
“Đại tướng có nói, nếu ta áp sát biên giới, phía đối phương cũng áp sát biên giới, lúc nào hai bên cũng căng thẳng. Nay chúng ta cứ rút quân xuống trước. Tôi đảm bảo với các anh đây là chủ trương đúng, tôi sẽ về báo cáo Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng. Chúng tôi nghe thấy rất phân vân. Đại tướng không nói nhiều mà lấy trách nhiệm ra đảm bảo cho quyết định đó là đúng. Sau ông cũng nói thêm một số vấn đề về bố trí lại thế trận”, tướng Khảm kể thêm.
Bên cạnh đó, Đại tướng Lê Đức Anh đã đề nghị với Quân khu 2 và Quân đoàn 29 làm việc với cấp ủy, chính quyền địa phương vận động đưa nhân dân trở lại sinh sống khu vực biên giới (trước người dân sợ nên di tản về phía sau); đồng thời dừng làm vật cản quân sự (gài mìn), chuyển rà phá mìn. Được sự vận động và thấy bộ đội rút xuống phía sau người dân đã trở về biên giới sinh sống.
Sau khi Quân đoàn 29 lùi xuống phía sau, tình hình biên giới dần dần dịu xuống không còn căng thẳng như trước. “Mãi sau này chúng tôi mới thấy, nếu cứ để bộ đội ở trên tuyến đầu thì tình hình lúc nào cũng nóng bỏng, cán bộ, chiến sĩ lúc nào cũng căng thẳng, mệt mỏi. Quân đội không được huấn luyện nhiều, không xây dựng được chính quy, không đảm bảo được đời sống tinh thần của bộ đội. Việc cho bộ đội chủ lực lùi lại như quyết định của Đại tướng Lê Đức Anh cũng là cơ hội để quân đội chỉnh đốn lại lực lượng” Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm nói và cho rằng, chỉ qua chuyến đi thị sát, Đại tướng Lê Đức Anh đã ra quyết định mang tầm chiến lược. Quyết định sáng suốt và đúng đắn đó xuất phát từ sự nhạy bén, bản lĩnh của người chỉ huy dày dạn kinh nghiệm, kết hợp với việc thị sát chiến trường, kiểm tra các đơn vị chiến đấu.