“Dải phân cách sống“ giữa trời 40 độ: “Sinh viên tự sáng tạo”

“Thành đoàn Hà Nội không có chủ trương, chỉ đạo mà hoàn toàn do tình nguyện, sáng tạo của các bạn sinh viên”, Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội Nguyễn Khánh Bình cho biết.

Trong những ngày diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, hình ảnh tình nguyện viên tiếp sức mùa thi dàn hàng làm dải phân cách hỗ trợ giao thông giữa trời nắng 40 độ C ở Hà Nội đang tạo nên nhiều quan điểm trái chiều. Nhiều ý kiến cho rằng, cách làm của những người tổ chức công tác sinh viên tình nguyện thiếu khoa học ảnh hưởng đến sức khỏe của tình nguyện viên.

Trước sự việc đang rất “nóng”, phóng viên có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Khánh Bình - Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội trước việc làm “dải phân cách sống” này.


Thưa ông, hàng chục sinh viên tình nguyện đứng dưới cái nắng hơn 40 độ C hàng giờ đồng hồ chỉ để tạo dải phân cách đường, có cần thiết phải vậy không?

Thực tế, những ngày đầu của kỳ thi, lượt xe lưu thông vào giờ cao điểm rất lớn. Xe chạy ngược, chạy xuôi gây ùn tắc.

Có người hỏi sao không làm hàng rào sắt? Nhưng việc trồng cây hay dựng hàng rào sắt không khả thi bằng các bạn sinh viên với trang phục áo xanh nổi bật đứng thành hàng rào phân làn đường. Hàng rào này đã tạo được hiệu quả tốt trong việc hỗ trợ giao thông.

Hàng rào cũng chỉ có trong những ngày đầu tiên, vào giờ cao điểm, khi thí sinh đến làm thủ tục thi. Từ buổi thi thứ 2, thứ 3 không nhất thiết phải đứng phân làn nữa.

Tôi cũng xin nói thêm, Thành đoàn Hà Nội không có chủ trương, chỉ đạo mà hoàn toàn do tình nguyện, sáng tạo của các bạn sinh viên. Tôi tin rằng, các trường cũng không yêu cầu sinh viên phải làm hàng rào.

“Dải phân cách sống“ giữa trời 40 độ: “Sinh viên tự sáng tạo” - 1

Tình nguyện viên tiếp sức mùa thi xếp hàng dài tạo thành "dải phân cách sống" dưới cái nắng chói chang (Ảnh: Dân trí)

Đứng dưới cái nắng 40 độ C rõ ràng không tốt cho sức khỏe con người, Thành đoàn là đơn vị triển khai chương trình “Tiếp sức mùa thi” cũng như tuyển chọn tình nguyện viên, vậy các ông không thể đứng ngoài việc này được, ngay cả khi đó là “sáng tạo” riêng của sinh viên tình nguyện?

Quan điểm của Thành đoàn là làm gì cũng phải an toàn, bảo vệ sức khỏe cho chính mình. Sự nhiệt tình của các bạn sinh viên với cuộc sống cộng đồng là điều đáng quý, đáng trân trọng. Và cách làm tình nguyện thế nào, các bạn ấy cũng có tính toán phù hợp và hiệu quả nhất.

Tôi được biết, trước đó, các bạn tình nguyện viên đã tập huấn cách đứng thành hàng rào thế này, cứ 15 - 20 phút lại có người ra để người khác thay vào. Nước chanh, viên C sủi cũng được phát cho sinh viên làm hàng rào để tăng sức đề kháng.


Có ai bị say nắng hay ngất không? Nếu có trường hợp ngất hay tai nạn giao thông do xe đi đường lao vào “hàng rào sống” thì sao?

Mấy ngày qua không có bạn sinh viên nào bị say nắng hay ngất vì nắng nóng. Tai nạn giao thông cũng vậy, không có tai nạn nào với các bạn tình nguyện viên làm hàng rào.

Sinh viên tham gia hỗ trợ giao thông trước cổng trường đều được tuyển chọn từ các tình nguyện viên có kinh nghiệm, từng tham gia tình nguyện. Bên cạnh đó, Thành đoàn cũng mua bảo hiểm cho tất cả tình nguyện viên.


Các ông có tính đến chuyện cha mẹ ở quê của các tình nguyện viên thấy sao khi nhìn con mình mướt mát mồ hôi đứng dưới cái nắng nóng 40 độ C?

Tôi xin dẫn câu chuyện thế này, có một sinh viên đã về quê nghỉ hè. Sau đó, bạn ấy xin phép gia đình quay lại Hà Nội tham gia tiếp sức mùa thi vì thấy hoạt động tình nguyện sôi nổi, ý nghĩa.

Các trường hợp khác, nếu bố mẹ không đồng ý, chắc chắn sinh viên không thể ở Hà Nội cả tháng trời nghỉ hè tham gia tình nguyện.

Nhiều phụ huynh biết con sẽ rất vất vả nhưng đồng ý cho con tham gia tình nguyện vì họ cũng nghĩ đó là cách rèn luyện cho con. Nếu cứ ngồi trong điều hòa, thấy nắng thì tránh, mưa thì trú... chắc chắn sau này khi ra đời không thể vững vàng như các bạn rèn luyện.


Một câu chuyện khác vừa được chia sẻ trên mạng xã hội, có trường hợp thanh niên tình nguyện phục vụ kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia dùng dùi cui chỉ vào mặt người đi đường với thái độ thiếu bình tĩnh. Vậy các trường hợp này thì sao?

Chúng tôi sẽ kiểm tra việc này. Tuy nhiên, trước kỳ thi này, hơn 3.900 sinh viên được tập huấn kỹ năng, đặt ra từng giả thiết trường hợp và cách xử lý trường hợp để ứng xử sao cho phù hợp. Những sinh viên tham gia đội tình nguyện cũng được phỏng vấn, tuyển chọn kỹ càng.

Trước đây, có trường hợp sinh viên tình nguyện tham gia sự kiện của thành phố gặp phải phản ứng gay gắt nhưng họ trao đổi lại rất ôn hòa.

Dư luận đang tranh luận về “hàng rào sống”, chắc hẳn điều này tác động đến sinh viên tình nguyện. Ông muốn nói gì với họ?

Thời gian vừa qua, sinh viên tình nguyên hoạt động dưới cái nắng gay gắt, không chỉ các bạn ở cổng trường, địa điểm thi mà còn các hoạt động khác như khảo sát chỗ ở tại các nhà trọ miễn phí, giá rẻ, ký túc xá...

Các bạn tình nguyện vì màu áo xanh, cống hiến vì cộng đồng, cuộc sống, tạo được rất nhiều thiện cảm với bà con nhân dân đưa con em đến Hà Nội dự thi. Phần lớn bà con ở các tỉnh thành ghi nhận đóng góp của sinh viên tình nguyện.

Tôi biết, nhiều bạn sinh viên chưa tham gia tình nguyện rất mong muốn tham gia. Thành phố Hà Nội, chúng tôi rất tự hào vì các bạn. Mong rằng cách nhìn của truyền thông không làm mất đi phong trào, tính tình nguyện của sinh viên.


Xin cảm ơn ông!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Công Thọ (thực hiện) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN