"Đã là công chức đừng mong làm giàu"
Trò chuyện với Tiền Phong, ĐBQH, Tiến sĩ Trần Du Lịch cho rằng, bộ máy hành chính năng động, đội ngũ công chức tinh hoa, công tâm sẽ thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, nhất là trong điều kiện khó khăn, cần đẩy mạnh tái cơ cấu hiện nay.
“Đã làm công chức, thì hãy xác định một điều là phục vụ nhân dân, chứ anh đừng có mong làm giàu cho mình” - ông Lịch nhấn mạnh.
Ông Trần Du Lịch cho rằng:
Chất lượng cán bộ, công chức là vấn đề rất lớn. Nếu bộ máy quá cồng kềnh, sẽ không chỉ liên quan đến sự trì trệ của nền hành chính mà nó là nguyên nhân để tăng liên tục chi thường xuyên và một gánh nặng ngân sách rất lớn như chúng ta đang phải đối đầu.
Ông Lịch nói, lâu nay, chúng ta tiến hành cải cách hành chính, nhưng theo ông muốn cải cách hành chính thành công, chúng ta phải nhìn nền hành chính quốc gia gồm 3 bộ phận: thể chế hành chính, bộ máy tổ chức và con người. Muốn cải cách được, trước hết, chúng ta phải nhận thức lại chức năng của nhà nước trong nền kinh tế thị trường, những gì là trách nhiệm của nhà nước, những gì là của xã hội, thị trường. Phải bỏ tư tưởng nhà nước bao cấp mọi thứ, và xâm phạm vào những lĩnh vực của thị trường.
Ông Trần Du Lịch.
Phải nâng trách nhiệm cá nhân
Thảo luận tại Quốc hội, ông và một số ĐBQH cho rằng chúng ta tổ chức bộ máy quá cồng kềnh, đẻ quá nhiều biên chế, nhiều ghế không ngân sách nào chịu nổi. Nguyên nhân do đâu?
Tại sao chúng ta tổ chức bộ máy cồng kềnh như vậy? Bởi vì chúng ta vẫn cứ nhập nhằng giữa trách nhiệm cá nhân với trách nhiệm tập thể. Cái gì cũng đưa ra tập thể để bàn, đáng lý phải nâng trách nhiệm cá nhân lên. Vì vậy chúng ta phải cải cách từ cái gốc này.
"Theo tôi, cũng nên giáo dục một quan điểm ngay từ đầu, từ nhỏ: Anh đã làm công chức thì hãy xác định là phục vụ cho nhân dân, đừng bao giờ anh mơ tưởng đến làm giàu. Muốn làm giàu thì hãy ra khu vực tư nhân mà làm. Làm quan chức mà để mong giàu có thì phải trị ngay cái tư tưởng đó". ĐBQH Trần Du Lịch |
Vấn đề này cũng liên quan tới Hiến pháp, đó là tổ chức chính quyền địa phương - bộ máy hành chính. Nhưng rất tiếc, những vấn đề đó chúng ta xử lý còn hạn chế. Ví dụ có nhất thiết một đất nước không quá lớn như ta mà tổ chức chính quyền địa phương thành 3 cấp hay không? Tại sao không tổ chức 2 cấp - cấp cơ sở và cấp tỉnh, còn lại tổ chức cấp trung gian (gồm các cơ quan hành chính).
Cơ quan hành chính không phải cấp chính quyền nhưng nó nhấn mạnh được vai trò cá nhân là chính, chứ không phải tập thể. Tức là chúng ta sẽ bớt đi một cấp chính quyền để tổ chức cơ quan hành chính - thực hiện theo chế độ công vụ trách nhiệm cá nhân. Do đó, bộ máy trung gian sẽ giảm, công việc sẽ rõ ràng hơn. Chúng ta tổ chức mạnh chính quyền cơ sở để nâng chính quyền cơ sở lên, bớt chồng chéo giữa các cấp. Nếu chúng ta làm rõ như vậy, sẽ không có quá nhiều cấp phó, quá nhiều biên chế nữa, sẽ bớt gánh nặng cho ngân sách.
Vì sao bộ máy nhiều cấp phó, biên chế không ngừng tăng lên dù chủ trương cải cách hành chính là phải tinh giản, gọn nhẹ?
Chính bởi sự chồng chéo công việc và cán bộ tham gia quá nhiều chuyện họp hành. Tôi biết có cơ quan không đủ cấp phó để cử đi họp, nên phải đẻ thêm phó để đi họp. Tại sao họp nhiều thế vì trách nhiệm cá nhân không rõ, mới đẻ ra như vậy.
Và cứ đẻ như vậy, biết bao nhiêu chế độ đi theo, tiêu phí quá nhiều. Chúng ta họp quá nhiều mà người dân không cần biết anh họp nhiều hay ít mà là anh mang lại gì cho tôi, tôi đóng thuế cho anh thì anh làm gì cho tôi? Có nhiều chính quyền cấp phường họp liên miên, dân cần thì đóng cửa họp...Thế là việc của dân anh không giải quyết được.
Lâu nay, chúng ta cứ nói HĐND quyết định vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn. Nhưng cần phải rõ cấp Trung ương làm gì, tỉnh làm gì, cơ sở làm gì, đừng nói chung chung.
Cấp phường hãy làm mấy việc lo cho dân thật tốt - khai sinh, đăng ký hộ tịch...; thứ hai trên địa bàn đừng để người ta chiếm lòng, lề đường, xả rác, xây dựng trái phép. Phải làm những việc cụ thể, rõ ràng, chứ không thể nói chung chung ra nghị quyết kinh tế -xã hội gì ở đây cả. Phải cải cách từ cái đó.
ĐBQH cho rằng trong khi bộ máy cồng kềnh đẻ quá nhiều ghế nhưng kết quả công việc không hiệu quả, khi cần không biết quy trách nhiệm cho ai?
Đáng lý ở một cục thì ông cục trưởng phải chịu trách nhiệm toàn bộ chứ không phải ông thứ trưởng phụ trách. Đã có ông cục trưởng rồi lại có thứ trưởng nữa, thì vừa tăng thêm một tầng nấc mà khi xử lý công việc cũng sẽ chậm, vì ông cục trưởng lại phải chờ báo cáo ông thứ trưởng.
Tại sao không mạnh dạn, ví dụ địa phương thì giao cho giám đốc sở chịu trách nhiệm lĩnh vực đó, đẻ thêm phó chủ tịch phụ trách mấy sở làm gì? Tại sao ông giám đốc sở không thể chịu trách nhiệm trước dân, trước ông chủ tịch tỉnh và xem ông giám đốc đó như một ông phó chủ tịch tỉnh?
Chúng ta đẻ ra quá nhiều hàm, ngoài chức ra là hàm. Xếp ghế để ngồi, hết vụ trưởng là hàm vụ trưởng, vụ phó để nhận chế độ. Thực chất là hết chức, hết ghế rồi thì đặt thêm cái hàm.
Cần tinh hơn nhiều bằng cấp
Một số địa phương trải thảm đỏ mà vẫn không tìm được người tài nhưng lại có tình trạng có tới 30% công chức không làm việc “sáng cắp ô đi tối cắp ô về”, thưa ông?
Đấy là cái gốc vấn đề, bộ máy công chức hiệu quả thì mới thúc đẩy được kinh tế- xã hội phát triển. Tôi đã nghiên cứu Nhật Bản, Hàn Quốc thậm chí Đài Loan, bộ máy công chức rất tinh hoa. Tôi đã chứng kiến một quận của thành phố Bu-san (Hàn Quốc) cần tuyển hai công chức, buổi chiều có 200 cử nhân tốt nghiệp loại giỏi xin dự thi vào hai vị trí đó. Người được tuyển rất vinh dự. Công chức phải là vậy, nhưng chúng ta thì không đạt yêu cầu vẫn tuyển.
Lâu nay, chúng ta còn phân biệt xuất xứ đào tạo, không tuyển ngoài công lập, mà chưa chú trọng đến thực chất. Làm sao để có thể tuyển dụng được những người tinh hoa như ông nói?
Tôi cho rằng trước hết phải làm rõ công vụ đã. Không thể để một chức danh nào tuyển dụng vào rồi mà công việc không rõ ràng, cái đó nhà nước phải học khu vực tư nhân. Với một Cty tuyển người vào không có ai ngồi không bao giờ.
Trong 8 tiếng anh làm gì rất rõ. Minh bạch về công vụ là yêu cầu đầu tiên. Thứ hai, công vụ đó cần trình độ gì, chứ không phải là cứ đại học nhiều, tiến sỹ nhiều là tốt. Hiện nay, thạc sỹ, tiến sỹ trong bộ máy của ta còn nhiều gấp mấy lần nước Nhật, nhưng có làm được việc gì nhiều đâu.
Không nên khuyến khích đi học tràn lan, mà cần có người tinh thông làm việc đó. Thứ ba là chế độ đãi ngộ tinh nhưng xứng đáng, để anh thấy nếu làm không tốt anh mất việc đó thì không thể nào có một chỗ khác tốt hơn. Đãi ngộ và trách nhiệm phải gắn với nhau.
Cảm ơn ông.