Đã có quy định xử trộm cắp, con nghiện
Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của những đối tượng này, pháp lệnh quy định họ được mời luật sư bảo vệ cho mình.
Để giải quyết sự chậm trễ trong việc ban hành quy định đưa người trộm cắp, nghiện vào các trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục hoặc cơ sở chữa bệnh bắt buộc theo Luật Xử lý vi phạm hành chính (có hiệu lực từ 1/1/2014), ngày 20/1, Ủy ban Thường vụ QH đã họp bàn và chính thức thông qua Pháp lệnh về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND.
VKS phải tham gia
Theo pháp lệnh, đối với những vụ đã xử trước 1/1/2014 thì không xem xét lại. Những vụ đã lập hồ sơ, tổng hợp, tập hợp sau 1/1/2014 thì sẽ áp dụng theo pháp lệnh mới. Pháp lệnh cũng quy định thời hạn xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính là 15 ngày, kể từ ngày tòa án thụ lý hồ sơ đề nghị của cơ quan có thẩm quyền; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày.
Tại tờ trình, TAND Tối cao khẳng định việc tòa án quyết định các biện pháp hành chính sẽ bảo đảm khách quan, chính xác, tăng cường tính công khai, minh bạch, công bằng, dân chủ; đồng thời bảo đảm các quyền cơ bản của công dân, quyền con người, đặc biệt là quyền của người chưa thành niên trong quá trình xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính.
Việc tòa án quyết định các biện pháp hành chính sẽ bảo đảm khách quan, chính xác, tôn trọng quyền cơ bản của công dân. Trong ảnh: Người nghiện đang tham gia lao động tại trung tâm cai nghiện. Ảnh: HTD
Và để bảo đảm được điều đó, pháp lệnh quy định rõ về sự tham gia của VKS trong tiến trình này để đảm bảo sự tuân thủ pháp luật của tòa án trong quá trình xem xét, quyết định biện pháp xử lý hành chính. Trước đó, khi thảo luận về quy định trên tại phiên họp thứ 24, các thành viên trong Ủy ban Thường vụ QH đã thể hiện nhiều quan điểm trái chiều nhau về quy định này. Cụ thể, trong khi tòa án và phần lớn đại diện các ủy ban đều cho rằng quy định VKS tham gia là phù hợp thì Ủy ban Tư pháp và VKSND Tối cao lại cho rằng không phù hợp vì phiên họp này không phải là phiên xét xử mà chỉ là việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính nên kiểm sát không cần tham gia.
Được mời luật sư tham gia bảo vệ
Nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự, pháp lệnh có quy định: Người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính; cha mẹ hoặc người giám hộ của người bị đề nghị là người chưa thành niên có quyền tự mình hoặc nhờ luật sư hoặc người khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Trường hợp người chưa thành niên bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính mà không có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp thì tòa án yêu cầu đoàn luật sư phân công văn phòng luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ...
Ngoài ra, trong trường hợp cần thiết, tòa án có thể yêu cầu các chuyên gia y tế, tâm lý, giáo dục, xã hội học, đại diện của nhà trường nơi người bị đề nghị là người chưa thành niên học tập, đại diện chính quyền địa phương nơi người bị đề nghị cư trú hoặc những người khác tham gia phiên họp để trình bày ý kiến về việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người bị đề nghị.
Sau khi tòa án mở phiên họp xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính kết thúc, thẩm phán phải ban hành quyết định về việc có áp dụng biện pháp xử lý hay không. Đối với trường hợp quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng thì ngoài các căn cứ quy định, pháp lệnh yêu cầu thẩm phán phải cân nhắc, đánh giá về độ tuổi, mức độ phát triển về thể chất và tinh thần, mức độ nhận thức, hoàn cảnh sống và học tập của người chưa thành niên.
“Biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng chỉ được áp dụng khi xét thấy không còn biện pháp xử lý thích hợp khác và trong thời hạn ngắn nhất, đủ để giáo dục, giúp đỡ họ nhận thức được sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội” - pháp lệnh nêu rõ.
Có quyền khiếu nại quyết định của tòa án Theo pháp lệnh, người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc người đại diện hợp pháp của họ, cha mẹ hoặc người giám hộ của người bị đề nghị là người chưa thành niên có quyền khiếu nại đối với các quyết định của tòa án trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính khi có căn cứ cho rằng quyết định đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Khi có khiếu nại, kiến nghị đối với TAND cấp huyện thì việc giải quyết khiếu nại, kiến nghị được giao cho một thẩm phán TAND cấp tỉnh thực hiện. |