Da cam: Nỗi đau chưa bao giờ dứt
Năm 1961, quân đội Mỹ đã trút xuống lãnh thổ Việt Nam một thứ hóa chất ghê người – da cam/dioxin. 3 triệu dân Việt Nam đã bị nhiễm chất độc da cam. Nỗi đau và sự mất mát ấy đã hằn sâu, không gì chua chát hơn.
Nhiều thế hệ con cháu Việt Nam đang phải chịu bao đớn đau về thể xác, tinh thần vì chất độc da cam. Ở vùng đất Quảng Ngãi – nơi có đến 22.000 nạn nhân nhiễm chất độc da cam. Mỗi ngày, những con người ấy phải chống chọi với cơn đau thắt ruột gan, đánh vật với chất độc da cam để sống, để vươn lên…
Cám cảnh phận da cam
Nghèo. Vợ chồng chị Nguyễn Thị Thanh, ở thôn Phước Kỳ, xã Phổ Nhơn, huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) lại còn phải chịu cảnh bất hạnh. Hai đứa con của vợ chồng chị Thanh không may bị nhiễm chất độc da cam. Thái Văn Kỳ và Thái Văn Tâm giống như đứa trẻ, tay chân co quắp, nằm, ngồi một chỗ dù cả hai đều đã qua tuổi 18.
Nhắc đến con, kể về cuộc đời của con và những nhọc nhằn mà hai vợ chồng chị phải trải qua, chị Thanh không kìm được nước mắt. Người đàn bà khắc khổ này đã dành hết mọi thứ cho con. Hằng ngày, từ tờ mờ sáng, chị đã phải thức dậy lặn lội chất củi lên xe rồi mang ra chợ bán, nhận làm thuê đủ nơi để có tiền chăm lo cho 2 đứa con.
“Khổ lắm chú ạ. Nhìn con họ lành lặn, vui đùa, được đi học đàng hoàng còn con mình thì thế này đây. Mỗi lúc các con phát bệnh là vợ chồng tôi không tài nào chợp mắt được, thức trắng bên con. Tương lai chúng nó chẳng sáng sủa gì. Vợ chông tôi rau cháo qua ngày cũng phải cố nuôi các con” – chị Thanh nghẹn giọng.
Anh Thái Văn Thành - chồng chị Thanh - nhìn con rồi nói: “Tôi đau ốm triền miên. Hai con cũng nằm một chỗ nên đành ở nhà trông nom chúng nó. Cuộc sống trong gia đình đều trông cậy vào xe củi của vợ. Thiệt khổ cực lắm. Trời bắt như vậy mình biết làm sao hả chú”.
Anh Thái Văn Thành và con trai Thái Văn Kỳ ước mong có một chiếc xe lăn.
Thái Văn Kỳ (18 tuổi), con trai thứ hai của vợ chồng chị Thanh lúc sinh ra vẫn còn đi đứng được nhưng không bao lâu sau cũng tật nguyền như người anh cả. Bệnh tái phát nặng, Kỳ co rút hai chân, teo tóp rồi bỏ học. Tay ôm cứng con chó nuôi, Kỳ cười lạc quan: “Em sẽ hết bệnh đúng không anh. Em muốn có chiếc xe lăn để đến trường”. Nghe con nói vậy, hai vợ chồng chị Thanh đỏ hoe khoé mắt bởi anh chị biết rằng mong ước đơn sơ ấy của đứa con mình có lẽ chẳng bao giờ thành hiện thực.
Cuộc sống đã không mỉm cười với vợ chồng chị Thanh khi cả hai đứa con của anh chị đều không lành lặn vì chất độc da cam.
Ông Trần Sướng, ở thôn Châu Hoà, xã Bình Khương, huyện Bình Sơn cũng chỉ sướng qua cái tên gọi chứ còn cả cuộc đời của ông chìm trong cơ cực, bất hạnh. Gần hết cả đời người nhưng chưa bao giờ ông có giây phút nghỉ ngơi bởi 4 người con bị chất độc da cam luôn cần đôi tay ông làm lụng để nuôi chúng.
Mấy chục năm ròng rã, vợ chồng ông phải lo từng miếng ăn, giấc ngủ cho các con tật nguyền. Rồi vợ ông qua đời, ông Sướng càng thêm khổ khi một tay cáng đáng mọi việc. 4 đứa con bị chất độc da cam của ông đều đã lớn, đứa lớn cũng đã qua cái tuổi 40 nhưng…. “Bất hạnh lắm. Con mình nó bị bệnh như vậy thì phải cam chịu thôi. Mình còn sống được ngày nào thì lo cho các con ngày ấy. Cũng may các con cũng được sự hỗ trợ của nhà nước chứ không thì còn bi thảm hơn. Mình đâu thể bỏ con. Nỗi đau này cũng từ chất độc da cam mà ra. Giá như đừng có thứ độc hại ấy” – ông Sướng chua chát nói.
Vượt lên chính mình
Không đầu hàng số phận – nhiều mảnh đời da cam đã vượt lên chính mình, vượt qua nỗi đau da cam để sống tốt, sống có ích.
Ngôi nhà khang trang trong con hẻm ở thôn Thạnh Đức 2, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ của gia đình nạn nhân chất độc da cam Nguyễn Xuân Diệu lúc nào cũng đông người.
Có người đến hớt tóc, có người đến truy cập internet, chơi bida, mua hàng hoá…. Một cơ ngơi đang “ăn nên làm ra” do chính tay người nhiễm chất độc da cam Nguyễn Xuân Diệu dựng xây nên. Vợ chồng anh Diệu cùng 3 đứa con nhỏ đang sống hạnh phúc ngỡ như chuyện cổ tích. Anh Diệu năm nay ở tuổi 36. Anh lập gia đình cách đây 12 năm cùng chị Ngô Thị Lên.
“Mình không có sức khoẻ nhưng còn cái đầu minh mẫn thì phải cố lao động, không để thua những người bình thường được” – Anh Diệu nói.
Từ khi sinh ra, anh Diệu đã mang thương tật trên người, thân thể teo tóp, đi đứng phải dùng nạng, chỉ duy mỗi trí não là bình thường. Tưởng chừng con người như anh sẽ chẳng có được ngày hôm nay, nhưng rồi bằng nghị lực, anh Diệu đã vượt qua ranh giới của người tàn tật để vươn lên sống như một người bình thường.
Ngày chưa lập gia đình, anh chống nạng đi tìm nghề để học với mong có cái nghề trong tay nuôi sống bản thân. Anh học được nghề hớt tóc. Lúc đầu, thấy tật nguyền chẳng ai nhận dạy nghề dù anh đi gom từng đồng bạc lẻ để xin học. “Lúc đó, tôi cứ nói với họ là các anh cứ nhận tôi đi, tôi làm được. Tôi bỏ tiền, bỏ công sức ra học nghề thì phải cố gắng. Cuối cùng, tôi đã làm được đó thôi” – anh Diệu kể.
Sau này, duyên phận đưa đẩy, anh gặp chị Lên – người xã kế bên cũng làm nghề hớt tóc. Gia đình chị Lên không ai đồng ý chọn anh Diệu làm rể. Nhưng tình cảm và sự quyết tâm của anh Diệu – chị Lên đã làm thay đổi quan điểm của cha mẹ vợ anh. Một đám cưới được tổ chức. Diệu – Lên nên duyên vợ chồng. Chị Lên là người bình thường không bệnh tật nên chăm chút cho chồng rất cẩn thận. Hai vợ chồng mở tiệm hớt tóc, dành dụm rồi mua đất cất nhà. Năm tháng sau này tích cóp, anh Diệu lại nhanh trí nghĩ tới chuyện làm ăn lớn hơn mở tiệm Internet, 3 bàn bida, quầy hàng tạp hoá…
“Bây giờ thì cuộc sống của tôi cũng đã tốt và ổn định hơn xưa rất nhiều. Lúc trước, tôi nghĩ không có ngày hôm nay đâu. Tôi vươn lên dữ lắm. Tôi chỉ thua người bình thường về sức khoẻ nhưng cái đầu mình còn minh mẫn thì phải tính toán làm ăn, vượt khó vươn lên. Nhìn ra đường thấy mấy người đi xin, đi lang lang, tôi không muốn mình như họ nên tôi luôn nhắc nhở bản thân rằng là mình phải cố lên. Chính nhờ sự quyết tâm đó mà bây giờ tôi đã có vợ, có con, có nghề nghiệp ổn định, không còn lo đói. Nếu mình bị tật nguyền rồi đầu hàng số phận, không vươn lên thì chẳng còn ý nghĩa gì nữa” – Anh Diệu nói.
“Chồng em giỏi lắm. Em chọn ảnh là không nhầm. Ba má em giờ cũng rất thương ảnh” – chị Lên tiếp lời.
Anh Trương Quang Trung làm nghề sửa xe đạp để kiếm sống.
Anh Trương Quang Trung, ở thôn Hội Đức, xã Tịnh Hiệp, huyện Sơn Tịnh giờ cùng tự thân lo cho cuộc sống của mình bằng nghề sửa xe đạp. Chân trái của anh teo tóp, phải đi bằng chân giả sau nhiều lần phẫu thuật.
Để có nghề sửa xe đạp nơi quê nhà, 10 năm, anh Trung đã chống nạng đi hàng chục ki lô mét xuống tận TP Quảng Ngãi để học nghề sửa xe. “Có cái nghề trong tay như bây giờ là yên tâm rồi. Tôi sẽ gắn bó với nó đến cùng, không bỏ được. Tôi đã tự lo cho bản thân mình. Trước đây, nếu không cố gắng vươn lên thì giờ chắc còn phụ thuộc vào gia đình, vào bố mẹ nhiều lắm.” – anh Trung kể.