Cứu người: Niềm tin bị đánh mất

“Đó là sự rối loạn về niềm tin. Thật khó chỉ ra được đâu là giá trị trung tâm, nhân văn, nhân bản. Có những người lớn giọng nói về một xã hội nhân ái, vị tha, vì số đông, vì người nghèo. Nhưng không hẳn trong hành xử người đó đã làm như thế.” – TS. Trịnh Hòa Bình chia sẻ.

Theo quy định của pháp luật, hành vi không cứu giúp người bị tai nạn giao thông nói riêng và người bị nạn nói chung, có thể bị xử phạt hành chính, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự cao nhất đến 5 năm tù.

Lâu nay, đã có nhiều tấm gương về hành động dũng cảm cứu người bị nạn. Thậm chí, đã có những chiến sĩ công an, bộ đội vì cứu người bị nạn mà đã phải đổ máu, hy sinh. Vậy nhưng, đâu đó, chúng ta bắt gặp không ít những vẻ mặt thờ ơ, vô cảm trước cảnh một người đang nằm hấp hối bên vũng máu trên đường. Thậm chí, tại những thành phố lớn, đông người đi lại, những hình ảnh đó lâu nay chúng ta có thể nhìn thấy ngày càng nhiều hơn.

Tại sao lại có hiện tượng như vậy? PGS.TS. Trịnh Hòa Bình (Viện Xã hội học) đã có một số quan điểm chia sẻ và lý giải hiện tượng xã hội này.

Lỗi của sự phát triển?

Trước hết, cần khẳng định, tinh thần nghĩa hiệp, lòng vị tha, sống vì con người ở bất kỳ xã hội và thời đại lịch sử nào đều là một giá trị được tôn vinh. Ngược lại, một thái độ ngược lại điều này thời nào cũng có.

Tiếc thay, thái độ thờ ơ, vô cảm, bàng quang, không cứu giúp người bị nạn, thậm chí giậu đổ bìm leo (tranh thủ hôi của) dường như đang tăng lên.

Vấn đề đặt ra ở đây là sự đối chọi giữa văn minh với dã man, tiến bộ và phản động. Thâm tâm chúng ta đều muốn sự tốt đẹp sẽ thắng thế. Không ai muốn điều ngược lại.

Có những ý kiến cho rằng, xã hội càng phát triển hiện đại bao nhiêu thì tính nhân văn giảm đi. Theo guồng quay đó, những mối quan hệ xã hội hiện đại trở nên xơ cứng, thiếu sự tưới tắm bằng tình nghĩa con người. Và nhiều người gật gù tán thưởng với ý kiến này. Người ta cắt nghĩa, những điều đó do cơ chế thị trường, sự hối hả vất vả của cuộc sống đem lại. Tôi thừa nhận những lý do đó là có thật.

Tuy nhiên, cần nhìn nhận thêm một nguyên nhân khác. Đó là câu chuyện rối loạn về niềm tin, đứt gãy hệ giá trị. Giá trị con người tôn thờ hiện nay thật khó chỉ ra được đâu là giá trị trung tâm, nhân văn, nhân bản.

Cứu người: Niềm tin bị đánh mất - 1

TS Trịnh Hòa Bình: "Tiếc thay, thái độ thờ ơ, vô cảm, bàng quan, không cứu giúp người bị nạn, thậm chí giậu đổ bìm leo (tranh thủ hôi của) dường như đang tăng lên".

Con người luôn thấy nghi ngờ

Trong xã hội chúng ta hiện nay, tôi không khẳng định là phổ biến, nhưng đầy rẫy những giá trị thật giả đan xen phức hợp. Có những sự kiện hiện tượng mình đinh ninh là thật, là tốt đẹp. Nhưng đến một ngày, không biết đẹp trời hay xấu trời, chúng ta chợt nhận ra đó là sự giả dối.

Khi xã hội để cho những cái giả, cái xấu, cái ác lên ngôi, làm cho cộng đồng, thậm chí kể cả những người có trách nhiệm, vị thế xã hội cũng mất lòng tin. Buộc con người phải điều chỉnh. Người ta thu mình lại, ít chia sẻ hơn, không dám hy sinh, vị tha nữa.

Ngay cả những cuộc thi trên truyền hình, thi người mẫu, hoa hậu, tài năng, chúng ta thường thấy có chuyện lùm xùm. Trong xã hội, không có điều gì chúng ta thấy chuẩn mực. Trong một bức tranh như vậy, con người luôn thấy nghi ngờ. Khi con người nghi ngờ về những giá trị thật giả, thì không tội gì người ta phải vì người khác. Người ta phải bảo vệ chính mình trước.

Điều này, nhãn tiền dẫn đến câu chuyện nhiều thanh niên ngày nay ra đường để kèm hung khí trong cốp xe. Nhân danh là tự bảo vệ, lập lại trật tự cho chính mình vì người ta không còn niềm tin nữa. Nhưng ai biết những người nhân danh tự bảo vệ lại không phải là dùng hung khí để làm điều ác? Bởi ranh giới giữa thiện ác, đúng sai, thật giả rất mong manh.

Con người bị mất cơ sở vào niềm tin và người ta chỉ tin vào những điều có thật. Dù những điều có thật vẫn không ít nhưng người ta lại ít gặp được nó. Thậm chí, để có được điều thật, lại phải có những điều kiện nào đó. Có thể thấy mọi câu chuyện: giá đến lương, đến tiền, viện phí, bảo hiểm xã hội..., nếu muốn tham gia với tư cách là một công dân sòng phẳng, cũng phải có những điều kiện nhất định hay quan hệ nào đó...

Đáng buồn thay, có những người lớn giọng nói về một xã hội vị tha, vì số đông, vì người nghèo nhưng không hẳn trong hành xử người ta làm như thế. Sự mất lòng tin chính là lòng tin của quảng đại quần chúng nhân dân đối với những người đó, những bậc chính nhân quân tử.

Giáo dục của xã hội phương Đông là "nêu gương". Nếu những bậc chính nhân quân tử trong xã hội hành xử không chính đạo, thật khó hy vọng sự đúng đắn trong cộng đồng.

Cứu người dễ bị thua thiệt

Với một bức tranh xã hội hiện nay, cách giải thích như trên cho hành vi vô cảm đang tăng lên, tôi cho là phù hợp.

Trong bối cảnh xã hội đó, người ta nhận thấy tham gia làm điều tốt rất dễ bị thua thiệt. Đó là chưa nói đến chuyện mất thì giờ. Có người tham gia xong xuôi lại bị nhà chức trách giữ lại chất vấn, tra hỏi. Thậm chí họ còn bị nhà chức trách nghi ngờ, đặt câu hỏi họ là anh hùng hay tội phạm.

Tôi đồng ý rằng, ở xã hội nào, nhân chứng đều có nghĩa vụ phải cung cấp thông tin cho cơ quan pháp luật. Nhưng ở ta, nhà chức trách làm phiền họ quá.

Đây là vấn đề cung cấp dịch vụ công. Dịch vụ công của chúng ta rất phiền nhiễu, người muốn có dịch vụ công luôn phải mất thêm tiền. Xã hội văn minh, người ta chỉ đóng thuế một lần, họ tự hào là người đóng thuế và họ có quyền, là ông chủ của xã hội. Người đóng thuế có quyền yêu cầu nhân viên công vụ. Nhưng ở ta, người cung cấp dịch vụ lại tự coi mình là có quyền. Cho nên người cứu nạn đôi khi thấy mình bị cơ quan điều tra làm phiền và không sẵn sàng ra làm chứng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Cảnh Kiên ([Tên nguồn])
Lạnh lùng bỏ mặc nạn nhân TNGT Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN