Cuộc chiến Syria có nguy cơ lan sang Libăng

Đám tang của tướng tình báo Libăng Wissam al-Hassan ở thủ đô Beirut đã biến thành một cuộc biểu tình chống chính phủ khi xuất hiện những lo ngại cuộc chiến ở Syria sẽ lan rộng ra khu vực.

Cảnh sát ở Beirut đã bắn chỉ thiên và dùng hơi cay để giải tán những người biểu tình ngày 21/10, vài giờ sau khi diễn ra lễ tang của tướng al-Hassan, người đứng đầu cơ quan tình báo Lực lượng an ninh nội địa (ISF) và bị coi là kẻ thù của chính quyền Syria. Phe đối lập và những người ủng hộ cáo buộc Syria đứng sau vụ đánh bom ám sát tướng al-Hassan hôm 19/10. Đọ súng cũng đã diễn ra ở các quận phía nam thủ đô Beirut trong đêm 21, rạng sáng 22/10 sau khi đám tang diễn ra.

Những người biểu tình cũng tìm cách tràn vào văn phòng của Thủ tướng Najib Mikati để yêu cầu ông từ chức. Những người phản đối cho rằng ông Mikati quá thân thiết với Tổng thống Syria Bashar al-Assad và Hezbollah, đồng minh của Damascus ở Libăng, hiện nằm trong thành phần chính phủ của ông Mikati.

Ngay sau khi xảy ra vụ ám sát tướng al-Hassan, Thủ tướng Mikati đã bày tỏ ý định muốn từ chức nhưng cho biết ông sẽ vẫn tại vị theo yêu cầu của Tổng thống Michel Sleiman.

Kẻ thù của Damascus

Giới quan sát nhận định cuộc biểu tình ngày 21/10 ở Beirut đã cho thấy xung đột kéo dài 19 tháng qua ở Syria đã ảnh hưởng sâu sắc như thế nào đến căng thẳng sắc tộc ở Libăng, vết thương vẫn còn đó từ cuộc nội chiến 1975-1990.

Cuộc chiến Syria có nguy cơ lan sang Libăng - 1

Những người biểu tình đang di chuyển đến văn phòng Thủ tướng Najib Mikati - Ảnh: AP

Ở Syria, các binh sĩ nổi dậy dòng Sunni đang chiến đấu chống lại chính quyền của Tổng thống Assad, vốn thuộc phái Alawite thiểu số thuộc dòng Hồi giáo Shi’ite. Trong khi đó, cộng đồng tôn giáo ở Libăng đang bị chia rẽ sâu sắc giữa một bên ủng hộ ông Assad, một bên ủng hộ quân nổi dậy.

Tướng tình báo al-Hassan là người bị coi là kẻ thù của Damascus, do hồi tháng 8 ông đã phá tan một âm mưu đánh bom và sau đó, trong một điệp vụ gài bẫy, đã bắt giữ bộ trưởng thông tin Libăng Michel Samaha, người bị cáo buộc là vận chuyển bom do Syria chế tạo để thực hiện các vụ tấn công sắc tộc ở Libăng. Việc hai quan chức Syria khác cùng bị buộc tội với ông Samaha được xem là một nỗi sỉ nhục đối với Tổng thống al-Assad và là động thái chưa từng có đối với nước láng giềng này của Libăng.

Là người Sunni, tướng al-Hassan cũng chỉ đạo điều tra vụ ám sát cựu thủ tướng Libăng Rafik al-Hariri hồi năm 2005, vụ việc được cho là có sự dính líu của chính quyền Syria và lực lượng Hezbollah dòng Shi’ite. Là quan chức an ninh hàng đầu Libăng và được mô tả là nhân vật thân tín của cựu thủ tướng al-Hariri, tướng al-Hassan còn quy trách nhiệm cho Damascus về một loạt vụ sát hại các nhân vật ở Libăng có quan điểm chống Syria trong những năm qua.

Đòn dằn mặt

Giới quan sát nhận định vụ ám sát tướng al-Hassan còn có mục đích khác ngoài việc tiêu diệt bộ não tình báo quyền lực nhất của Libăng. Vụ ám sát được thực hiện như kiểu một cuộc hành quyết công khai này là một lời cảnh cáo đến những ai đang thách thức chính quyền Syria ở Libăng.

Một số nhà phân tích cho rằng đòn dằn mặt này cũng nghiêm trọng tương tự vụ đánh bom nhằm vào các quan chức an ninh chính quyền Damascus hồi tháng 7. Nhà bình luận Rami Khouri ở Beirut nhận định: “Dù là ai đứng sau vụ tấn công này thì cũng muốn chuyển một thông điệp rằng họ có thể chạm tới bất cứ ai cho dù người đó có là giám đốc cơ quan tình báo đi nữa”.

Các nhà quan sát cũng nhận định việc từ chức của các quan chức cấp cao và bất ổn tiếp theo chính là điều mà thủ phạm ám sát tướng al-Hassan nhắm đến.

Trong khi đó, nhà bình luận và chuyên gia về Syria Sarkis Naoum lại nhận định “đây có thể là sự khởi đầu cho một thời kỳ mới với nhiều vụ ám sát hơn, nhiều vụ đánh bom hơn”. Theo ông, kích động sắc tộc ở Libăng đang có chiều hướng gia tăng và vụ ám sát tướng al-Hassan là mồi lửa mới. “Chúng ta đang bước vào một giai đoạn cực kỳ nguy hiểm. Bất cứ chuyện gì cũng có thể xảy ra - ông nói - Xung đột ở Syria không thể không liên quan đến Libăng. Người Libăng đang bước vào cuộc chiến ở Syria với một bên ủng hộ chính quyền Assad và một bên chống lại”.

Mặc dù vậy, nhiều nhà phân tích cho rằng các phe phái ở Libăng không hứng thú với việc đưa nước này quay lại nội chiến.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Việt Phương (Tuổi Trẻ/Reuters, AFP, Al Jazeera)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN