Cuộc chiến chống “ma men” lái xe ở Thụy Điển
Chỉ cần uống một cốc bia, tài xế có thể sẽ bị cảnh sát Thụy Điển bắt giữ, phạt với số tiền rất cao và bị tịch thu xe bán đấu giá.
Vừa qua, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia vừa có kiến nghị Chính phủ cho phép thực hiện một số quy định xử phạt vi phạm hành chính nhằm kéo giảm tai nạn giao thông và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Theo đề xuất, người điều khiển ôtô có nồng độ cồn vượt 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/1 lít khí thở sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 24 tháng và tịch thu phương tiện.
Ngay lập tức, đề xuất của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã thu hút sự chú ý và tranh cãi gay gắt của dư luận, khi nhiều người cho rằng mức phạt trên là quá cao, trong khi nồng độ cồn của lái xe đến mức bị tịch thu phương tiện là quá thấp.
Nhiều người lại có ý kiến rằng việc tịch thu phương tiện của tài xế có nồng độ cồn cao là không có cơ sở pháp luật. Tuy nhiên, trên thế giới, hình thức tịch thu phương tiện và nhiều biện pháp trừng phạt nặng nề khác đã được nhà chức trách áp dụng đối với những tài xế bị phát hiện có nồng độ cồn trong máu ở mức thấp hơn nhiều.
Trên thế giới hiện nay hầu hết các quốc gia đều áp dụng 2 mức nồng độ cồn trong máu phổ biến để đưa ra mức phạt đối với người tham gia giao thông là 80 mg/100 ml máu (hay còn gọi là mức 0,08) và 50 mg/100 ml máu (0.05).
Tại Thụy Điển, một trong những quốc gia được coi là nghiêm khắc nhất với hành vi uống rượu lái xe, khi chính phủ nước này đã “tuyên chiến” với các “ma men lái xe” bằng cách hạ mức nồng độ cồn trong máu của tài xế từ 0,05 xuống còn 0,02 từ cách đây 20 năm, đồng thời tăng nặng các biện pháp trừng phạt, giúp cải thiện an toàn giao thông cho nước này.
Theo quy định luật của Thụy Điển, bất cứ tài xế nào bị phát hiện có nồng độ cồn vượt mức 0,02 (thấp hơn 4 lần so với đề xuất của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Việt Nam) có thể sẽ bị tịch thu xe để bán đấu giá (hoặc tiêu hủy nếu xe không có giá trị cao) và bị phạt tiền rất cao.
Một quan chức Thụy Điển cho biết mức phạt với hành vi lái xe sau khi uống rượu bia nhiều hay ít tùy thuộc vào số tiền mà người vi phạm có trong tài khoản ngân hàng, và có trường hợp một phụ nữ nước này đã phải trả tiền phạt tới hơn 21.000 USD.
Ngoài ra, khi bị phát hiện tái phạm hành vi say xỉn khi lái xe, tài xế sẽ bị đưa tên và ảnh cùng biển số xe vào “danh sách đen” của cảnh sát, và cảnh sát giao thông có thể dừng xe của họ để kiểm tra bất cứ lúc nào.
Cảnh sát Thụy Điển còn thành lập các đội đặc nhiệm chuyên theo dõi các tài xế từng có hành vi say xỉn khi lái xe và tiếp nhận tin báo của người dân về những tài xế lái xe sau khi uống rượu. Khi xác định một đối tượng thường xuyên có hành vi uống rượu trước khi lái xe, cảnh sát sẽ cho xe tuần tra đỗ ngay trước nhà họ như một biện pháp răn đe, cảnh báo.
Những người tái phạm hành vi lái xe sau khi uống rượu bia sẽ bị đưa tới một trung tâm cai rượu bắt buộc, và họ chỉ được phép về nhà sau khi trải qua các xét nghiệm y tế chứng tỏ họ không còn vấn đề gì với rượu nữa.
Để “chắc ăn” hơn nữa, nhà chức trách Thụy Điển còn cho lắp đặt nhiều thiết bị cảm biến nồng độ cồn bên trong xe của những người tái phạm trong vòng một hoặc hai năm. Những thiết bị này sẽ ngay lập tức phát tín hiệu báo động cho cảnh sát nếu phát hiện thấy mùi rượu bia trong xe.
Khi những biện pháp trên vẫn không ngăn nổi tài xế tiếp tục lái xe sau khi uống rượu bia, cảnh sát Thụy Điển sẽ áp dụng biện pháp “nặng tay” nhất, đó là tịch thu xe, đồng nghĩa với việc tài xế mất quyền sở hữu chiếc xe mà mình đang điều khiển.
Những chiếc xe bị tịch thu sẽ được nhà chức trách Thụy Điển bán đấu giá lấy tiền thực hiện các chương trình cai rượu cộng đồng, còn những xe không có giá trị cao sẽ bị tiêu hủy.
Sau khi quy định nghiêm khắc trên được thực hiện trong 2 thập kỷ, giờ đây khi du khách đặt chân đến thủ đô Stockholm của Thụy Điển vào ban đêm sẽ rất ít gặp cảnh thực khách từ các nhà hàng, quán bar, hộp đêm ngồi sau tay lái, khi họ đã có những bữa tiệc linh đình trước đó.
Nhiều nhà hàng, quán bar ở Thụy Điển cũng chung tay vào cuộc chiến chống hành vi lái xe sau khi uống rượu bia bằng cách cung cấp đồ uống không cồn miễn phí dành cho những người phải cầm lái.
Một người dân Thụy Điển cho biết: “Ở các nước khác, người ta có thể uống hai hoặc ba cốc bia mà vẫn có thể lái xe. Nhưng ở Thụy Điển, chỉ cần uống một cốc bia là bạn đã không được phép lái xe. Bản thân tôi không bao giờ lái xe sau khi uống rượu bia và sẽ không cho phép người khác làm như vậy”.
Các quan chức Thụy Điển ước tính số tài xế uống rượu bia lưu thông trên đường chỉ chiếm chưa đầy 1%, và số tai nạn giao thông chết người liên quan đến rượu bia chỉ chiếm khoảng 15%. Số tài xế chết vì say xỉn trong lúc lái xe đã giảm từ 471 người vào năm 2007 xuống còn 300 người vào năm 2010.