Cụ ông 70 tuổi vẫn nuôi chí thi Cao học
Dù đã quá tuổi xế chiều, nhưng ông Lê Văn Xê vừa mới tốt nghiệp Đại học, vẫn tiếp tục ôn thi vào Cao học để thỏa niềm đam mê học hành.
Ông Xê có những thành quả học tập như hiện giờ không chỉ nhờ vào ý chí học tập không ngừng nghỉ của bản thân mà còn nhờ vào sự hy sinh thầm lặng của người vợ tần tảo nuôi chồng ăn học mấy chục năm.
Học để con cháu noi theo
Gặp chúng tôi tại quán nước trong trường đại học Nông Lâm TP.HCM, ông Lê Văn Xê (70 tuổi, ngụ ở ấp Bình Cang 1, xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa, Long An) tươi cười tiếp chuyện: “Tôi cũng vừa mới tan học, trưa nào cũng ra quán này ăn uống, nghỉ ngơi để đầu giờ chiều có sức vào học tiếp”. Nói về việc đang ôn thi vào cao học, ông Xê nói đã ôn được hơn hai tuần, phải ôn thêm 5 tuần nữa, đến đầu tháng 8 mới thi. Trước đây học thi tú tài, ông học khối C (văn, sử, địa) giờ chuyển qua khối A (toán, lý, hóa). Trong đợt thi đầu vào cao học, ông phải thi môn xác suất thống kê nên gặp nhiều khó khăn. Cứ sáng học trên lớp, chiều về ông cố gắng xem lại bài ngay để nhớ.
Từ khi ôn thi, ông Xê lên Sài Gòn ở với con gái út gần chợ Hòa Bình, Quận 5. Ngày nào, ông cũng đi hai tuyến xe buýt mới đến trường nên phải dậy thật sớm để chuẩn bị. Tính ra một ngày thời gian đi lại trong một ngày của ông chiếm hơn năm tiếng đồng hồ, vậy mà ngày nào ông cũng sáng đi chiều về. Có lần, đứa cháu nội thấy ông học cực thương quá mới gặng hỏi rằng nếu ông thi không đậu thì làm thế nào, ông hóm hỉnh trả lời: “Nếu ông thi không đậu thì ông ôn đến khi nào thi đậu thì thôi! Ông còn khỏe thì ông còn học còn thi, đến khi nào sức khỏe không cho phép thì ông mới nghỉ con à”.
Nói đến đây, ông Xê ngậm ngùi nhớ lại thời trai trẻ của mình. Ngày ấy, khi vừa tròn 17 tuổi, ông đậu tú tài hai ngành văn chương. Ông học thêm một năm sư phạm rồi đi dạy văn ở Long An. Ông vừa dạy học vừa tự học rồi trở thành sinh viên trường hành chính nhưng học còn nửa năm thì trường bị giải thể. Hòa bình lập lại, ông về quê xin việc. Khó khăn quá nên chấp nhận làm ruộng, chăn nuôi gây dựng kinh tế. Khi ấy, niềm say mê học tập của ông bị đè nén bởi nỗi lo cơm áo gạo tiền cho gia đình.
Ngoài giờ học, ông Xê còn tranh thủ bán hàng để kiếm thêm thu nhập phục vụ việc học tập
Đến năm 2000, ông mở của hàng kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật thì Nhà nước yêu cầu cá nhân muốn kinh doanh ngành này phải có bằng Trung cấp ngành trồng trọt. Lúc này, các con ông có công ăn việc làm ổn định, sự ham học của ông lại trỗi dậy. Ông quyết định đăng ký vào chuyên ngành trồng trọt Trường trung cấp học dạy nghề NN&PTNT Nam Bộ ở Chợ Gạo (Tiền Giang). Học xong Trung cấp, ông lại tiếp tục học lên cao đẳng rồi liên thông lên Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM.
Cuối năm 2012, ông Xê vui sướng nhận tấm bằng kỹ sư nông học loại khá. Đến nay, ông tiếp tục ôn thi vào Cao học với mong muốn chinh phục con đường tri thức. Ông Xê tâm sự: “Từ nhỏ, tôi luôn mơ ước được học đến Đại học, nhưng nay có tấm bằng Đại học trong tay vẫn cảm thấy chưa thỏa mãn sự học hỏi của mình nên quyết tâm học lên tiếp. Một phần vì niềm yêu thích của bản thân, một phần làm tấm gương nỗ lực học suốt đời cho con cháu và các bạn trẻ noi theo.
Con đường học vấn của ông Xê còn gặp nhiều khó khăn vì tuổi cao sức yếu nhưng đối với ông đến trường là một niềm vui khôn tả xiết. Trong thời gian học Trung cấp, Cao đẳng rồi Đại học, ngày nào, ông cũng chạy xe máy vượt hơn 70km xuống tận Chợ Gạo, Tiền Giang học. Cứ sáng đi chiều về, thấm thoát hơn chục năm, ông đi học xa như vậy mà không khi nào vắng mặt. Chỉ duy nhất một buổi, ông bị trật khớp vì té xe nên phải ở nhà nghỉ. Hôm đó, ông buộc vợ phải bắt xe ôm xuống tận trường để xin phép nghỉ học. Ngày hôm sau, ông tự bắt xe ôm đi học. Ông bảo đi học riết thành quen, nghỉ một bữa thì tiếc lắm. Thành ra, nghiệp học như ngấm vào tâm trí rồi, dứt ra cũng khó. Vì vậy, niềm vui tuổi già của ông ngoài việc con cháu ai cũng nhà cửa đề huề no đủ, thì đi học giúp ông cảm thấy cuộc đời trở nên trọn vẹn hơn.
Tấm lòng người vợ tần tảo nuôi chồng học ở tuổi 70
Để có được thành công như ngày hôm nay, ông Xê không thể không nhắc đến sự hy sinh thầm lặng của vợ mình là bà Nguyễn thị Bê (68 tuổi). Ngày ngày, bà Bê một mình với chiếc xe nước mía trên Quốc lộ 1A. Kiếm được bao nhiêu tiền, bà đều dành dụm bấy nhiêu để lo cho chồng ăn học. Tuy bốn người con ai cũng có công việc ổn định và thành đạt, người làm luật sư, người làm ngân hàng, có nhà trên Sài Gòn nhưng ông bà không cần đến sự hỗ trợ từ con cái.
Ông Xê nói: “Giờ tụi nó đều có gia đình nhưng còn phải lo cho mái ấm riêng của chúng. Tôi và vợ vẫn còn làm, còn lo được thì tự thân vận động thôi. Chỉ thương cho bà ấy, từ ngày tôi đi học, công việc nhà một mình bà làm hết, sống ở nhà một mình cũng bơ vơ tủi phận, lắm lúc trái gió trở trời chẳng biết ai lo. Tôi lại đi học xa vậy, chẳng đỡ bà việc nhà việc cửa được là bao. Không biết giờ này bà ấy có khóc không? Hôm nay cũng là cuối tuần rồi mà bận công chuyện đến giờ này vẫn chưa về, chiều nay tôi bắt xe về thăm nhà”. Nói đoạn, ông Xê như mắc nghẹn trong lòng thương cho người vợ đang ở nhà ngóng trông ông về. Từ khi đi ôn thi Cao học, ông Xê cứ cuối tuần mới về thăm bà một lần. Tuy ông bận đi học vậy nhưng thi thoảng vẫn đi giao hàng (giống cây, thuốc bảo vệ thực vật) tận nơi cho đại lý, khách hàng mong phần nào đỡ vợ lo chi phí học hành.
Ông Xê trong chuyến đi thực tế làm đề tài tốt nghiệp Đại học
Ở độ tuổi gần thất thập, đáng lẽ bà Bê nghỉ ngơi an nhàn bên con cháu nhưng bà vẫn một mình lo cho cuộc sống gia đình không một lời oán thán. “Ồng đi học cũng cực mà tốn kém lắm. Mấy ngày thi, ổng cứ thức đến tận khuya ôn bài, nghe chừng sức khỏe cũng có chút giảm sút. Có lần, ổng điện về xin ba bốn trăm ngàn mà thấy thương quá”, bà Bê tâm sự. Đúng như người ta nói, trong cái khổ mới sinh ra niềm vui toàn vẹn. Ngày ông Xê mang tấm bằng kỹ sư về, bà Bê ngập tràn trong hạnh phúc. Cứ ngỡ, những tháng ngày cặm cụi một mình bên chiếc xe nước mía, cơm lạnh canh nguội chờ chồng tối mịt mới về đã kết thúc. Vậy mà, ông tiếp tục ôn thi Cao học và những tháng ngày đằng đẵng đợi chờ lại sắp tới. Thương chồng tuổi đã cao đi học vất vả, bà cũng muốn khuyên chồng nghỉ. Nhưng hiểu được tâm ý của chồng đi học là để làm gương cho con cháu, mở mang kiến thức, là niềm vui và niềm ước ao từ nhỏ nên bà luôn ủng hộ, động viên, khích lệ tinh thần học tập nơi ông.
Như tự hào về người vợ chu toàn thấu đáo, ông Xê hồi tưởng lại: “Ngày tôi và bà ấy yêu nhau có hay viết thơ tặng, đến khi lấy nhau rồi cũng vậy. Thơ tình hơn bốn mươi năm nay bà ấy vẫn còn lưu giữ đóng thành tập. Có lần, tôi viết một bài thơ tặng bạn gái cũ bị mất tích trong chiến tranh. Tôi chỉ nhớ một vài câu như thế này: “…Tôi trở về quê cũ/ Nhớ thương mãi một người… Cuộc chiến Mậu Thân ấy/ Thân xác em vùi dập/ Bây giờ em nơi đâu?”. Đọc được bài thơ này, vợ tôi chẳng những không ghen mà còn nhẹ nhàng khuyên nhủ bằng cách bình thơ trong thơ: “Em luôn nghĩ anh là người chồng tốt/ Vết thương lòng chôn chặt bấy lâu năm/ Người đã mất rồi, còn gì mà thương mà nhớ/ Quên đi anh, hãy quên đi anh”. Quả thật, tôi cảm thấy vô cùng may mắn và hạnh phúc khi có một người vợ lại thấu hiểu, cảm thông cho mình đến vậy. Việc gì, tôi cũng “xin phép” vợ. Đợt rồi khi chuẩn bị ôn thi vào Cao học, tôi còn khoe mấy người bạn trong lớp là đã “xin phép” vợ rồi nên không còn lo lắng gì nữa”. Ông Xê vừa nói vừa cười khi kể về vợ mình.
Cùng học với ông Xê là ông Nguyễn Văn Biểu (68 tuổi) ngụ ở xã Hòa Phú, huyện Châu Thành, Long An. Hai ông học cùng nhau từ trung cấp lên đại học cho đến ngày ra trường. Mỗi ngày, hai ông lại chạy xe máy chở nhau đi học. Sau khi cầm trong tay tấm bằng kỹ sư loại khá, ông Xê tiếp tục học lên cao học. Còn ông Biểu tốt nghiệp đạt Á khoa toàn khoa. Ông cũng muốn đi học cao học nhưng do ông đang trồng 1,6 héc ta thanh long ruột đỏ nên không thể bỏ đó mà đi ôn thi. Vì vậy, ông Biểu đành chờ năm sau ổn định công việc và sức khỏe tốt hơn sẽ tiếp tục ôn thi lên cao học. |