Công phu như… bảo quản vaccine COVID-19
Trong chiến dịch tiêm chủng vaccine có một không hai như hiện nay, chuyện “cất giữ” loại hàng hóa đặc biệt như vaccine COVID-19 cũng đang diễn ra với quy mô lớn và mức độ cấp bách chưa từng có. Để đảm bảo chất lượng vaccine, phát huy hiệu quả trong phòng dịch, việc vận chuyển, lưu trữ và bảo quản các loại vaccine COVID-19 đúng chuẩn với những điều kiện bảo quản khác nhau là cả một quá trình công phu, tốn kém và không hề đơn giản.
Để đảm bảo chất lượng vaccine, phát huy hiệu quả trong phòng dịch, việc vận chuyển, lưu trữ và bảo quản các loại vaccine COVID-19 đúng chuẩn với những điều kiện bảo quản khác nhau là cả một quá trình công phu, tốn kém và không hề đơn giản.
Mỗi vaccine một kiểu bảo quản
Không phải loại vaccine COVID-19 được cấp phép nào hiện nay cũng đều có điều kiện bảo quản giống nhau. Có loại vaccine COVID-19 chỉ cần “ở” trong điều kiện nhiệt độ lạnh vừa từ 2-8 độ C đã đảm bảo được chất lượng. Có nhiều loại tủ lạnh thông thường hiện nay có thể bảo quản được vaccine ở nhiệt độ này.
Một lô vaccine COVID-19 vừa “hạ cánh”, được phun khử khuẩn tại sân bay trước khi vận chuyển đến kho bảo quản chuyên dụng.
Nhưng cũng có loại “khó tính” chỉ thích hợp môi trường siêu lạnh. Như vaccine COVID-19 của Công ty Moderna (Mỹ) cần được bảo quản đông lạnh ở nhiệt độ từ -25° đến -15°C với thời hạn sử dụng 6 tháng. Có thể bảo quản các lọ vaccine chưa bị chọc thủng ở nhiệt độ từ 8° đến 25°C trong tối đa 12 giờ. Các lọ vaccine khi đã rã đông thì tuyệt đối không được làm đông lạnh trở lại.
Kén môi trường nhất phải kể đến vaccine của Công ty Pfizer (Mỹ) và đối tác BioNTech (Đức) được bảo quản trong môi trường nhiệt độ âm sâu từ -80 độ C đến -60 độ C. Chính vì điều kiện bảo quản quá khắt khe nên việc phân phối vaccine COVID-19 này đã trở thành cơn ác mộng về hậu cần cho nhiều quốc gia.
Song song với cuộc đua chế tạo và sản xuất vaccine là cuộc chạy nước rút để chế tạo ra hệ thống tủ bảo quản vaccine và các thiết bị đi kèm. Không chỉ là kho lạnh, mà phải có một chuỗi cung ứng lạnh duy trì liền mạch từ lúc vaccine xuất xưởng cho đến khi được sử dụng.
Chẳng hạn, khi vaccine hạ cánh xuống sân bay, cần có hệ thống xe lạnh vận chuyển về các kho tổng, từ kho tổng đến các trung tâm. Tại mỗi trung tâm lại có kho bảo quản vaccine riêng. Để vận chuyển vaccine từ kho trung tâm đến các phòng tiêm cần có các thùng bảo quản chuyên dụng. Và khi đã “dừng chân” ở điểm cuối là các phòng tiêm, vaccine tiếp tục được bảo quản trong các tủ lạnh trong tư thế “chờ tiêm”. Tất cả các kho lạnh, xe lạnh, thùng vận chuyển, tủ lạnh đều được tiến hành thẩm định, đánh giá điều kiện bảo quản đạt trước khi đưa vào sử dụng.
Hệ thống kho lạnh âm sâu bảo quản vaccine COVID-19 ở nhiệt độ -86 độ C đến -40 độ C.
Ở Việt Nam, từ trước đến nay trong chương trình tiêm chủng mở rộng chưa có hệ thống dây chuyền bảo quản vaccine ở nhiệt độ âm sâu. Ngay tại thủ đô Hà Nội cũng không có hệ thống bảo quản lạnh âm sâu đối với vaccine Moderna và Pfizer. Năng lực tối đa của hệ thống y tế dự phòng Hà Nội cũng chỉ bảo quản được gần 1,3 triệu liều vaccine ở nhiệt độ 2-8 độ C.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Kiều Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hà Nội, khi vaccine nhập ồ ạt về với số lượng lớn và nhiều loại, thành phố phải dựa vào Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, những đơn vị có cơ sở vật chất bảo quản vaccine COVID-19.
Thiếu hụt kho lạnh âm sâu
Trước khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, khái niệm tủ lạnh âm sâu vẫn còn khá xa lạ, ngoại trừ trong giới y học và các ngành công nghiệp liên quan. Nhưng khi Pfizer thông báo vaccine của họ cần phải được bảo quản ở nhiệt độ -70 độ C, thì lập tức loại thiết bị y tế hiện đại và đắt đỏ này được các nước cuống cuồng tìm kiếm.
Các nhân viên vận hành phải thuần thục các thao tác kĩ thuật để vận hành tủ lạnh âm sâu.
Hiện nay ở Việt Nam, Công ty Cổ phần Vaccine Việt Nam (VNVC) là một trong số rất ít đơn vị có hệ thống kho lạnh âm sâu. Mỗi kho lạnh chứa nhiều tủ âm sâu duy trì nhiệt độ cực thấp và luôn ổn định, có nhiều mức nhiệt độ được thiết kế khoảng từ -86 độ C đến -40 độ C để đáp ứng mọi khả năng duy trì nhiệt độ và bảo quản vaccine ở điều kiện tốt nhất.
Theo các chuyên gia giám sát kĩ thuật tại VNVC, sự phân bố nhiệt độ bên trong tủ âm sâu rất đồng đều, đảm bảo cho vaccine luôn được giữ trong cùng một điều kiện nhiệt độ. Loại tủ này sử dụng gas lạnh và công nghệ làm lạnh ghép tầng, là sản phẩm đầu tiên trên thế giới có hệ thống cảnh báo qua GSM và chức năng điều khiển thiết bị từ xa. Để vận chuyển được loại vaccine này cũng cần đến xe vận chuyển siêu lạnh.
Bà Trần Thị Trung Trinh - Giám đốc Kiểm soát chất lượng của VNVC cho biết, ở thời điểm mà vaccine COVID-19 là vấn đề sống còn như hiện nay thì các kho lạnh âm sâu ngoài yêu cầu đảm bảo chất lượng vaccine còn phải đáp ứng về sức chứa lớn. Hiện tại có 3 kho lạnh âm sâu của VNVC tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng gồm 30 tủ âm sâu với sức chứa lên tới 3 triệu liều vaccine tại cùng một thời điểm. Tại mỗi kho lạnh âm sâu đều được trang bị một kho rã đông riêng được kiểm soát nhiệt độ dưới 8 độ C để đảm bảo vaccine được rã đông an toàn trước khi đưa vào sử dụng.
Phích vaccine có thể bảo quản vaccine trong thời gian 1-2 ngày.
Trong các kho lạnh, hàng loạt tủ lạnh âm sâu được phân bố thẳng hàng thẳng lối. Trên mỗi cánh tủ đều hiển thị nhiệt độ đang duy trì và nhiều thông số kĩ thuật khác. Để đảm bảo cho các kho lạnh âm sâu hoạt động tốt thì hệ thống điện vận hành thiết bị máy móc luôn ổn định.
Khi có sự cố xảy ra, hệ thống cảnh báo 3 lớp sẽ phát huy tác dụng, gồm cảnh báo tại chỗ bằng tín hiệu còi và đèn, cảnh báo từ xa qua tin nhắn SMS và qua email đến thủ kho, quản lý kho và bộ phận quản lý chất lượng và bảo trì. Theo một nhân viên phụ trách kĩ thuật kho lạnh âm sâu thì luôn có hai nguồn điện dự phòng trong trường hợp mất điện lưới quốc gia. Nếu có sự cố xảy ra, chỉ trong vòng 30 giây, máy phát sẽ khởi động và cung cấp điện cho hệ thống hoạt động ổn định.
Quy trình đảm bảo chất lượng vận hành dây chuyền lạnh âm sâu rất nghiêm ngặt, đảm bảo đầy đủ các yêu cầu đặc thù của lĩnh vực này. Bởi thế, các nhân viên vận hành phải thuần thục các thao tác kĩ thuật. Làm việc trong phòng bảo quản này, nhân viên phải mặc đồ bảo hộ đúng tiêu chuẩn, có mũ trùm kín đầu để có thể chịu đựng được nhiệt độ “khủng”.
Tận dụng tối đa kho lạnh 2-8 độ C
Hệ thống kho lạnh bảo quản vaccine COVID-19 trong điều kiện nhiệt độ lạnh thông thường 2-8 độ C phổ biến hơn. Trên cả nước hiện tại có nhiều đơn vị y tế có kho lạnh bảo quản nhiệt độ từ 2-8 độ C. Và đây là thời điểm tận dụng tối đa hệ thống kho lạnh loại này để bảo quản vaccine COVID-19.
Theo dõi nhiệt độ dây chuyền lạnh bảo quản vaccine hàng ngày tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lạng Sơn (Nguồn: Sở Y tế Lạng Sơn).
Theo Bộ Y tế thì cả nước có thể bảo quản được tối đa 122 triệu liều vaccine COVID-19, trong đó tuyến Trung ương bảo quản được 54 triệu liều; các tuyến tỉnh, thành phố có thể bảo quản được 33 triệu liều; tuyến quận, huyện khoảng 35 triệu liều. Kho lạnh dạng này có thể bảo quản được nhiều loại vaccine COVID-19 “dễ tính” hơn như AstraZeneca của Anh, Vero Cell của Trung Quốc, Abdala của Cuba. Mới đây, lô vaccine Sputnik V mã số SV-030721 do Công ty TNHH MTV Vaccine và Sinh phẩm Số 1 (VABIOTECH) sản xuất đã được phía Nga phân tích, thẩm định và đánh giá đáp ứng yêu cầu quy chuẩn. Nhiệt độ bảo quản của loại vaccine này cũng ở 2-8 độ C, có thể bảo quản trong tủ lạnh thông thường.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hà Nội, hiện đơn vị này có một kho lạnh bảo quản vaccine tiêm chủng dịch vụ, thể tích 40m³, có thể chứa thêm 150.000 liều vaccine AstraZeneca; một kho lạnh bảo quản vaccine tiêm chủng mở rộng, thể tích 16m³, có thể chứa thêm 100.000 liều vaccine AstraZeneca. Ngoài ra, Hà Nội có 6 tủ lạnh 3.000 và 3.000 AC (thể tích 126 lít, sức chứa tối đa 10.000 liều/tủ); 6 hòm lạnh bảo quản vaccine thể tích 44 lít/chiếc. Tổng số liều vaccine COVID-19 có thể bảo quản là 310.000 liều. Tại các trung tâm y tế quận, huyện và trạm y tế phường, xã có 34 tủ TCW 3000 và 3000 AC, thể tích 126 lít, sức chứa tối đa 10.000 liều/tủ chưa tính vaccine tiêm chủng mở rộng. Sức chứa thêm khi bảo quản cả vaccine tiêm chủng mở rộng trung bình khoảng 8.000 liều.
Nhân viên kĩ thuật làm việc trong kho bảo quản vaccine COVID-19.
Ở tuyến tỉnh, vaccine được vận chuyển từ kho của tỉnh xuống huyện, từ kho của huyện tới cơ sở y tế hoặc từ trạm y tế xã tới điểm tiêm chủng ngoài trạm. Khi tiếp nhận vaccine, nhân viên y tế có trách nhiệm kiểm tra tình trạng bảo quản và các thông tin khác theo quy định. Vaccine không bảo quản chung với các sản phẩm khác và phải được sắp xếp đúng vị trí. Khi thực hiện thao tác với hộp, lọ vaccine phải tuyệt đối đảm bảo vệ sinh. Việc theo dõi nhiệt độ dây chuyền lạnh bảo quản vaccine được tiến hành hàng ngày, kể cả ngày lễ, ngày nghỉ và ghi vào bảng theo dõi nhiệt độ tối thiểu 2 lần/ngày ở buổi sáng bắt đầu ngày làm việc và buổi chiều trước khi kết thúc ngày làm việc.
Càng xuống đến các địa phương, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa thì việc bảo quản vaccine càng khó khăn. Lúc này hòm lạnh, phích vaccine là dụng cụ quan trọng trong quá trình tiếp nhận và bảo quản từ khi bắt đầu tiêm chủng đến lúc kết thúc buổi tiêm.
Nếu như hòm lạnh bảo quản vaccine và dung môi trong quá trình vận chuyển hoặc lưu trữ với thời hạn từ 4-7 ngày thì phích vaccine chỉ bảo quản vaccine trong thời hạn 1-2 ngày. Có nhiệt kế và chỉ thị đông băng điện tử đối với kho hoặc tủ lạnh bảo quản vaccine của tuyến tỉnh và tuyến quận, huyện, thị xã, thành phố; có nhiệt kế đối với tủ lạnh, hòm lạnh hoặc phích vaccine của tuyến xã, phường, thị trấn. Những lọ vaccine chưa mở sau buổi tiêm chủng cần được tiếp tục bảo quản trong thiết bị dây chuyền lạnh và sử dụng trước vào buổi tiêm chủng kế tiếp.
Nguồn: [Link nguồn]
Phi đội Contracting Squadron thứ 36 của Không quân Mỹ ở căn cứ Andersen (Guam) đã lên kế hoạch vận chuyển 77 tủ đông âm...