Công nghệ khoan cống ngầm dưới lòng sông Tô Lịch hiện đại cỡ nào?

Sự kiện: Tin nóng

Công nghệ khoan kích ngầm lần đầu tiên được áp dụng tại Hà Nội sẽ giúp triển khai gói thầu xây dựng cống ngầm dưới lòng sông Tô Lịch để gom nước thải.

 Hệ thống khoan kích ngầm lần đầu tiên áp dụng tại Hà Nội. Ảnh TPO.

 Hệ thống khoan kích ngầm lần đầu tiên áp dụng tại Hà Nội. Ảnh TPO.

Chiều 18/5, UBND Hà Nội tổ chức lễ động thổ gói thầu xây dựng hệ thống cống gom nước thải dọc sông Tô Lịch. Hệ thống cống gom có chiều dài 21,66km trong đó, gần 13km đi ngầm dưới lòng sông (từ đường Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy đến cầu Quang, huyện Thanh Trì), hơn 8km đào mở. Gói thầu do nhà thầu Nhật Bản thực hiện với tổng tiến độ thi công dự kiến trong 48 tháng.

Đây là gói thầu số 2 của dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá (đặt ở xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội). Gói thầu được thiết kế trên cơ sở tiếp cận toàn bộ công nghệ khoan kích ngầm với độ sâu từ 6-19m. “Đây là công nghệ lần đầu tiên áp dụng tại Hà Nội", Giám đốc Ban quản lý Nguyễn Văn Hùng nói.

Công nghệ khoan kích ngầm được đánh giá là hiện đại và ưu điểm vượt trội hơn so với công nghệ đào mở. Ảnh TPO.

Công nghệ khoan kích ngầm được đánh giá là hiện đại và ưu điểm vượt trội hơn so với công nghệ đào mở. Ảnh TPO.

Nói về công nghệ khoan kích ngầm (Pipe Jacking), Thạc sĩ Nguyễn Thị Minh Hạnh - Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) cho hay, công nghệ khoan kích ngầm đã xuất hiện từ khoảng 40 năm nay trên thế giới.

Tại Việt Nam, công nghệ này đã được ứng dụng vào thi công một số công trình như Dự án cải thiện môi trường nước TP. Hồ Chí Minh gói thầu C (năm 2008); Dự án vệ sinh môi trường TP. Hồ Chí Minh (Lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè) – gói thầu 7B; Dự án đường Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành đai ngoài năm 2013; Lắp đặt đường cống D1500 băng ngang Quốc lộ 1A – TP. Hồ Chí Minh năm 2013...

Theo Thạc sĩ Hạnh, công nghệ khoan kích ngầm là công nghệ lắp đặt kỹ thuật ngầm trong lòng đất, thiết bị kích thủy lực được sử dụng để kích các đốt cống nối tiếp nhau theo đầu mũi khoan từ một giếng kích đến một giếng nhận để tạo nên một đường ống dài và thông suốt.

Công nghệ này được ứng dụng trong các công trình xây dựng hệ thống cấp thoát nước, điện, viễn thông… hay những công trình đi qua đường có mật độ giao thông cao, không thể thi công đào hở từ trên xuống vì có nhiều chướng ngại vật trong tầng đất bề mặt, các đoạn băng qua sông, đường sắt hoặc trong các trường hợp phải lắp đặt ống ở những vị trí sâu.

“Ưu điểm vượt trội của công nghệ khoan kích ngầm là giảm khối lượng đào, do đó giảm chi phí vận chuyển và khối lượng mặt đường phải tái lập, hạn chế kẹt xe, ít gây ô nhiễm môi trường hay ảnh hưởng đến đời sống người dân. Bên cạnh đó, công nghệ còn giảm thiểu ảnh hưởng đến các công trình hạ tầng kỹ thuật khác, ít rủi ro về sụt lún tại khu vực thi công và thời gian thi công nhanh”, Thạc sĩ Hạnh chia sẻ.

Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Đức Hạ - Viện trưởng Viên Nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường (Hội Cấp thoát nước Việt Nam) cho rằng, với điều kiện tuyến cống dài, đường phố đô thị đông đúc, phức tạp thì công nghệ khoan kích ngầm là rất phù hợp.

 Toàn cảnh Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá đặt ở xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Ảnh TPO.

 Toàn cảnh Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá đặt ở xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Ảnh TPO.

“Khi độ sâu lớn thì không thể đào mở được vì đường phố của mình chật, người đông, xe đông và dễ động chạm hệ thống kỹ thuật như đường ống nước, đường điện…

Công nghệ mở kinh phí ban đầu tuy rẻ tiền hơn nhưng tính ra cuối cùng lại có thể cao hơn vì liên quan các vấn đề giải phóng mặt bằng, ách tắc giao thông, mưa lụt… Công nghệ khoan kích ngầm kinh phí lớn hơn nhưng những chi phí liên quan sẽ giảm đi. Cuối cùng, tổng kinh phí có thể tương đương như nhau hoặc có khi khoan kích ngầm lại rẻ hơn”, PGS.TS Hạ cho hay.

PGS.TS Trần Đức Hạ cũng cho biết thêm rằng, công nghệ khoan kích ngầm này đã được áp dụng ở một số công trình tại TP HCM do các nhà thầu Trung Quốc hoặc Việt Nam áp dụng. Ông tin lần này, công nghệ và thiết bị do Nhật Bản áp dụng sẽ hiện đại hơn.

Dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá được khởi công năm 2016, bao gồm một nhà máy có công suất 270.000 m3/ngày đêm và tuyến cống thu gom nước thải dọc sông Tô Lịch, sông Lừ, khu vực đô thị mới Hà Đông với tổng chiều dài trên 52 km. Tổng mức đầu tư dự án hơn 16.000 tỷ đồng.

Dự án được chia làm 4 gói thầu. Gói thầu số một xây Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá đang thi công bể phản ứng bùn hoạt tính, bể lắng thứ cấp, trạm bơm nước thải đầu vào, cống xả, nhà máy xử lý bùn, nhà xử lý nước tái sử dụng...

Gói thầu số 2 và 3 xây hệ thống cống gom nước thải ở sông Tô Lịch và sông Lừ được động thổ cùng ngày 18/5/2020.

Gói thầu số 4 xây hệ thống cống cho một phần khu vực Hà Đông và khu đô thị mới, hiện nhà thầu đã thi công các hạng mục đào mở (hai tuyến cống tại Học viện quân y và Khu đô thị Đại Thanh).

Ban quản lý dự án cho hay, đến năm 2022 sẽ cơ bản hoàn thành các hạng mục chính của dự án.

Nguồn: [Link nguồn]

Nhà máy nước Sông Đà xử lý nước như thế nào trước khi cung cấp cho người dân Thủ đô?

Công ty nước sạch Sông Đà không lấy mặt từ sông Đà mà lấy nước thông qua hồ Đầm Bài.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Triệu Quang ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN