Có nên tăng quyền sử dụng súng cho CSGT?

Sự kiện: Thời sự

Nhiều người lo ngại về việc lạm quyền của CSGT khi được tăng quyền sử dụng súng.

Có nên tăng quyền sử dụng súng cho CSGT? - 1

Công an TP Hà Nội triệt phá một ổ nhóm cho vay, đòi nợ thuê và thu giữ hàng chục khẩu súng cùng nhiều dao, kiếm. Ảnh: TUYẾN PHAN

Bộ Công an đã trình dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Theo Bộ Công an, dự thảo luật này có nhiều điểm tiến bộ, đặc biệt cho phép cảnh sát nổ súng mà không cần cảnh báo trong một số trường hợp.

Công an được nổ súng không cần cảnh báo

Dự thảo luật này nếu được thông qua sẽ thay thế cho Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2011, bổ sung năm 2013. Một điểm mới đáng chú ý của dự thảo luật là quy định cụ thể các trường hợp công an được nổ súng cảnh báo và nổ súng không cần cảnh báo.

Theo Thiếu tướng Trần Thế Quân, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính tư pháp (Bộ Công an), trước đây các trường hợp quy định nổ súng không cụ thể nên khi thực hiện có các cách hiểu khác nhau, hoặc người nổ súng phải tính toán nhiều hơn, phải nghiên cứu rất nhiều các văn bản pháp luật. Nhiều trường hợp do không nắm được quy định, không biết nếu nổ súng là đúng hay sai nên không dám nổ súng dù được phép.

“Trên thực tế, nhiều trường hợp chậm trễ, đối tượng dùng dao xông vào nhưng công an chỉ nổ súng cảnh báo và bị chém. Đến khi xét xử, tòa lại hỏi tại sao không nổ súng ngay. Trong trường hợp này, lực lượng công an có thể nổ súng nhưng không phải tiêu diệt mà có thể vô hiệu hóa đối tượng bằng cách bắn vào chân, vào tay...” - Thiếu tướng Quân nói.

Vì vậy, vị phó cục trưởng này cho hay dự thảo mới sẽ theo hướng quy định cụ thể, thuận tiện hơn vừa đảm bảo quyền bất khả xâm phạm về thân thể, nhân phẩm của người dân, vừa bảo đảm người thi hành công vụ được chủ động, nhất là trong khi đấu tranh, ngăn chặn tội phạm.

Ông nói: “Việc cụ thể các trường hợp được nổ súng mà không cần cảnh báo sẽ là cơ sở vững chắc cho người có quyền sử dụng súng. Theo đó, họ có thể biết giới hạn và chủ động phân biệt rõ khi nào thì được nổ súng. Điều này sẽ đảm bảo tính mạng con người hơn, xã hội yên tâm hơn và nó cũng sẽ đảm bảo sự giám sát của người dân, kể cả việc truy cứu trách nhiệm của người nổ súng cũng sẽ dễ hơn”.

Và tăng quyền dùng súng cho CSGT?

Tại buổi ra quân đảm bảo trật tự an toàn giao thông dịp quốc khánh vừa qua của Phòng CSGT Hà Nội, Thiếu tướng Trần Sơn Hà, Cục trưởng Cục CSGT (C67), cho biết C67 đã đề xuất tăng quyền dùng súng cho CSGT, giúp lực lượng này bản lĩnh hơn khi xử lý những tình huống nguy cấp.

Theo Thiếu tướng Hà, ở một số quốc gia, ô tô tải vi phạm không chấp hành hiệu lệnh lao vào người dân thì cảnh sát có quyền nổ súng tiêu diệt. Ông Hà dẫn chứng: “Một xe tải vi phạm nghiêm trọng chạy từ Cửa Nam xuống Lê Duẩn (Hà Nội) qua nhiều chốt CSGT, trên quãng đường vài cây số. Nếu không tiêu diệt kịp thời sẽ làm chết nhiều người. Việc chờ xin ý kiến theo quy trình đến khi được đồng ý thì đã quá muộn. Vì vậy, cần đưa vào luật một số tình huống khẩn cấp được phép nổ súng mà không phải xin ý kiến”.

Một số ý kiến đồng tình với đề xuất trên. Ngược lại, nhiều người lo ngại về việc CSGT lạm quyền khi được tăng quyền sử dụng súng. Thiếu tướng Trần Thế Quân cho rằng việc tăng quyền trang bị súng cho CSGT là không nên. “Gần đây, lực lượng công an nói chung và CSGT nói riêng bị người vi phạm chống đối gây thương tích lẫn tính mạng nhiều hơn. Tình hình tội phạm bất ổn, đối tượng tấn công CSGT nhiều nên đề xuất này có căn cứ, đáp ứng yêu cầu thực tế. Tuy nhiên, trang bị ở đâu, như thế nào và lúc nào thì phải cụ thể chứ không thể trang bị, cấp tràn lan cho toàn bộ lực lượng CSGT” - Thiếu tướng Quân nói.

Thiếu tướng Quân nêu ví dụ người vi phạm lái xe lao thẳng vào người dân hoặc CSGT có dấu hiệu của tội giết người nên CSGT có thể dùng súng bắn vào vỏ xe. Trong trường hợp cụ thể này, việc trang bị súng cho CSGT là cần thiết. “CSGT là lực lượng thuộc CAND đương nhiên có quyền được trang bị vũ khí nhưng theo cá nhân tôi, việc tăng quyền trang bị súng cho CSGT là không nên. Việc trang bị như thế nào phải do người chỉ huy của lực lượng công an tính toán. Trước đây, CSGT từng được trang bị súng trong những thời kỳ đặc biệt, sau đó giảm dần do tình hình xã hội tương đối yên ổn” - Thiếu tướng Quân nhấn mạnh.

Những trường hợp được nổ súng không cần cảnh báo

- Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội khủng bố, giết người, bắt cóc con tin, ma túy hoặc đang trực tiếp sử dụng vũ khí, vật liệu nổ chống lại việc bắt giữ khi vừa thực hiện xong hành vi phạm tội trên.

- Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc uy hiếp trực tiếp đến an toàn của công trình quan trọng về an ninh quốc gia, mục tiêu quan trọng được bảo vệ.

- Đối tượng đang sử dụng vũ lực, vũ khí, vật liệu nổ trực tiếp đe dọa đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác.

- Đối tượng đang trực tiếp thực hiện hành vi cướp súng của người thi hành công vụ...

(Trích dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ)

Bắn ngay tội phạm có vũ khí “hạng nặng”

Cảnh sát hình sự có quyền phòng vệ chính đáng nhưng quy định như vậy áp dụng rất khó vì nhiều trường hợp tranh cãi thế nào là phòng vệ chính đáng. Nếu cụ thể hóa các trường hợp như hiện nay, quyền này sẽ được đảm bảo.

Hoặc như tội phạm vận chuyển ma túy thường mang theo vũ khí nóng, thậm chí lập một đội áp tải được trang bị vũ khí mạnh hơn cả lực lượng công an. Hơn thế, các đối tượng biết rõ buôn bán với số lượng lớn chắc chắn sẽ lãnh án tử nên chúng sẽ quyết sống chết với lực lượng chức năng. Trong trường hợp này, dứt khoát phải bắn ngay không cần cảnh báo.

Thiếu tướng TRẦN THẾ QUÂN
Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính tư pháp, Bộ Công an

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tuyến Phan (Pháp luật TPHCM)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN