CMND ghi tên cha mẹ: Bộ Tư pháp nhận lỗi

Trả lời chất vấn về các quy định vấp phải phản ứng dư luận như chứng minh thư ghi tên cha mẹ, phạt xe không chính chủ, Bộ trưởng Tư pháp thừa nhận có khuyết điểm trong thẩm định.

Sáng nay (24/12), Ủy ban Pháp luật đã nghe Chính phủ, TAND tối cao, Viện KSND tối cao và một số bộ ngành giải trình về việc ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh. Tại phiên "điều trần", nhiều ĐB đề nghị làm rõ câu chuyện ban hành văn bản không sát với đời sống, gây phản ứng trong dân chúng.

Làm thí điểm

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Lê Minh Thông, ngay trong báo cáo của Chính phủ cũng thừa nhận một hạn chế lớn là tình trạng ban hành thông tư, nghị định trái với quy định luật.

CMND ghi tên cha mẹ: Bộ Tư pháp nhận lỗi - 1

Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường: Bộ đã thẩm định máy móc... Ảnh: Minh Thăng

Đặc biệt là tình trạng nhiều văn bản vấp phải sự phản ứng của dư luận, như chủ trương ghi tên cha mẹ trong CMND, phạt xe chính chủ và gần đây nhất là chủ trương giao cho chính quyền địa phương, phường xã thu phí bảo trì đường bộ. "Vậy hướng xử lý sắp tới như thế nào?", ông Thông nêu vấn đề.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam cho hay, với những hành vi mà theo hướng tự phát, lặp đi lặp lại nhiều năm gần như một thói quen thì việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh nó bao giờ cũng cần thuyết phục vì người dân nhận thức không đồng đều.

Ngược lại, cũng có những vấn đề đưa ra sau khi đưa ra trước công luận, nhận được phản hồi của người dân thì ban soạn thảo cũng đã điều chỉnh cho phù hợp, chẳng hạn luật Thuế thu nhập cá nhân trong lần điều chỉnh vừa rồi đã xa rời mục tiêu ban đầu mà gần như trở thành luật đánh vào người có thu nhập cao.

Với vấn đề cấp CMND mới có ghi tên cha mẹ, ông Đam cho hay, quy định này để nhằm quản lý xã hội tốt hơn. Tuy nhiên, vì có rất nhiều ý kiến khác nhau nên Chính phủ vẫn chỉ đạo Bộ Công an hiện nay làm thí điểm, tham khảo và xin ý kiến của các chuyên gia pháp luật có kinh nghiệm, xin ý kiến nhân dân, học hỏi kinh nghiệm các nước tiên tiến để có báo cáo đánh giá chính thức kết quả thí điểm.

"Sau đó Chính phủ sẽ xem xét thảo luận tập thể để xem việc này có nên áp dụng chính thức hay không trên tinh thần cần quản lý xã hội chặt chẽ nhưng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhân dân và phù hợp với tình hình thực tiễn", ông Đam nói.

Ông Đam cho hay, không một quy định nào đảm bảo trọn vẹn tất cả mọi mặt của vấn đề, và bao giờ cũng có một quy định mà sau khi ban hành gây ảnh hưởng đến quyền lợi của một bộ phận.

Với vấn đề xe chính chủ, ông Đam giải thích, do khi tổ chức thực hiện đã không theo đúng bản chất của quy định, lực lượng triển khai làm không đúng. Vậy là dẫn đến cách hiểu sai, đó là truy tìm người sử dụng xem có phải chính chủ hay không.

"Đây là chuyện lực lượng triển khai hiểu không đúng, thực hiện không đúng bản chất", Chủ nhiệm VPCP giải thích.

Chính phủ đã giao Bộ Công an nghiên cứu ban hành thông tư đảm bảo đúng quy định. Trong thời gian chờ ban hành, lực lượng CSGT không được xử lý hành vi không chính chủ. Đồng thời giao các bộ xây dựng quy định về việc sang tên đổi chủ sao cho thuận lợi, với mức phí phù hợp.

Thẩm định máy móc


Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường nói thêm, việc thẩm định thông tư của Bộ Công an về chứng minh thư mới được căn cứ vào các nghị định 05 và 170.

CMND ghi tên cha mẹ: Bộ Tư pháp nhận lỗi - 2

ĐBQH đặt nhiều câu hỏi về các quy định không hợp lòng dân. Ảnh: Lê Nhung

"Nhưng nghị định 05 ban hành từ năm 1999, vào thời kỳ chuyện ban hành văn bản, thẩm định văn bản chưa được nề nếp cho lắm. Đến 2007 Chính phủ ban hành nghị định 170 tiếp tục nêu lại nội dung của nghị định cũ, nên sau đó khi Bộ Công an trình thông tư hướng dẫn thì Bộ Tư pháp có thẩm định nhưng đã đồng tình luôn", ông Cường cho hay.

Ông Cường cũng thừa nhận, ngay sau khi dư luận lên tiếng phản đối, Bộ cũng đã kiểm điểm rút kinh nghiệm với nhau rằng đây là do "thẩm định máy móc, cái gì đã có thì cứ thế mà làm chứ không xem xét trên tình hình thực tế hiện nay và dưới góc độ của người dân". Bộ Tư pháp đang tham khảo ý kiến để báo cáo về vấn đề này.

Trả lời câu hỏi của một thành viên Ủy ban Quốc phòng An ninh, ông Cường cho hay, thực tế trong khâu thẩm định hiện nay vẫn còn nhiều tồn tại. Đó là tình trạng phía cơ quan soạn thảo tuy nhận được một số ý kiến chưa đồng tình nhưng rồi vì quan điểm của số đông nên văn bản vẫn được thông qua. Đây là vấn đề cần được đánh giá lại.

Cũng theo ông Cường, không nước nào ban hành luật mà vẫn phải có thêm văn bản hướng dẫn thi hành như ở Việt Nam. "Cứ như thế này thì ra đến Ủy ban Pháp luật khóa 14 hay khóa 20 có giải trình nữa thì cũng vẫn có những tồn tại như hiện nay", ông Cường than phiền.

Còn theo ông Vũ Đức Đam, nguyên nhân của mọi nguyên nhân là vấn đề công tác tổ chức cán bộ, là nhận thức của cả bộ máy, đặc biệt là những người đứng đầu.

Giải pháp khắc phục là phải công khai, minh bạch trong xây dựng văn bản pháp luật cũng như trong điều hành của Chính phủ. Hai là vấn đề kỷ cương, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Lê Nhung (Vietnamnet)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN