Clip: Bà bán nước, cô bán trái cây điều khiển giao thông
Mới đây, trên mạng xã hội xôn xao với clip một người phụ nữ phân luồng giao thông giữa ngã 4 – đầu cầu Cống Mọc (Thanh Xuân, Hà Nội). Đã có rất nhiều lời khen ngợi dành cho việc làm này.
Ngã 4 tại đầu cầu Cống Mọc – Quan Nhân vốn là một điểm ùn tắc "kinh hoàng" vào giờ cao điểm. Tuy nhiên, khi không có lực lượng chức năng giám sát thì có những người dân đã tình nguyện ra điều tiết giao thông.
Trước đây, chàng trai Nguyễn Hoàng Thắng từng xuất hiện trên báo chí khi tự nguyện phân luồng giao thông ở khu vực này. Gần đây, lại xuất hiện thêm hai “nữ công an giao thông” khác.
Trong clip trên mạng xã hội ngày 8/4 chỉ có hình ảnh một người phụ nữ đang phân luồng giao thông, nhưng thực chất là có hai người đàn bà cùng thay nhau làm công việc này.
Clip người phụ nữ bán nước đang phân luồng giao thông. (Nguồn: Facebook)
Theo ghi nhận của PV Báo Gia đình & Xã hội chiều 9/4 tại ngã 4 cầu Cống Mọc – Quan Nhân, người phụ nữ xuất hiện trong clip năm nay đã 62 tuổi, bán hàng nước và bánh mì. Khoảng 4 giờ chiều, bà vẫn đang loay hoay ăn dở hộp cơm.
Bà bảo: “62 rồi, mắt mờ rồi. Đấy, sáng nay mưa quá, dân phòng chẳng ai ra. Tắc đến tận 12 giờ, đến trưa vẫn phải chạy ra ngoài kia, không ai trông hàng, cũng không bán được”.
Bữa cơm trưa khi trời đang dần tối. Ảnh: Nông Thuyết
Đối diện quán nước của bà là cửa hàng hoa quả – chủ hàng này chính là người phụ nữ đáng mến còn lại. Được biết, năm nay chị 39 tuổi và bắt đầu phân luồng giao thông được gần 1 năm.
Chị không muốn nói tên với lý do: “Ngại lắm! Có cái gì đâu, tôi với bà bán nước bên kia thay nhau. Mình bán hàng ở đây, đường đông quá thì mình cũng không bán được, thêm nữa là mình cũng coi như là làm phúc vậy thôi”.
Người phụ nữ 39 tuổi - bán hàng hoa quả ra phân luồng giao thông đã gần 1 năm. Ảnh: Facebook
Người phụ nữ này cho biết: “Giờ cao điểm thì có công an giao thông với lực lượng dân phòng rồi. Còn những lúc không có họ mà tắc thì mình mới lại chạy ra thôi. Khản cả cổ! Mình cũng chỉ nói là: “Dừng lại, khoan đã, mỗi người nhường nhau một tí… Có lúc có người không nghe, chán thì lại vào, lúc sau tắc thì lại ra…”.