Chuyện lạ ở chợ trâu bò lớn nhất Việt Nam

Sự kiện: 24h vạn dặm

"Ai về chợ Ú Đại Sơn/ Mua con trâu mộng lập nên đại điền", là câu ca lưu truyền trong giới thương lái trâu, bò ở xứ Nghệ nói riêng, của cả nước, thậm chí là sang tận các nước như Lào, Thái Lan, Myanmar, để nói về chợ Ú ở xã Đại Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, độc đáo và nổi tiếng nhất khu vực. Chợ Ú với mặt hàng kinh doanh duy nhất là trâu và bò, với trị giá của mỗi phiên giao dịch lên đến hàng chục tỉ đồng.

Độc đáo chợ trâu bò lớn nhất việt nam

Theo các bậc cao niên ở địa phương này, chợ Ú được thành lập từ những năm 70 của thế kỷ XX. Ban đầu, chợ cũng buôn bán đa dạng các mặt hàng của người dân bản địa như bao phiên chợ quê khác. Nhưng dần dà, mặt hàng trâu bò chiếm ưu thế và rồi chẳng biết tự khi nào, chợ chỉ còn độc nhất thứ hàng hóa là "đầu cơ nghiệp" của nhà nông này được đưa ra để bày bán, mặc cả. Cái tên chợ Ú hay chợ trâu bò Đại Sơn cũng từ đó mà thành, lâu dần trở thành điểm đến yêu thích của thương lái trong nghề này trên khắp cả nước.

Một góc chợ trâu bò lớn nhất nhì Đông Nam Á tại xã Đại Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An

Một góc chợ trâu bò lớn nhất nhì Đông Nam Á tại xã Đại Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An

Chợ họp mỗi tháng 6 phiên, vào các ngày 1, 6, 11, 16, 21 và 26 âm lịch. Từ nhiều năm trở lại đây khi chính quyền Nghệ An mở tuyến đường N5 chạy qua chợ, giao thương trở nên tấp nập, chợ Ú trở thành trung tâm giao dịch gia súc lớn nhất khu vực miền Trung khi mỗi phiên chợ, có hàng chục chiếc xe trọng tải lớn chở trâu, bò từ khắp mọi miền cả nước đổ về đây để kinh doanh, trao đổi, mua bán. Nhiều ngành nghề "ăn theo", kiếm ra bội tiền cũng từ đó nở nộ, tạo nên sự đa dạng, sầm uất và nhộn nhịp cho cả một vùng quê.

4 giờ sáng ngày Mồng 6 tháng Giêng, chúng tôi có mặt tại chợ Ú. Hàng trăm người đủ lứa tuổi, với hàng nghìn con trâu, bò đã có mặt, bất chấp sương sớm giăng mù và cái lạnh tê tái của xứ Nghệ mùa này. Ông Lê Văn Chất, một "đầu nậu" có thâm niên hàng chục năm trong nghề này cho biết, sở dĩ phiên chợ đầu năm bao giờ cũng đông và nguồn hàng luôn dồi dào hơn bình thường, là vì trâu bò được gom và "ém" từ trong Tết khá đa dạng.

Trong thời gian nghỉ ngơi đón tết, trâu bò được chăm sóc, vỗ béo khá kĩ lưỡng vì ai cũng mong phiên chợ đầu năm được giá, coi như có lộc quanh năm. Nguồn hàng ở chợ Ú khá đa dạng, trâu bò được thương lái thu mua từ khắp nơi trong cả nước trước khi đưa về đây để giao dịch. Trong những năm gần đây, một số người còn đưa trâu, bò từ các nước khác như Lào, Myanmar, Ấn Độ… về chợ Ú để mở rộng nguồn hàng.

Ngay từ sáng sớm, trâu bò được dắt ra chợ để thương lái định giá

Ngay từ sáng sớm, trâu bò được dắt ra chợ để thương lái định giá

Chợ Ú được chia thành 2 khu vực để bán trâu và bò riêng. Trong từng khu vực lại phân chia thành vị trí để mua bán trâu bò để nuôi hoặc để xẻ thịt. Theo kinh nghiệm của các thương lái, thì chọn trâu bò để về làm thịt, thường chọn những con to béo, da xù xì, lông to vì những con này sẽ cho nhiều thịt, xương nhỏ. Trâu bò nuôi thì cầu kì hơn, có hai câu cửa miệng, cũng là kinh nghiệm trong chọn mặt hàng này mà bất cứ thương lái nào trong nghề cũng biết đến, đó là phải chọn những con có các đặc điểm "mồm gầu dai, tai lá mít, đít lồng bàn" để mua; còn những con trâu bò mà có "đầu tang, xoáy tóc, hàm sà" thì bị loại ngay từ "vòng gửi xe", bởi vì "trong ba thứ ấy cửa nhà ra đi".

Ở chợ Ú, tùy độ tuổi, trọng lượng và "dung nhan" của từng con mà có giá chênh lệch khác nhau, tuy nhiên về cơ bản dao động trong khoảng từ 10-80 triệu đồng một con trâu, bò. Trong đó, một trâu đực loại to bán với giá 40 - 80 triệu đồng, còn nghé, me giá 15-20 triệu đồng/con. Trâu bò sau khi được mua bán sẽ được viết chữ hoặc số lên thân mình để đánh dấu, cuối phiên chợ sẽ được thương lái gom lên xe tải chở đi tiêu thụ.

Chủ tịch UBND xã Đại Sơn Nguyễn Cảnh Lâm cho biết, gần một nửa hộ dân trên toàn xã hiện nay có thu nhập gần như ổn định nhờ phiên chợ độc đáo này, trong đó khoảng 200 người có thu nhập ổn định.

Theo ông Lâm, những người có nhiều vốn thì đứng ra thu mua trâu bò từ mỗi phiên chợ, gom hàng cho các đầu nậu từ các tỉnh, thành khác về thu mua với số lượng lớn. Những gia đình ít khá giả hơn thì mỗi phiên chợ như vậy, mua đi bán lại từ 3 -5 con cũng có được một khoản kha khá giắt lưng. Những người ít vốn hơn nữa thì nhận công việc vỗ béo, chăm sóc trâu bò cho các hộ khác. Việc vỗ béo đàn trâu bò kéo dài trong vài tuần đến vài tháng. Thức ăn chủ đạo vẫn là cỏ voi và một số phụ phẩm như cám cò, bã bia, cám ngô.

Ở chợ Ú, chúng tôi chứng kiến cảnh những đứa trẻ theo chân mẹ cha ra chợ làm nhiệm vụ canh chừng, dắt trâu bò về các điểm tập kết. Một người dân địa phương cho hay, trong số này, trẻ theo bố mẹ cũng có, song chủ yếu là đội quân dắt thuê, có đứa tranh thủ ngày nghỉ, cũng có những đứa trẻ bỏ ngang cả việc học để hành nghề tại chợ, mỗi lần dắt trâu bò thuê như vậy, tùy thời gian, địa điểm và số lượng con mà chúng được trả từ 30.000 - 120.000 đồng. Tùy phiên chợ, nhưng bình quân mỗi đứa như vậy cũng kiếm được từ 300.000 - 500.000 đồng mỗi ngày. Ngoài ra, chợ phiên trâu bò còn tạo việc làm, kéo theo nhiều dịch vụ ăn theo cho người dân xã Đại Sơn khi nhiều nhà hàng, quán ăn, thậm chí nhà nghỉ, khách sạn cũng đã mọc lên giữa làng quê nghèo này.

Đảm bảo ANTT và công tác phòng dịch

Ông Trần Huy Hoa (51 tuổi) là một trong những thương lái có uy tín, cũng được xếp vào hàng "đại gia" của huyện Đô Lương, với mỗi lần giao dịch lên đến cả trăm con trâu bò, hàng chủ yếu là xuất sang Trung Quốc. Ông Hoa, cũng như các thương lái khác trong nghề, để đảm bảo nguồn hàng chất lượng trong các phiên chợ cũng như cho đối tác, ông phải có đội quân chuyên đi "săn" trâu bò trong cả nước.

Chợ Ú họp mỗi tháng 6 phiên, thu hút hàng trăm thương lái khắp cả nước

Chợ Ú họp mỗi tháng 6 phiên, thu hút hàng trăm thương lái khắp cả nước

Thậm chí, có những thời điểm nguồn hàng trong nước khan hiếm, phải ra nước ngoài để tìm mua. Hơn 2 năm nay, 2 người con trai của ông Hoa thời gian ở Thái Lan nhiều hơn ở nhà, để tìm nguồn hàng chuyển về Việt Nam. 3 người con trai của ông Hoa đều kế nghiệp cha. Hiện tại, ngoài 4 cha con, ông Hoa còn nuôi và trả lương cho 15 người khác, trong đó 7 người làm việc chăm sóc tại chuồng, số còn lại tỏa đi các địa phương để tìm nguồn hàng. Bình quân mỗi tháng, chuồng trại của ông Hoa xuất không dưới 1.000 con trâu bò.

 "Nếu may mắn, mỗi tháng cũng cho thu nhập lên đến hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng gặp may, có những thời điểm vận chuyển, gặp phải con yếu, bị chết giữa đường coi như mất cả vốn. Cũng có lúc bạn hàng là người ngoại quốc giở quẻ, ép mình phải hạ giá, thậm chí là quỵt cả tiền hàng. Nói chung, nghề này không phải là không có yếu tố may mắn, nhưng cũng chứa đựng không ít rủi ro", ông Hoa nói.

Chợ Ú hoạt động dù chỉ mỗi tháng 6 phiên, nhưng lượng khách thập phương đến địa bàn lưu trú khá đông, trong đó phần lớn là thương lái ngoại tỉnh. Ông Hoàng Văn Hiệp, Chủ tịch UBND huyện Đô Lương chia sẻ, cũng không biết tự khi nào, chợ Ú không chỉ là nơi mua bán, trao đổi mặt hàng trâu, bò mà còn mang đậm bản sắc văn hóa đặc trưng của vùng quê Đại Sơn.

Những con trâu bò đã giao dịch thành công, được đánh số thứ tự

Những con trâu bò đã giao dịch thành công, được đánh số thứ tự

Bởi, mỗi lần nhắc đến chợ Ú, hoặc nhắc đến mua bán, trao đổi hàng hóa thì người dân nghĩ ngay đến vùng đất này. Mấy năm gần đây, chợ còn thu hút rất đông thương lái ở các địa phương trong Nam ngoài Bắc, thậm chí những thương lái đến từ Trung Quốc.

Chợ Ú cũng được thương lái đánh giá là chợ trâu bò lớn nhất vùng Bắc Trung Bộ, khi mà mỗi phiên chợ ở đây tiêu thụ khoảng 1.500 - 1.800 con trâu, bò các loại. Đầu năm 2020, thời điểm dịch COVID-19 mới bùng phát, để đảm bảo an toàn, Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Nghệ An chỉ cho phép người nội tỉnh đến giao dịch mua bán trâu, bò tại chợ Ú. Gần đây, do nhu cầu của thương lái tăng cao nên chợ mở cửa tự do trở lại nhưng công tác kiểm dịch luôn được đặt lên hàng đầu.

Theo ông Hiệp, tại mỗi phiên chợ, chính quyền địa phương đã phối hợp với Chi cục chăn nuôi và thú y tỉnh, tiến hành phun tiêu độc khử trùng xung quanh khu vực chợ. Đối với số lượng trâu bò giao dịch thành công, trước khi vận chuyển đi các tỉnh khác sẽ được kiểm tra lâm sàng, cấp giấy chứng nhận đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Nếu trâu, bò khỏe mạnh sẽ được bấm thẻ tai lên trâu, bò xác nhận đàn gia súc không bị nhiễm bệnh, còn nếu con nào có dấu hiệu bệnh tật, sẽ được giữ lại để kiểm tra, theo dõi sức khỏe, khi nào ổn định và hết bệnh tật mới cho xuất chuồng.

Nguồn: [Link nguồn]

Chuyện ít ai biết về lễ hội chọi trâu cổ xưa nhất Việt Nam

Theo những người dân thuộc xã Hải Lựu, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc, lễ hội chọi trâu tại đây đã có truyền thống...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thiện Thành ([Tên nguồn])
24h vạn dặm Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN