Chuyện kỳ lạ về những “cụ cây” ở khu di tích Lam Kinh

Sự kiện: Thanh Hóa

Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh (Thanh Hóa) vẫn đang còn ẩn chứa nhiều điều kỳ bí khó lý giải. Trong đó, có chuyện về cây lim hiến thân, cây ổi “cười” hay chuyện về cây đa - thị hàng trăm năm tuổi.

Trải rộng trên diện tích trên 140 ha, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh (thuộc địa phận huyện Thọ Xuân và Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa) nằm cách TP Thanh Hóa khoảng 50 km về phía Tây Bắc. Đây chính là nơi người anh hùng dân tộc Lê Lợi (Lê Thái Tổ) gây dựng cơ đồ, lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đánh tan quân xâm lược phương Bắc và cũng là nơi an nghỉ của vị vua này cùng các đời vua, hoàng hậu nối tiếp dưới triều Lê Sơ.

Trải qua hơn 600 năm tồn tại với bao thăng trầm và biến cố của lịch sử dân tộc, kinh thành Lam Sơn gần như bị phá hủy hoàn toàn. Năm 1962, di tích này được công nhận là di tích Quốc gia và đến năm 2013 được công nhận là di tích Quốc gia đặc biệt. Nhờ đó, khu phế tích Lam Kinh hiện đã được quan tâm tôn tạo, tu bổ, phỏng dựng lại.

Chuyện kỳ lạ về những “cụ cây” ở khu di tích Lam Kinh - 1

Chính điện Lam Kinh đã được phỏng dựng xong, hiện còn một số hạng mục đang sắp hoàn thành để mở cửa đón du khách. Đây cũng chính là cung điện mà cây lim đã hiến thân để làm một cây cột cái

Ngoài những phế tích còn lại có giá trị lớn về mặt lịch sử, trong khuôn viên khu di tích Lam Kinh còn có rất nhiều loài cây quý hiếm hàng trăm năm tuổi (đã có 18 cây được công nhận là Cây di sản Việt Nam). Trong số này, nhiều cây quý có những câu chuyện rất huyền bí, kỳ lạ mà đến nay vẫn chưa có lời giải.

Cây lim hiến thân

Theo bà Lê Thị Thức, hướng dẫn viên du lịch – Ban quản lý di tích Lam Kinh, khoảng 6 năm trước, có 1 cây lim tuổi đời 600 năm tuổi, cao nhất nhì trong khu Lam Kinh sống xanh tốt bình thường, cành lá sum suê. Đến năm 2010, dự án phục hồi chính điện Lam Kinh được phê duyệt, cây bất ngờ trút lá rồi chết khô.

“Đây là điều rất kỳ lạ và ngẫu nhiên, bởi năm 2011, khi làm lễ hạ cây, người ta đo thấy gốc cây vừa khớp với cây cột cái khu chính điện, ngọn cây vừa với gương tảng cột quân, hai nhánh cây đủ làm một cột con và một thượng lương. Ngoài ra cây lim không hề rỗng ruột nên rất thuận lợi cho việc phục dựng điện Lam Kinh” – bà Thức chia sẻ.

Cũng theo bà Thức, cây lim sống trong rừng, chính là nơi người anh hùng dân tộc Lê Lợi lập Hội thề Lũng Nhai, cây lim và nhiều cây khác đã che chở, làm nơi ẩn náu để nghĩa quân Lam Sơn tránh sự truy sát của quân thù. Vì thế khi cây chết đúng vào dịp phỏng dựng lại chính điện Lam Kinh, nhiều người cho rằng cây chết là để “xả thân” giúp cho việc phục dựng chính điện thêm thuận lợi, giúp con cháu hậu thế thấy được sự uy nghi hào hùng của kinh đô nước ta thời Lê Sơ.

Theo Ban quản lý khu di tích Lam Kinh, đến nay phần chính điện đã được phỏng dựng xong, tuy nhiên một số hạng mục chưa hoàn thành nên vẫn chưa mở cửa đón du khách. Theo dự kiến, trong năm 2017, chính điện Lam Kinh sẽ hoàn thành và du khách sẽ có dịp được chiêm ngưỡng cây lim hiến thân.

Cây ổi “cười” bên lăng mộ Lê Lợi

Chuyện kỳ lạ về những “cụ cây” ở khu di tích Lam Kinh - 2

Khu lăng mộ vua Lê Thái Tổ yên nghỉ có cây Sồi nếp hơn 300 năm tuổi như "người lính" đứng canh giấc ngủ cho vua

Ngay phía sau chính điện Lam Kinh mới được phỏng dựng, đi khoảng 50 m là đến nơi yên nghỉ của vua Lê Thái Tổ. Khu lăng mộ được bao bọc xung quanh là những tán cây rừng xanh tốt, với nhiều cây cổ thụ có hàng trăm năm tuổi. Những cây này như những người lính âm thầm, lặng lẽ canh giấc ngủ cho vua hàng trăm năm qua. Trong đó có cây Sui khoảng 600 năm tuổi và Sồi mật (Sồi nếp) hơn 300 năm tuổi (2 cây đã được vinh danh cây di sản).

Tại lăng mộ vua Lê, phía bên phải lối vào có cây ổi gần 100 năm tuổi có dáng huyền, mang thế rồng chầu quanh năm cho quả. Theo bà Thức, ổi tuy quả không to nhưng chín rất thơm, khi chín ổi thường được người trông lăng hái để dâng lên mộ vua. “Đến mùa ổi chín, du khách đến đây vẫn thường được hưởng lộc, khi thắp hương xong người trông lăng mộ sẽ phát cho du khách thưởng thức” – bà Thức nói.

Cùng theo bà Thức, điều đặc biệt ở cây ổi này là “biết cười” khi ai đó dùng tay gãi, sờ nhẹ lên thân cây. Cây được phát hiện “biết cười” từ năm 2011. Kể từ ngày đó cây lúc nào cũng “cười” khi có ai dùng tay gãi vào thân cây. “Khi dùng tay sờ, gãi lên thân, đặc biệt là những chỗ có hốc cây thì những đầu cánh là rung lên bần bật như cười khiến cho ai chứng kiến cũng bất ngờ. Còn khi cù vào gốc, tất cả lá cây đều rung rinh như cười, nếu rời tay ra cây lại trở lại trạng thái tĩnh lặng bình thường” – bà Thức mô tả.

Chuyện kỳ lạ về những “cụ cây” ở khu di tích Lam Kinh - 3

Cây ổi "cười" trong khu lăng mộ vua Lê Thái Tổ

Nữ hướng dẫn viên “bật mí” thêm rằng khi nắm tay vào thân cây rồi nhắm mắt lại tĩnh tâm một lúc sẽ thấy người lâng lâng như đang bay bổng, đầu óc quay cuồng như bị cây giật đi. Có người tỏ ra thích thú, có người lại thấy sợ. “Nhiều người cho rằng cây sống lâu cũng có linh hồn như người. Ngoài ra, khu mộ của vua Lê Thái Tổ là nơi hội tụ linh khí của đất trời nên rất thiêng liêng. Cây ổi trồng ở đây có hiện tượng “cười” nhưng khi chiết trồng ở nơi khác cây không bao giờ “cười”-bà Thức quả quyết.

Được biết, cây ổi “cười” do ông Trần Hưng Dẫn (người thôn Hành Thiện, tỉnh Nam Định) cung tiến vào năm 1933. Ông Dẫn vốn hiếm muộn con nên đã cầu tự trước mộ vua Lê Thái Tổ. Sau đó, mặc dù tuổi cao nhưng ông vẫn hạ sinh được quý tử nối dõi tông đường. Để tỏ lòng thành, ông đã cung tiến 4 tượng voi, 2 cây long não và cây ổi để trồng trong khu lăng mộ.

Cây Đa - Thị “quấn quýt” trước sân chầu

Đến Lam Kinh khi đi qua cây cầu đá dẫn vào chính điện Lam Kinh, chúng ta sẽ nhìn thấy 1 cây đa - thị rất to ngay phía trái cổng vào nhìn ra hướng sân chầu. Theo ông Trịnh Đình Dương, Trưởng ban quản lý di tích Lam Kinh, cây đa - thị đã trên 300 năm tuổi. “Theo kể lại, hơn 300 năm trước, có 1 cây thị rất xanh tốt nên rất nhiều chim chóc về đậu trên cành thị mang theo quả đa về ăn nên hạt rơi xuống đất mọc thành cây. Khi lớn lên, cây đa ngày càng xanh tốt, ôm chặt lấy cây thị, dần dần hai cây hóa thành 1 gốc cây nên gọi là cây đa - thị”-ông Dương nói.

Chuyện kỳ lạ về những “cụ cây” ở khu di tích Lam Kinh - 4

Hình ảnh cây đa - thị sừng sững ở trước sân chầu chính điện Lam Kinh

Chuyện kỳ lạ về những “cụ cây” ở khu di tích Lam Kinh - 5

Chuyện kỳ lạ về những “cụ cây” ở khu di tích Lam Kinh - 6

Chuyện tình cây đa - thị khiến nhiều người tò mò thích thú

Tuy nhiên, đến năm 2007, cây thị đã chết, hiện chỉ còn mỗi cây đa. Theo quan sát, cây đa cao khoảng 35-40 m, gốc cây khoảng 10 người ôm không xuể. Cây đa mọc cao, thanh thoát, rễ có buông xuống nhưng không rộng, sum suê. Theo Ban quản lý di tích Lam Kinh, hiện dưới gốc cây đa có 1 cây thị nhỏ đang mọc lên, nhiều người cho rằng cây thị già chết đi đã hóa thân thành 1 cây thị mới để cây đa không còn “cô đơn”.

Về vùng đất huyền bí Lam Kinh, ngoài việc được chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc kỳ vĩ, được nghe những câu chuyện, những tích xưa lạ lùng, “bí ấn”, chúng ta như được sống lại một thời oanh liệt của nghĩa quân Lam Sơn quật khởi.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Tuấn (Người lao động)
Thanh Hóa Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN