Chuyện không tưởng của “Nick Vujicic Việt Nam”
Những năm tháng hạnh phúc của hai anh chị trôi qua êm đềm cho đến khi anh có nhiều biểu hiện bất thường...
Bước qua chuỗi ngày khốn khó, cuộc đời lại “nở hoa” với đôi vợ chồng giáo viên.
Đó vốn là một gia đình hạnh phúc khiến nhiều người phải mơ ước khi chồng là giảng viên Học viện Phòng không Không quân, vợ là giáo viên dạy ngoại ngữ ở một trường cấp 2 nổi tiếng của Hà Nội. Vậy nhưng, cơn “bạo bệnh” đã suýt “quật ngã” tổ ấm của vợ chồng anh Phan Văn Cẩn, chị Nguyễn Thu Hường (nhà 53, ngõ Thổ Quan, Đống Đa, Hà Nội). Trong lúc chông chênh nhất, anh chị đã tìm ra cho mình thứ “thần dược” làm hồi sinh tổ ấm khiến ai biết đến cũng ngả mũ thán phục.
Họa vô đơn chí suýt “quật ngã” hạnh phúc
Đó là cụm từ mà chị Nguyễn Thu Hường, giáo viên dạy Anh ngữ tại Trường THCS Giảng Võ (Ba Đình, Hà Nội) phải thốt lên khi nhắc đến giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc đời mà gia đình chị từng trải qua.
Chị Hường và anh Cẩn quen nhau qua mai mối và cùng nhau xây tổ ấm từ năm 1990. Lúc này, anh Cẩn đang công tác tại Học viện Phòng không Không quân, còn chị đang học tiếp Sư phạm Ngoại ngữ sau khi tốt nghiệp khoa Nga ngữ và trở về từ Liên bang Nga. Chị sinh cho anh lần lượt hai người con, một trai, một gái.
Những năm tháng hạnh phúc của hai anh chị trôi qua êm đềm cho đến khi anh có nhiều biểu hiện bất thường về thể trạng từ năm 2001. Nhớ lại những ngày đầu này, anh Cẩn cho rằng, anh không nghĩ sức khỏe của anh lại diễn biến theo chiều đi xuống nhanh đến vậy.
“Giai đoạn năm 2001 - 2003, bắt đầu có biểu hiện ở tay trái nhưng lúc đó mải chơi thể thao và sức khỏe đang dồi dào nên không để ý. Đến năm 2003, khi cậu con trai cầm thước dây đo đường kính hai tay thì cả nhà mới thấy rõ sự bất thường, đường kính tay trái nhỏ hơn tay phải đến 5cm”.
Năm 2004, anh vào Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 chữa bệnh và sau đó lần lượt điều trị ở tất cả các bệnh viện lớn ở miền Bắc nhưng bệnh tình không thuyên giảm. Từ tay trái rồi tới tay phải cứ teo tóp dần không rõ nguyên nhân dù các y bác sỹ đã dày công tìm tòi, điều trị. Hết tay rồi đến chân, căn bệnh quái ác đã khiến một người lính Phòng không to cao vạm vỡ phải phụ thuộc vào chiếc xe lăn.
Nhớ lại quãng ngày chạy chữa cho chồng, chị Hường vẫn nhớ mãi: “Ngày chồng tôi đổ bệnh cũng là lúc mẹ tôi vừa qua đời chưa lâu. Cũng trong giai đoạn này, tổ ấm nhỏ của gia đình lại nằm trong diện giải tỏa để lấy đất phục vụ công trình giao thông. Mọi thứ ập đến cùng lúc như định mệnh được hẹn… giờ.
Hai vợ chồng chiến đấu hết bệnh viện này đến bệnh viện khác, điều trị từ phương pháp này đến phương pháp khác, thậm chí cứ hễ ai mách cho ông thầy lang nào chữa bệnh tốt là cả hai cùng khăn gói lên đường. Quãng đời trên từng cây số đó bây giờ nghĩ lại mà không khỏi rùng mình”.
Tuy nhiên, cái khó chưa dừng lại đó, ngày chị cùng anh dắt nhau trên những cung đường gian nan cũng là lúc bệnh cũ của chị tái phát. Ngày còn đi học, chị bị tai nạn gây tổn thương cột sống. Nay đối diện với những lo toan về mọi mặt, từ kinh tế đến tinh thần khiến chị xuống sức một cách chóng vánh.
“Chồng ngồi xe lăn, vợ thì nằm bẹp giường không nhúc nhích nổi. Có lúc phải lăn xuống đất, bò lết lổm nhổm quanh giường mấy vòng rồi chị mới bám vào tường để đi còng. Thảm cảnh đến nỗi, bác sỹ điều trị tại gia cũng phải thốt lên, tại sao lại có gia đình khổ sở đến oái oăm như vậy” - anh Cẩn nhớ lại.
Sự tỉnh ngộ sau 3 năm “cơm chan nước mắt”
Chị chăm anh từng miếng cơm, ngụm nước dù ở bất kể đâu.
Chứng kiến, đối diện với hoàn cảnh éo le, cả anh và chị đều bị sốc.
“Nhất là anh, từ một giảng viên to cao, khỏe mạnh với tiền đồ xán lạn khiến bao người mong ước, nay trở thành một người phụ thuộc, với bạo bệnh không rõ nguyên nhân. Tiếp đó là các con, lúc anh bị bệnh cũng là lúc cậu con trai cả bước vào cấp III, ở cái tuổi khôn dại nửa vời, thấy bố mẹ và gia đình suy sụp, cháu đã không chịu nổi.
Lúc này, có những lần chúng tôi đã nghĩ đến việc cuộc sống của hai vợ chồng có thể khép lại ở đây. Mọi cánh cửa như đóng sập trước mắt. Quầng mắt tôi thâm sì, cứ hễ có đồng nghiệp, học sinh quan tâm hỏi thăm thì tôi có thể chực khóc.
Ba năm đầu từ ngày anh đổ bệnh là ba năm không có ngày nào mà cả tổ ấm này ăn cơm thiếu nước mắt. Hết nghĩ dại rồi lại nghĩ đến bố mẹ hai bên, nghĩ đến những đứa con thơ nên cả hai cùng động viên nhau phải cố mà… chiến đấu. Lúc này, không thể dùng từ “cố sống” được nữa mà phải cố để chiến đấu với tất thảy khó khăn ập đến triền miên” - chị Hường tâm sự.
Anh chị cho biết, lúc đang đối diện với hoàn cảnh éo le thì liên tiếp có các biến cố lớn đối với những người bạn thân của gia đình anh chị khiến cả hai sực tỉnh ngộ và động viên nhau rằng, dù bệnh tật, khó khăn nhưng anh chị vẫn còn được sống, vẫn cảm nhận được tình yêu thương dành cho nhau, cho con, cho gia đình và nhận tình yêu thương từ bạn bè, đồng nghiệp.
“Dù tôi phải bón từng ngụm nước, từng miếng ăn cho chồng, nhưng qua đó cả hai mới có cơ hội để sống chậm lại và cảm nhận được tình yêu thương dành cho nhau. Tôi ngẫm, trước đây mình cho rằng, cuộc sống của gia đình có chồng là người lính xa nhà, năm về dăm ba lần, mọi việc lớn bé, to nhỏ trong nhà đều đến tay mình là cuộc sống vất vả.
Ấy nhưng sau khi anh đổ bệnh nằm ở nhà, tôi mới thấy quãng thời gian trước đó là những ngày hạnh phúc nhất của gia đình nhỏ. Mỗi ngày trôi qua, anh yếu thêm và cả hai cùng động viên nhau rằng, nếu khóc lóc, u buồn mà khỏi bệnh thì cả hai vợ chồng đã khỏi từ lâu rồi.
Vậy nên, mỗi ngày trôi, qua sao không sống cho ý nghĩa, sao không gạt đi hết mọi sự lo toan để cùng nhau chiến đấu vì cái tổ ấm thân thương này? Tự kéo nhau ra khỏi cơn đau, cả hai cùng thấy hạnh phúc vì còn có các con, có bố mẹ hai bên, có gia đình, bạn bè, đồng nghiệp luôn sẻ chia, giúp đỡ” - chị Hường nói.
Từ ngày đó, hai anh chị bình tâm trở lại và cùng nhau vui sống. Chạy chữa khắp nơi với đồng lương ít ỏi của hai vợ chồng đã khiến gia đình nhỏ phải gánh trên vai món nợ chồng chất. Chị Hường cho biết, để có tiền chữa bệnh cho chồng, cho mình, để trả nợ thì ngoài giờ chính khóa, không một ngày nào chị không đến lớp dạy thêm. Chị nói: “Gần thì dăm cây số, xa thì đến ba bốn mươi cây, bất cứ ở đâu có lớp dạy thêm là tôi có mặt. Đắt thì 200.000 đồng/buổi, rẻ thì đến 50.000 đồng/buổi tôi cũng đi”.
Song hành với chuỗi ngày khó khăn của gia đình, chị nhận được rất nhiều sẻ chia từ bạn bè, đồng nghiệp. Biết gia đình chị hoàn cảnh khó khăn, có những buổi, giờ ra chơi chị phải tranh thủ chạy về chăm chồng nên Ban Giám hiệu Trường THCS Giảng Võ, nơi chị công tác luôn tạo điều kiện ủng hộ. Với chị, sự động viên của bạn bè, đồng nghiệp và các thế hệ học sinh là liều thuốc vô giá để giúp gia đình chị bước qua chuỗi ngày bệnh tật, khó khăn.
Vui sống và cười thật
Anh Cẩn (ngồi xe) và vợ (người thứ 3 bìa phải) đang giao lưu cùng Ban giám hiệu Trường THCS Giảng Võ và khách mời nhân ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12). Ảnh : Minh Anh
Ngày tôi được gặp anh chị là một ngày đặc biệt. Ngày đó, Trường THCS Giảng Võ, nơi chị Hường công tác tổ chức các hoạt động và lễ kỷ niệm nhân ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/2017). Trong bữa cơm thân mật với các thế hệ giáo viên từng tham gia quân ngũ và người thân của giáo viên là quân nhân, anh chị xuất hiện với nhiều điều đặc biệt. Anh ngồi trên chiếc xe lăn, đi sau là chị, cả hai cùng dành cho nhau và những người xung quanh những nụ cười hạnh phúc.
Đến bữa, chị ngồi cạnh anh, chị bón cho anh từng miếng cơm, ngụm rượu. Ánh mắt họ nhìn nhau khiến ai thấy cũng bồi hồi xúc động. Nửa tiệc, chị đứng dậy, đẩy xe đưa anh đi chúc rượu từng bàn, hai tay anh liệt, chị cụng ly thay và nâng chén bón cho anh từng ngụm rồi cùng nhau cười giòn tan hạnh phúc.
Hình ảnh đó khiến tất thảy mọi người thắt lại và nếu không cầm lòng, ắt hẳn không ít người chực rơi nước mắt. Có người đã ghé vào tai tôi nói rằng, tiền tài, đỉnh cao danh vọng và tất thảy vật chất rồi cũng thành phù du hư vô, chỉ có tình yêu thương, sự sẻ chia mới chạm đến sâu thẳm trái tim con người. Hình ảnh của anh chị đã gây ấn tượng mạnh với những người chứng kiến trong ngày vui của người lính hôm đó.
Trở lại với cuộc sống thường ngày, dù nay anh vẫn ngồi xe lăn nhưng mọi thứ trong căn nhà nhỏ đã đổi khác. Chị cho rằng, dù không ai nói ra nhưng cả hai đều có chung một “luật ngầm” bất di bất dịch là cùng nhau vui sống và cười thật nhiều để mỗi ngày trôi qua là một ngày vui. Từ nhiều năm nay, chị đã vận động anh và anh đã “dũng cảm” đi ra ngoài.
“Đi đâu tôi cũng đưa anh đi theo, từ đi Đà Nẵng thăm người thân, đến những chuyến đi nghỉ mát do trường tổ chức ở Sầm Sơn. Với tôi, việc đưa chồng ra ngoài được xem là quyết định đúng đắn nhất trong quãng thời gian cùng anh chiến đấu với bạo bệnh. Ra ngoài, anh có không gian, được giao lưu, chuyện trò và có thêm những người bạn, bớt những ưu tư và sức khỏe tốt lên trông thấy” – chị nói.
Còn anh thì cho rằng: “Ban đầu ra ngoài ngại lắm, đi đâu cũng phụ thuộc, nhờ vả người khác. Nhưng lâu dần mới thấy, bất kể người bệnh nào chưa đến mức nằm liệt giường thì nên ra ngoài. Có thể đi đến bất kể đâu, từ đến nhà người thân, bạn bè hoặc công viên. Cuộc đời của người bệnh sẽ đổi thay từ những quyết định với không ít khó khăn ban đầu như tôi”.
Từ nhiều năm nay, từ cái lần chị vận động anh ra ngoài và tìm cho anh một điểm đến phù hợp, đó là một trung tâm thể thao trong nhà có tiếng, anh tham gia đều đặn và sức khỏe, tinh thần cải thiện đến bất ngờ. Mỗi ngày, anh đều dành một quỹ thời gian để đến trung tâm này tập luyện. Đến đó, anh được bơi, xông khô và giao lưu với rất nhiều bạn bè.
Những ngày đầu, anh chưa tự đi được, chị dẫn anh đi, đến nơi chị dìu anh xuống bể bơi và dắt anh lững chững tập đi từng bước. “Ngày đầu, đầu gối anh bị cứng khớp do không vận động nên tôi phải dìu anh từng bước một. Mỗi lần dìu cả tiếng đồng hồ nhưng anh chỉ đi được mấy chục mét. Sau 6 tháng cố gắng, ở bể bơi này anh đã làm được kỳ tích mà ai thấy cũng phải thốt lên “Nick Vujicic Việt Nam đây rồi! Nick Vujicic Việt Nam đây rồi!” khi anh tự bơi không cần tay và không cả sự trợ giúp từ người ngoài” - chị Hường vui mừng chia sẻ.
Ngày hôm nay, sau bao nhiêu giông bão, cuộc đời đã “nở hoa” như lời chị nói. Sắp tới, khi chị nghỉ hưu, anh chị dự tính sẽ về quê để chung sống với bố mẹ chồng. Mùa xuân này cũng sẽ như bao xuân qua, anh chị lại cùng nhau lên dạo quanh Bờ hồ Hoàn Kiếm một vài vòng để du ngoạn rồi đến nhà người thân cùng nhau sẻ chia hơi ấm Tết đoàn viên. Với anh chị, xuân yêu thương không đơn thuần chỉ vài ba ngày Tết mà tất thảy mỗi ngày trôi qua khi những người thân trong gia đình nhỏ được sẻ chia, vui vầy trong nụ cười ấm áp.
Anh Phan Văn Cẩn sinh năm 1961 tại Thanh Trì, Hà Nội. Anh tốt nghiệp Học viện Kỹ thuật Quân sự, sau đó được phân về công tác tại Học viện Phòng không Không quân. Năm 1987, anh là giảng viên Trường Trung cấp Kỹ thuật Phòng không Không quân ở huyện Đông Anh. Năm 1993 là giảng viên của Học viện Phòng không, sau này đến năm 1999, khi sáp nhập anh là giảng viên của Học viện Phòng không Không quân. Năm 2005 đến nay, anh nghỉ chữa bệnh. Căn bệnh của anh đến nay chưa tìm ra nguyên nhân, biểu hiện bên ngoài là hai tay teo tóp và gần như mất hẳn khả năng vận động, hai chân cũng không tự đi lại được. Còn vợ anh, chị Nguyễn Thu Hường, sinh năm 1963 tại Đống Đa, Hà Nội. Hiện chị đang dạy môn Anh ngữ tại trường THCS Giảng Võ, quận Ba Đình, TP Hà Nội. |
Bà Hoàng Kim Uyên, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Giảng Võ cho biết, cô Nguyễn Thu Hường là một giáo viên có năng lực, tận tụy với nghề. Trước các biến cố lớn mà gia đình cô Hường gặp phải, thời gian qua, Ban Giám hiệu, công đoàn, tổ chuyên môn và toàn thể cán bộ, giáo viên, học sinh trường THCS Giảng Võ đã kịp thời động viên, tạo mọi điều kiện tốt nhất để cô hoàn thành công tác cũng như có thời gian để chăm sóc chồng và các cháu. Hình ảnh cô Hường tận tụy chăm sóc chồng, tìm mọi cơ hội tốt nhất để chồng được vui nhằm cải thiện sức khỏe đã khiến mọi người phải khâm phục, đó là hình ảnh đẹp của người phụ nữ đáng để nhiều người học hỏi và tôn vinh. |
Thượng úy Dương ở lại được với đời, ngoài nỗ lực bản thân còn có công rất lớn của người phụ nữ ấy.