Chuyên gia lý giải hiện tượng "đá nở hoa" ly kỳ ở Quảng Nam
Một tảng đá có thể 'nở hoa' với rất nhiều màu sắc khác nhau ở Quảng Nam đang gây xôn xao cộng đồng mạng. Người cho rằng đá nở hoa báo hiệu hạn hán, có người lại cho rằng nó là 'lộc trời'...
Ly kỳ câu chuyện 'đá nở hoa'
Gần 1 tuần nay, nhiều người dân tò tò trước cảnh một tảng đá dưới sông Trạm (một nhánh sông Tiên) ở thôn 2, xã Tiên An, H.Tiên Phước, Quảng Nam bất ngờ "nở hoa". Vị trí "hoa nở" nằm ngay mép tảng đá lớn hướng xuống dòng nước. Quan sát kỹ, đây giống như một lớp xốp bám dưới chân tảng đá với nhiều màu sắc.
Theo người dân ở đây, màu sắc trên hoa thay đổi liên tục. Khi vừa "nở" ra là màu đỏ, ít tiếng sau sẽ chuyển qua màu vàng, màu xanh, màu trắng… Lần gần đây nhất tảng đá nở hoa là năm 2018, khi đó hạn hán tại địa phương khá nghiêm trọng. Do vậy người dân tin rằng, năm nào tảng đá này "nở hoa" thì năm đó thường xảy ra tình trạng nắng nóng kéo dài, khô hạn.
Hòn đá 'nở hoa" ở Quảng Nam thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng những ngày gần đây.
Người mê tín thì cho rằng xã Tiên An được "lộc trời", ai nhanh chân, chạm tay vào tảng đá "nở hoa", cả năm sẽ "phát tài, may mắn". Trước đó, mạng xã hội Facebook cũng đã xôn xao bởi một bức ảnh trên trang cá nhân chụp tảng đá "nở hoa" ở xã Tiên An. Đáng nói, ngay khi hình ảnh tảng đá nở hoa này được đăng tải, cùng nhiều dòng bình luận "chấn động", khiến cư dân mạng tò mò.
Trao đổi với phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống, GS.TSKH Dương Đức Tiến, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Sinh học phục vụ đời sống và sản xuất cho biết, hiện tượng "tảng đá nở hoa" thực chất chỉ là lại địa y mọc trên đá. Ðịa y là dạng cộng sinh của hai loài, một nấm mốc và một loài tảo, chủ yếu là tảo lục hoặc tảo lam. Địa y là môn khoa học rộng lớn với hàng trăm loài khác nhau, tùy tính chất địa y từng vùng, cộng với điều kiện tự nhiên cụ thể mà địa y thể hiện khác nhau.
Địa y bám trên tảng đá ở Quảng Nam.
Hình thức cộng sinh rất đặc biệt, có hình dạng riêng nên địa y có tên giống và loài. Các hình dạng của Ðịa y: hình vảy (crustose), chặt và dán vào giá thể; hình lá với nhiều thùy (foliose) như lá cây; hay hình cành (fruticose ), như bụi cây. Trong địa y, thành phần nấm thường là nấm túi, đôi khi là nấm đảm. Thành phần tảo thường là tảo lục, đôi khi là vi khuẩn lam. Tế bào tảo phân tán giữa các khuẩn ty một số khuẩn ty dán chặt vào rong để hấp thu carbohydrat và những chất hữu cơ từ tảo, còn nấm thì cung cấp nước và khoáng cho tảo.
Ðịa y là một dạng thích nghi đặc biệt, chúng có thể sống trong những điều kiện khắc nghiệt. Trên đá chúng là những sinh vật tiên phong, là những tộc đoàn đầu tiên chiếm cứ môi trường mới vì chúng có thể phá hủy đá dần dần do các acid mà chúng tiết ra, và sẽ tạo ra những hạt đất nhỏ. Ðịa y tăng trưởng với một tốc độ rất chậm. Ðịa y dạng vảy tăng trưởng từ 0,1 mm đến 10 mm /1 năm.Địa y không cảnh báo hạn hán, nắng nóng
GS.TSKH Dương Đức Tiến cho biết, địa y dễ bị tổn hại do chất ô nhiễm không khí và có thể được xem là sinh vật chỉ thị về chất lượng không khí. Ðịa y chỉ sinh sản vô tính, mặc dù thành phần nấm túi có thể sinh sản hữu tính bằng túi. Một mảnh của địa y được tách ra cho ra địa y mới. Thêm vào đó, một số loài tạo ra những thể sinh sản đặc biệt được gọi là mầm phấn (soredia), là một khối nhỏ gồm các tế bào tảo được bao quanh bởi các khuẩn ty. Mầm phấn được phát tán bởi gió và nước mưa.
Vì sao không phải khối đá nào, khu vực nào cũng có địa y? GS.TSKH Dương Đức Tiến cho rằng bởi địa y sinh ra trong những điều kiện tự nhiên rất đặc thù nên nó cũng là hiện tượng ít gặp. Trong điều kiện ánh sáng, độ ẩm, nguồn nước, gió... rất đặc thù thì mới xuất hiện địa y.
Như vậy, địa y không phải là chỉ dấu báo hiệu khô cằn, nắng nóng như nhiều người lầm tưởng, cũng không liên quan gì đến việc phát tài, may mắn. Nhưng ở góc độ nào đó có thể có sự liên quan giữa địa y và cây trồng khác, bởi trong điều kiện khắc nghiệt như thế mà địa y còn phát triển được thì cây cối, mùa màng sẽ có nhiều khả năng tươi tốt phát triển.
Bản thân địa y không có hại gì cho con người và môi trường. Thậm chí một số loài địa y còn được nghiên cứu để làm thuốc. GS.TSKH Dương Đức Tiến cho biết, đáng tiếc là đến nay ở Việt Nam, ngành nghiên cứu địa y chưa được quan tâm nhiều trong khi nó có nhiều tiềm năng ứng dụng rộng rãi. Biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng thì số lượng các loài địa y càng phong phú, biểu hiện của chúng càng phức tạp.
"Trường hợp tảng đá nở hoa ở Quảng Nam, các nhà khoa học có thể thu thập mẫu để phân loài, định dạng tên. Việc nhân rộng địa y không khó, quan trọng là loài đó có thể ứng dụng vào lĩnh vực nào trong đời sống", GS.TSKH Dương Đức tiến cho biết.
Địa y rất gồ ghề, chúng được tìm thấy ở một số khu vực có thời tiết khắc nghiệt nhất trên Trái đất, từ các thung lũng khô lạnh, lạnh lẽo ở Nam Cực đến các sa mạc nóng bỏng, chúng có thể bị khô hoàn toàn và vẫn sống lại khi được bù nước. Địa y thậm chí còn sống sót trong không gian - một nghiên cứu giữ địa y ở bên ngoài vệ tinh và Trạm vũ trụ quốc tế và chúng chịu được bức xạ cực tím mạnh, nhiệt độ thấp và không có nước.
Nguồn: [Link nguồn]
Một tảng đá dưới sông Trạm (một nhánh sông Tiên, ở thôn 2, xã Tiên An, huyện Tiên Phước, Quảng Nam) xuất hiện hiện tượng lạ giống “đá nở hoa” khiến nhiều người hiếu kì. Trong khi người dân địa phương cho rằng, hiện tượng này là “điềm” báo hiệu thời tiết khô hạn.