Chuyện đau lòng của "thế hệ bị bỏ rơi" ở TQ

Theo một chương trình nghiên cứu của đài CNN (Mỹ), quá trình công nghiệp hóa của Trung Quốc đã khiến 61 triệu trẻ em nước này bị cha mẹ bỏ rơi với những hậu quả đau lòng.

Cách đây 3 năm, giống như hàng triệu công nhân Trung Quốc di cư khác, Chen và vợ bỏ lại con gái nhỏ duy nhất ở quê để tới thành phố Quảng Châu.

Nghĩ rằng con gái 9 tuổi sẽ an toàn khi sống cùng bà ở quê nhà, Chen choáng váng khi nghe lời kêu cứu của cô bé vào tháng 11 năm ngoái.

“Cháu liên tục gọi cho chúng tôi, cầu xin chúng tôi về nhà. Cháu nói rằng cháu cảm thấy không khỏe, rằng cháu lúc nào cũng thấy chán nản và đau đớn. Cháu kể rằng cháu bị đau “ở phía dưới” và chúng tôi biết ngay có điều gì đó không ổn”, Chen kể.

Sau khi được Chen dỗ dành, con gái anh vừa khóc vừa kể rằng cháu bị thầy giáo cưỡng hiếp. Chen cho biết sau mỗi lần đó, con gái anh được thầy giáo cho 2 quyển vở mới.

Theo truyền thông Trung Quốc, con gái Chen là một trong số 5 nạn nhân của thầy giáo nói trên – tất cả các em đều dưới 14 tuổi học cùng trường.

“Chúng tôi không bao giờ có thể tưởng tượng được trường học là nơi có thể gây hại cho các cháu. Rất khó nói ra rằng trường học là nơi không an toàn”, Chen nói.

Chuyện đau lòng của "thế hệ bị bỏ rơi" ở TQ - 1

Nhiều trẻ em ở các vùng nông thôn Trung Quốc ở lại với ông bà trong lúc bố mẹ làm việc tại các thành phố lớn.

Mục tiêu của xâm hại tình dục

Theo các số liệu của Quỹ toàn thể phụ nữ Trung Quốc, câu chuyện của con gái Chen hé lộ mảng tối trong cuộc sống của gần 61 triệu trẻ em Trung Quốc “bị bỏ rơi” – tức tỉ lệ là 1 trong 5 em trên cả nước. Các em lớn lên không có bố, mẹ hoặc cả bố mẹ ở bên cạnh.

Các số liệu cho thấy khoảng 30 triệu trẻ em dưới 18 tuổi không có cha mẹ ở nhà và 2 triệu em phải tự kiếm sống mà không có người lớn bảo hộ.

Đây là hậu quả đau lòng của tình trạng được mô tả là một trong những cuộc di dân lớn nhất lịch sử nhân loại – khoảng 250 triệu người Trung Quốc đã rời bỏ những tỉnh nghèo khó ở sâu trong đất liền để kiếm sống ở các thành phố và thị trấn gần bờ biển phía đông.

Mỗi năm, các gia đình Trung Quốc này chỉ họp mặt trong vài ngày – chủ yếu vào dịp Tết Nguyên đán.

Ye Jingzhong, tác giả cuốn sách “Một tuổi thơ khác biệt: Những trẻ em nông thôn Trung Quốc bị bỏ rơi”, cho rằng trẻ em giống con gái Chen rất dễ trở thành mục tiêu của những kẻ lạm dụng tình dục.

Anh cho rằng, thiếu sự chăm sóc và giám sát của cha mẹ, các em thường bị giao cho những người họ hàng hoặc những người bảo hộ khác ít quan tâm chú ý tới các em.

“Những giá trị đậm tính vật chất đang xâm lấn các vùng nông thôn – trong lúc cha mẹ không có ở nhà để khuyên bảo con điều gì là đúng, sai – các em rất dễ bị dụ dỗ bằng kẹo hay điện thoại mới”, Ye nói.

Theo Tân Hoa Xã, xâm hại tình dục chiếm phần lớn các vụ xâm hại đối với trẻ em ở các khu vực nông thôn. Ở một số nơi, như Hóa Châu ở tỉnh Quảng Đông, 94% vụ xâm hại tình dục xảy ra liên quan tới những trẻ em bị bỏ rơi.

Tân Hoa Xã cho hay chính quyền ở thị trấn nơi con gái Chen sống đã ra lệnh cho các trường học phải tổ chức “các buổi họp về an toàn” nhằm nâng cao giám sát học sinh và đạo đức giáo viên.

Những tổn hại về tình cảm

Thế hệ bị bỏ rơi ở Trung Quốc không chị dễ bị tổn thương trước các tội phạm nghiêm trọng như xâm hại và quấy rối tình dục

“Cháu ước gì bố mẹ về nhà vào dịp Tết Nguyên đán. Cháu cảm thấy mình như “người thừa” trong gia đình mình vậy”, Xiaoli, 12 tuổi, tâm sự trong một cuộc khảo sát của Trung tâm về quyền trẻ em và trách nhiệm xã hội (CCRCSR).

Theo cuộc khảo sát, 82% trong tổng số 877 phụ huynh di cư cho rằng họ không hoàn thành nghĩa vụ làm cha mẹ.

A-ying, một bà mẹ 33 tuổi bỏ lại 2 con ở quê nhà, cho hay, con trai chị không muốn nghe điện thoại của mẹ.

“Lí do cháu không thích chúng tôi là vì cháu cho rằng chúng tôi không quan tâm, và cháu không được chăm sóc đầy đủ. Sống cùng nhau sẽ giúp chúng tôi và các con gần gũi hơi”, A-ying nói.

Sanna Johnson, giám đốc điều hành của CCRCSR, cho hay tình trạng trên sẽ gây ra những hậu quả sâu rộng.

Chuyện đau lòng của "thế hệ bị bỏ rơi" ở TQ - 2

Tình trạng hàng chục triệu trẻ em bị bỏ rơi có thể sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho xã hội Trung Quốc trong tương lai.

“Khi có 61 triệu trẻ em không được sống cùng cha mẹ, đó sẽ là thảm họa cho xã hội”, Johnson nói.

“Rất khó xác định những hậu quả trực tiếp khi thế hệ bị bỏ rơi này trưởng thành, nhưng tôi e rằng thế hệ này sẽ khó có thể tạo nên một “xã hội hài hòa”, Johnson nhận xét.

Theo số liệu năm 2013 của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OCED), Trung Quốc đã tăng số nhân viên xã hội tới các vùng nông thôn tư vấn và chi tiêu chính phủ về các dịch vụ xã hội đã tăng lên khoảng 24% từ năm 2008 tới 2012.

Các trường học ở nông thôn đang đang đầu tư xây dựng các khu ký túc xá và chính quyền Trung Quốc phát tín hiệu sẵn sàng nới lỏng các quy định hạn chế công nhân di cư đem theo con cái tới các thành phố nhỏ. Những thành phố lớn như Bắc Kinh có lẽ không thuộc diện nhận được các thay đổi trên.

Tuy nhiên, Ye cho rằng tương lai cho trẻ em Trung Quốc bị bỏ rơi sẽ chỉ có dấu hiệu cải thiện khi các quan chức nước này nghiêm túc thực hiện các cam kết của mình.

Những giọt nước mắt thầm lặng

Trở về quê, Chen tìm mọi cách tạo dựng lại mối quan hệ cha con với con gái mình. Anh kể rằng con gái anh ngày càng sống khép kín, tránh gặp người lạ và hay khóc thầm.

Sau Tết Nguyên đán, Chen định đưa con gái tới Quảng Châu và vợ anh sẽ nghỉ việc để chăm sóc con.

Chen nhất quyết không nhận khoản tiền đền bù 10.000 nhân dân tệ (1.650 USD) của nhà trường nơi con gái anh học. Anh tỏ ra giận dữ khi chính quyền địa phương không đưa ra lời xin lỗi nào và tuyên bố anh muốn thấy kẻ đã cưỡng hiếp con gái anh phải bị “trừng trị thích đáng”.

Anh cho biết anh định “gây ra một vụ việc” ở trường học sau kì nghỉ nếu kẻ làm tổn thương con gái anh không đứng sau song sắt nhà tù.

“Không phải nói nhiều nữa – có thể chúng tôi sẽ phải dùng tới bạo lực để làm sao những đứa trẻ khác sẽ không phải trải qua nỗi đau mà con gái tôi đã chịu”, Chen nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tùng Lâm (Infonet.vn)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN