Chuyện "cũ người mới ta" ở Sài Gòn

Vào dịp Tết, nhiều tiệm bán đồ cũ ở Sài Gòn lại tung ra thị trường những món hàng mà ngày thường tìm “đỏ mắt” cũng không ra

Tết là dịp để nhiều cửa hàng kinh doanh đồ cũ thanh lý hàng tồn và người mua có thể bỏ ra số tiền phù hợp để sắm sửa đón năm mới. Với những người bình dân, họ có thể tiết kiệm trong việc mua sắm cho gia đình dịp Tết. Còn với những người chuyên “săn” hàng “độc”, lạ thì đây cũng là dịp để họ dễ mua được cho mình những món đồ ưng ý nhất.

Hàng “secon-hand” hút khách dịp Tết

Tại nhiều khu vực trên địa bàn TP HCM như chợ Bến Thành (quận 1), chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh); đường Nguyễn Kiệm (quận Phú Nhuận), Đồng Đen (quận Tân Bình)…, cảnh mua bán đồ cũ diễn ra náo nhiệt và hút khách trong những ngày cận Tết.

Người mua có thể tìm được bất cứ món đồ nào: từ xe máy, bật lửa cổ, tẩu hút thuốc, lư đồng cho đến các mặt hàng điện tử hay đồ thời trang giày dép, quần áo… Các mặt hàng này có nhiều tên gọi như: "đồ sida”, hàng “secon-hand” hay hàng “xôn”…

Tuy nhiên, tất cả đều là những thứ đã qua sử dụng, còn giá trị và được tận dụng để bán, thanh lý cho những người có nhu cầu. Mỗi món đồ có giá trị khác nhau, tùy thuộc vào chất lượng, thương hiệu và nhu cầu của từng người. Có mặt hàng dành cho những người thu nhập trung bình, “nhà nghèo” mua để tiết kiệm và giảm bớt chi phí trong ngày Tết. Nhưng cũng có nhiều loại giá cao ngất ngưởng dành cho người thích sở hữu hàng “độc”, “săn” hàng cổ.

Chuyện "cũ người mới ta" ở Sài Gòn - 1

Chuyện "cũ người mới ta" ở Sài Gòn - 2

Đủ loại đồ cũ được bày bán trên đường Nguyễn Kiệm (quận Phú Nhuận, TP HCM)

Vừa mua được chiếc túi xách da cũ với giá 200.000 đồng tại một cửa hàng trong chợ Bà Chiểu, chị Nguyễn Thị Xuân (ngụ quận Phú Nhuận), hớn hở khoe: “Những món đồ này tuy đã qua sử dụng nhưng chất lượng vẫn còn tốt và giá rẻ nên tiết kiệm được rất nhiều trong dịp Tết. Như chiếc túi xách tôi mới mua được, nếu hàng mới cũng có giá cả triệu đồng. Cũ người nhưng mới mình nên cứ đến cuối năm, tôi lại đi mua vài món đồ cũ để cho gia đình chơi Tết”.

Trên một số tuyến đường như Nguyễn Kiệm (quận Phú Nhuận); Võ Văn Ngân (quận Thủ Đức); Calmette, Nguyễn Thái Bình (quận 1)…, hàng trăm món đồ cũ cũng được tận dụng đem bán vào dịp Tết. Tuy tất cả đều đã qua sử dụng nhưng lại thu hút một lượng khách rất lớn đến mua vì giá rẻ, giúp nhiều người tiết kiệm chi phí mua sắm trong những ngày Tết.

Chuyện "cũ người mới ta" ở Sài Gòn - 3

Người mua có thể tìm được bất cứ món đồ nào, từ loa thùng, bàn ủi, bật lửa cổ, tẩu hút thuốc, lư đồng cho đến các mặt hàng điện tử... tại các tiệm bán đồ cũ với giá rẻ

Anh Triệu Văn Minh, chủ một cửa hàng bán đồ điện tử cũ trên đường Nguyễn Kiệm, nói dịp Tết là lúc nhiều tiệm đồ cũ đồng loạt “xả hàng” và giảm giá mạnh để đẩy hết lượng hàng cũ. Đa số là hàng thời trang như quần áo, túi xách, giày dép… có giá bình dân để phục vụ những người thu nhập thấp hoặc trung bình.

“Tuy nhiên, cũng có nhiều loại hàng được bán với giá rất cao vì đó là những món đồ cũ mà hiện trên thị trường không còn bán. Những người thích sở hữu hàng “độc” thường canh dịp cuối năm để “săn” do đây là lúc nhiều cửa hàng bán ra thị trường” – anh Minh nhận xét.

Tuy là đồ cũ nhưng nhiều món hàng không hề có giá bình dân do “độc”, lạ. Nhiều người may mắn mua được những món đồ còn mới đến 90% với giá rẻ nhưng cũng không ít người “săn” phải hàng giả cổ, không đáng với số tiền bỏ ra. Có loại chỉ vài trăm ngàn, cũng có loại lên đến hàng chục triệu đồng. Loại đắt tiền chủ yếu là hàng cổ hiện khó tìm trên thị trường. Tùy độ "cổ” và nhu cầu, sở thích của mỗi người mà các món đồ có mức giá khác nhau.

Mua đồ cổ dễ “dính” hàng giả

Hàng “độc”, đồ cổ ở nhiều điểm kinh doanh có không ít loại là hàng giả. Nếu không tinh mắt và thiếu sự am hiểu, người ta có thể mua với giá hớ. Không chỉ vậy, khách cũng dễ mất cảnh giác khi ham hàng giá rẻ, dễ chọn nhầm món đồ đã hư hỏng.

Chuyện "cũ người mới ta" ở Sài Gòn - 4

Nhiều món hàng cũ được bán bên lề đường chỉ có giá cao nhất vài trăm ngàn đồng

Ông Đặng Xuân Tùng (ngụ quận Bình Thạnh) - một người chuyên “săn” hàng “độc”, cho biết đa số người thích chơi đồ cổ đều phải tìm đến những điểm bán uy tín để chọn mua vì như vậy mới an tâm, không sợ mua phải hàng giả. “Mỗi món đồ có một “lai lịch” và thậm chí là ý nghĩa riêng với từng người. Để tìm được những món đồ như thế rất khó. Nhiều người dù có kinh nghiệm và am hiểu nhưng do ham mua món đồ ý nghĩa với mình cũng rất dễ bị nhầm với hàng giả” – ông Tùng nhận xét.

Chuyện "cũ người mới ta" ở Sài Gòn - 5

Tùy "độ cổ" và nhu cầu của từng người mà mỗi món hàng có mức giá khác nhau

Đa số các loại hàng cũ đều không còn nhãn mác cũng như khó tìm được xuất xứ. Nhiều người chỉ được biết qua lời “quảng cáo” của người bán nên rất dễ lẫn lộn với hàng giả hoặc hàng đã hư hỏng. Riêng những món đồ cổ, “độc”, khách hàng cần phải có sự am hiểu và tìm đến những cửa hàng uy tín để mua, nếu không sẽ dễ bị nhầm do công nghệ “nhái” hiện được làm rất tinh vi.

“Do Tết là lúc thị trường đồ cũ hoạt động náo nhiệt nên người mua cũng dễ dàng tìm được những món đồ “độc”, lạ mà không sợ “đụng hàng” để chơi Tết” – ông Tùng nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Gia Minh (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN