Chuyện bà chủ của 1000 tỷ bị "giằng co"

Dù làm chủ khối tài sản khổng lồ nhưng bà T.K.P. sống giản dị, ky cóp, ăn chay trường và hay làm từ thiện.

Tìm đến căn nhà bà T.K.P (SN 1946, phường Hiệp Tân, quận Tân Phú - TPHCM) từng sinh sống, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi dọc con đường trước căn biệt thự vườn có kiểu dáng cũ kỹ và phía đối diện khu vườn này là nhiều khu đất được xây nhà xưởng để cho thuê hoặc xây sân tennis, cầu lông… đều thuộc sở hữu của bà P.

Đi lên từ gian khó

Chúng tôi tìm gặp bà Đ., người từng theo bà T.K.P làm công cho lò bún hơn 30 năm, cũng là người gắn bó với bà P. lâu nhất so với những người làm công khác. Không vồn vã, với giọng đều đều, bà Đ. kể lại quá khứ của bà chủ T.K.P mà người dân nơi đây thường gọi là cô Năm.

“Năm 1978, cô Năm mở xưởng làm bún gạo khô mang nhãn hiệu Ông Thọ. Đây là nghề do cha mẹ cô truyền lại. Lúc đó, chị dâu cô Năm (quê ở Bến Tre) kêu tôi lên phụ việc. Tôi khăn gói lên TPHCM lúc hơn 15 tuổi và bắt đầu làm cho mẹ cô Năm, sau đó chuyển sang làm cho cô Năm đến năm 2004 thì cô Năm đóng cửa lò bún. Vợ chồng tôi chuyển sang bán trái cây, nước giải khát và vẫn được cho ở nhờ trong căn nhà nhỏ cất gần xưởng”.

Chuyện bà chủ của 1000 tỷ bị "giằng co" - 1

Rất nhiều nhà kho và sân bãi của bà T.K.P đang được cho thuê tại quận Tân Phú - TPHCM. Ảnh: Phạm Dũng

Nói về lò bún, nơi khởi nghiệp của bà T.K.P, bà Đ. vẫn nhớ như in những ngày lao động vất vả của chủ và người làm công nơi đây. Bà Đ. nói lúc mới mở lò, làm bún rất cực, các công đoạn đều làm thủ công, không có máy sấy, phải phơi ngoài sân, bà P. mượn mấy miếng đất gần đó để phơi bún. Lò bún nhỏ, lợp bằng lá dừa, vỏn vẹn mấy chục mét vuông nhưng có mười mấy nhân công. Nhờ hàng bán rẻ nên đi được nhiều tỉnh.

Công việc ăn nên làm ra, sau này anh em bà P. cũng mở thêm lò bún. Bà P. làm ăn khấm khá, sống ky cóp, tiết kiệm, gom góp để dành tiền mua đất. Ban đầu mua một công, hai công rồi ba công… Cứ thế, đất bà mua được ngày càng nhiều, bà kinh doanh đất, từ miếng nhỏ sinh ra miếng lớn.

Thích làm việc thiện

Cũng theo bà Đ., khi lò bún đóng cửa, bà P. bắt đầu xây nhà xưởng cho thuê. Bà P. ăn ở hiền lành, sống giản dị. Bà ăn chay trường, rất kiêng khem, chỉ ăn rau, đậu, tương cà. Bà hay làm từ thiện và là mạnh thường quân lớn của tỉnh Tây Ninh (do mẹ bà quê ở Tây Ninh), bà lại theo đạo Cao Đài nên năm nào cũng gửi tiền về Tây Ninh làm từ thiện.

Ngoài tỉnh Tây Ninh, bà thường gửi tiền đến các tỉnh khác khi được kêu gọi hỗ trợ. “Ở đây, người ta biết đến cô Năm không chỉ bởi cô Năm ăn ở hiền lành, chất phác, sống khiêm tốn mà còn do cô tốt bụng, hay làm từ thiện” - bà Đ. kể lại.

Một số người hàng xóm của bà T.K.P khi được hỏi thăm cũng cho biết bà P. dù giàu có nhưng sống rất giản dị. Vì vậy khi bà mất, nhiều người rất thương tiếc. Trao đổi với chúng tôi, em gái bà P. nói những năm cuối đời, bà P. không kinh doanh, buôn bán gì mà chỉ dành thời gian đi chùa, làm phước, giúp đỡ người nghèo ở các vùng khó khăn. Lãnh đạo phường nơi bà P. sinh sống cũng khẳng định bà thường hay ủng hộ quỹ dưỡng lão, quỹ vì người nghèo hay một số phong trào từ thiện mà phường phát động.

Riêng thông tin khối tài sản khổng lồ (khoảng 1.000 tỉ đồng) bà P. để lại, ông T.V.P (em trai bà P.) cho biết: “Sau khi báo đăng, gia đình có cuộc họp khẩn cấp bàn về những vấn đề liên quan. Theo đó, nếu cháu T.H.H.L (con nuôi bà P.) có ý định hiến tặng toàn bộ số tài sản cho quỹ từ thiện thì dòng tộc sẽ làm cam kết ủng hộ hết mình và không tranh chấp gì.

Ngược lại, gia đình sẽ tiếp tục làm rõ những vấn đề liên quan đồng thời sẽ nhờ tòa can thiệp. Trước tòa, chúng tôi sẽ chứng minh số bất động sản mà chị tôi đang đứng tên có phần hùn hạp của tất cả anh chị em và một phần tài sản không nhỏ của mẹ tôi”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thu Hồng - Phạm Dũng (Người Lao Động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN