'Chúng tôi khắc ghi hình ảnh những chiến sĩ chăm sóc thi hài trong đại dịch'

Sự kiện: Tin tức COVID-19

"Nếu không có phương án xử lý thi hài của Bộ Tư lệnh TP.HCM thì chúng tôi cũng không biết phải làm sao. Chúng tôi khắc ghi, nhớ mãi hình ảnh này” – Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng nói.

Chiều 1-11, Bộ Tư lệnh TP.HCM tổ chức hội nghị sơ kết công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP.

Đến dự có Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi.

Ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM phát biểu tại hội nghị. Ảnh: NGUYỆT NHI

Ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM phát biểu tại hội nghị. Ảnh: NGUYỆT NHI

Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng cho biết chưa bao giờ nhân viên ngành y tế có tình cảm rất đặc biệt với các chiến sĩ lực lượng vũ trang như trong thời gian chống dịch, đặc biệt là các chiến sĩ Bộ Tư lệnh TP.HCM đã gắn bó suốt với ngành y tế từ đầu dịch đến bây giờ.

Ông Thượng nhớ lại cách đây hai năm, khi dịch chưa bùng phát, Sở Y tế đã cùng với Bộ Tư lệnh TP.HCM xây dựng Bệnh viện dã chiến Củ Chi. “Đến giờ này bệnh viện vẫn đang tồn tại và suốt thời gian qua bệnh viện đã phát huy hiệu quả rất tốt”- ông Thượng nói.

Đến đợt bùng phát dịch lần thứ tư, hàng loạt các bệnh viện dã chiến đã được xây dựng. Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho rằng, hình bóng những người chiến sĩ lực lượng vũ trang tham gia vào ban điều hành, ban quản lý, ban giám đốc các bệnh viện dã chiến, cho đến việc các chiến sĩ chăm sóc cho người bệnh COVID-19 đã làm cho ông cùng các nhân viên ngành y tế rất xúc động.

"Tuy nhiên có lẽ xúc động nhất, ấn tượng nhất mà chúng tôi sẽ nhớ mãi là cảnh những người chiến sĩ chăm sóc thi hài. Đó là thời điểm dịch bùng phát dữ dội, chưa bao giờ nhân viên y tế đứng trước cảnh rất nhiều bệnh nhân tử vong trong một bệnh viện mà thi hài chưa kịp xử lý. Anh em y bác sĩ gần như bấn loạn. Nếu không có phương án xử lý thi hài của Bộ Tư lệnh thì chúng tôi cũng không biết phải xử lý tình huống này như thế nào. Chúng tôi khắc ghi, nhớ mãi hình ảnh này” – ông Thượng nói.

Một hình ảnh khác cũng được ông Tăng Chí Thượng nhớ mãi là những chiến sĩ lực lượng quân y chăm sóc F0 tại nhà ở các trạm y tế lưu động. “Đó là hình ảnh rất cảm động, các bác sĩ của lực lượng quân y đã đến từng nhà dân để chăm sóc người bệnh” – ông Thượng nói và cho rằng kết quả của mô hình Trạm y tế lưu động mà lực lượng chính là chiến sĩ quân y đã giúp giảm số ca chuyển nặng, từ đó làm giảm số ca tử vong do COVID-19.

“Hình ảnh của người chiến sĩ tham gia vào công tác chống dịch vừa rồi đã in sâu vào trong lòng người dân và từng nhân viên y tế. Không biết nói gì hơn, chúng tôi xin cảm ơn sâu sắc đến các chiến sĩ quân y, lực lượng vũ trang TP và các lực lượng khác” – ông Thượng nói và mong muốn Bộ Tư lệnh TP tiếp tục hỗ trợ ngành y tế trong giai đoạn mới

Thượng tá Nguyễn Khắc Tuynh, Phó Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh TP.HCM. Ảnh: NGUYỆT NHI

Thượng tá Nguyễn Khắc Tuynh, Phó Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh TP.HCM. Ảnh: NGUYỆT NHI

Thượng tá Nguyễn Khắc Tuynh, Phó Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh TP.HCM, cho biết trong dịch bệnh, Phòng Tham mưu đã phối hợp, bố trí sử dụng lực lượng hợp lý ở nhiều công việc, trong đó có tổ chức đội xử lý thi hài và khu lưu giữ tử thi.

Cụ thể, Bộ Tư lệnh TP.HCM đã bố trí ba điểm để bảo đảm hỗ trợ bệnh viện lớn khi quá tải, gồm: Số 5 Phạm Ngũ Lão (quận Gò Vấp); số 2 Trường Chinh (quận Tân Bình) và Nhà tang lễ TP.HCM tại quận Bình Tân.

Theo ông Tuynh, ba điểm đó giúp tránh tình trạng số người mất phải di chuyển chéo trong TP.HCM, tiện cơ động và tiện xử lý.

Khi người mất do COVID-19 khá cao, ông Tuynh cho biết có thời điểm, ngoài đi hỏa táng cũng còn cỡ hơn 3.000 nằm trong container, Bộ Tư lệnh cũng nhịp nhàng tham mưu, phối hợp với Sở TN&MT để đánh giá, phân tích, đảm bảo đúng phong tục tập quán Việt Nam và vệ sinh môi trường, đúng quy định.

Sở TT&TT, Công viên phần mềm Quang Trung cũng phối hợp để gắn các mã code cho từng bệnh nhân tử vong do COVID-19, đảm bảo thống nhất từ khâu đầu vào đến đầu ra. "Mã code lúc đó như "thẻ bài", giúp công tác xử lý thi hài chặt chẽ, thuận lợi" - ông Tuynh nói.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cùng các lãnh đạo khác dự hội nghị. Ảnh: NGUYỆT NHI

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cùng các lãnh đạo khác dự hội nghị. Ảnh: NGUYỆT NHI

Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh TP.HCM, trong đợt dịch lần thứ tư vừa qua, Bộ Tư lệnh đã phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan chức năng tham mưu thiết lập và phục vụ tại 101 bệnh viện điều trị COVID-19 với quy mô 61.093 giường.

Bộ Tư lệnh TP.HCM đã huy động 36.200 cán bộ, chiến sĩ, dân quân (trong đó có 1.200 cán bộ) tham gia phục vụ tại các trung tâm cách ly, bệnh viện dã chiến, điểm phong tỏa và các chốt kiểm soát dịch.

Cùng đó, Bộ Tư lệnh thiết lập bốn khu vực tiếp nhận thi hài nạn nhân tử vong do COVID-19; lập bốn đại đội, 12 trung đội và 12 tiểu đội trang bị công cụ hỗ trợ, vật chất sẵn sàng xử lý tình huống gây mất an ninh trật tự, an toàn các khu cách ly, bệnh viện điều trị. Phối hợp với công an và các lực lượng thiết lập 263 chốt trên địa bàn TP.HCM, 310 tổ tuần tra nhằm kiểm soát dịch và giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

Bộ Tư lệnh TP.HCM cũng đã đưa 1.495 người cách ly trở về địa phương. Kịp thời phối hợp với các sở ban ngành, đoàn thể, MTTQ và các lực lượng có liên quan tổ chức đưa người dân đang tạm trú, sinh sống trên địa bàn TP về lại quê nhà tại các tỉnh, thành trong cả nước.

Bộ đội hỗ trợ học sinh ở Bình Thạnh, TP.HCM học online trong đợt dịch vừa qua. Ảnh: NGUYỆT NHI

Bộ đội hỗ trợ học sinh ở Bình Thạnh, TP.HCM học online trong đợt dịch vừa qua. Ảnh: NGUYỆT NHI

Bộ Tư lệnh TP.HCM cũng tổ chức tiếp nhận, cấp phát trên 1.93 triệu túi an sinh, trên 283.000 túi thuốc điều trị F0 tại nhà, các đơn vị đã hỗ trợ bốc xếp, tiếp nhận trên 15.636 tấn lương thực thực phẩm, cấp phát trên 2.047.230 túi an sinh, hỗ trợ giao trên 277.140 đơn hàng.

Ngoài ra còn tổ chức lễ xuất quân thực hiện chiến dịch cao điểm giúp nhân dân có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 (đã trao tăng 100.000 phân quà, trị giá 30 tỉ đồng) và tổ chức lễ xuất quân trao tặng 100.000 phần quà của Bộ Quốc phòng hỗ trợ nhân dân TP.HCM có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch.

Phối hợp lắp đặt gần 2.000 camera cho các khu cách ly tập trung, các bệnh viên đã chiến điều trị COVID-19 đưa hình ảnh camera về Ban chỉ đạo Quốc gia và Sở Chỉ huy của UBND TP về phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Sử dụng 12 xe tải của Bộ Tư lệnh TP và hai xe của Thanh niên xung phong tham gia vận chuyển, lắp đặt bình oxy cho các bệnh viện trên địa bàn TP với số lượng 2.414 tấn trong tổng số 24.187 bình oxy các loại.

Xuất hiện nhiều F0 trong cộng đồng, Hà Nội nâng cấp độ dịch từ xanh lên vàng

Sau khi ghi nhận hàng loạt ca mắc COVID-19 cộng đồng thời gian gần đây, Hà Nội chuyển từ cấp độ 1 (màu xanh), lên cấp...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tá Lâm ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN