Chu Vĩnh Khang: Sự sụp đổ của một ông trùm

Từ một kỹ sư dầu khí, Chu Vĩnh Khang dần leo lên những vị trí đầy quyền lực.

Chu Vĩnh Khang là một trong những người đàn ông quyền lực nhất Trung Quốc, người đã xây dựng một mạng lưới bao trùm các lĩnh vực dầu khí, khai mỏ và an ninh của đất nước đông dân nhất thế giới, đồng thời tạo được những “căn cứ địa” vững chắc ở địa phương.

Một cuộc điều tra quy mô lớn được ráo riết thực hiện từ năm ngoái đến nay đã tóm gọn nhiều quan chức và doanh nhân liên quan đến Chu Vĩnh Khang và gia tộc họ Chu, góp phần làm sáng tỏ con đường sụp đổ của ông trùm an ninh Trung Quốc này.

Năm 1967, Chu Vĩnh Khang mới chỉ là một kỹ sư dầu khí trẻ tuổi tại mỏ dầu Đại Khánh thuộc tỉnh Hắc Long Giang xa xôi, giáp với vùng Siberia lạnh giá. Đây cũng chính là thời kỳ mà ngọn lửa khủng khiếp của cuộc cách mạng văn hóa dần tàn lụi, và một nhóm sĩ quan quân đội thân cận với nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình đã quyết tâm phát triển ngành công nghiệp dầu khí để ổn định kinh tế đất nước, thu hút nguồn ngoại tệ từ bên ngoài.

Chu Vĩnh Khang: Sự sụp đổ của một ông trùm - 1

Chu Vĩnh Khang từng là một trong những người quyền lực nhất Trung Quốc

Cơ hội đến một cách bất ngờ, nhiều kỹ sư trẻ tuổi như Chu Vĩnh Khang nhanh chóng rời bỏ những mỏ dầu xa xôi để nắm giữ các vị trí chủ chốt trong Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC), một công ty độc quyền trong lĩnh vực khai thác dầu khí, mang lại nguồn lợi nhuận khổng lồ và vô số những hợp đồng béo bở.

Trong suốt sự nghiệp của mình, Chu Vĩnh Khang đã góp phần phát triển nhiều mỏ dầu lớn của Trung Quốc như Đại Khánh, Liaohe, Shengli  và những mỏ khí đốt khổng lồ ở Tarim và Tứ Xuyên.

Sau khi trở thành người đứng đầu CNPC, Chu Vĩnh Khang bắt đầu củng cố và mở rộng quyền lực kinh tế của mình. Chị dâu và cháu của ông Chu hợp tác với CNPC độc quyền phân phối khí đốt tại quê nhà Wuxi ở Tứ Xuyên, Tân Cương, Nội Mông và Thiên Tân.

Con trai cả Chu Bân của Chu Vĩnh Khang là nhà thầu duy nhất cung cấp thiết bị cho CNPC để khai thác dầu ở Iraq. Chu Bân cũng thành lập hẳn một công ty chuyên cung cấp các dịch vụ công nghệ thông tin cho các trạm khai thác của CNPC.

Ít nhất 6 quan chức cấp cao trong Tập đoàn Dầu khí Quốc gia, trong đó có ông Jiang Jiemin, cựu Tổng giám đốc CNPC, đã bị cơ quan điều tra bắt giữ kể từ tháng 8/2013. Ngoài ra, ít nhất 5 doanh nhân thuộc các công ty tư nhân có liên quan đến lĩnh vực dầu khí cũng đã bị bắt để điều tra liên quan đến cáo buộc tham nhũng của Chu Vĩnh Khang.

Ngoài lĩnh vực kinh tế, sự nghiệp chính trị của Chu Vĩnh Khang cũng gặp rất nhiều thuận lợi và “lên như diều gặp gió”. Vị trí chính trị đầu tiên của Chu là chức danh thị trưởng hoặc bí thư đảng ủy tại các thành phố có các giếng dầu, chẳng hạn như Bàn Cẩm ở Liêu Ninh hay Đông Dinh ở Sơn Đông vào đầu những năm 1990.

Trong thời gian này, Chu Vĩnh Khang trở thành bạn và là đồng minh thân cận của “thái tử đỏ” Bạc Hy Lai, một ngôi sao đang lên trên chính trường Trung Quốc trên cương vị là Thị trưởng Đại Liên vào năm 1993.

Chu Vĩnh Khang: Sự sụp đổ của một ông trùm - 2

Chu Vĩnh Khang và Bạc Hy Lai

Chu Vĩnh Khang trở thành Bộ trưởng Đất đai và Tài nguyên vào năm 1998-1999, thời kỳ bộ này được kiểm soát toàn bộ giấy phép khai mỏ và sử dụng đất của Trung Quốc. Sau đó ông này trở thành bí thư tỉnh ủy Tứ Xuyên.

Đến năm 2002, Chu Vĩnh Khang vào được Bộ Chính trị, cơ quan quyền lực cao nhất ở Trung Quốc, và đến năm 2007, Chu là một trong 9 ủy viên thường trực Bộ Chính trị đầy quyền lực. Trong thời gian này, Chu Vĩnh Khang được giao phụ trách lĩnh vực tòa án, cảnh sát và an ninh nội địa của Trung Quốc.

Trong giai đoạn 2002-2007, Chu Vĩnh Khang là Bộ trưởng Công an Trung Quốc, và trong 5 năm tiếp theo, ông này giữ chức Chủ tịch Ủy ban Pháp luật và Chính trị Trung Quốc, cơ quan đầy quyền lực chịu trách nhiệm giám sát toàn bộ lực lượng hành pháp và tòa án của nước này.

Trong thời gian Chu Vĩnh Khang giữ vị trí “ông trùm an ninh”, ngân sách dành cho lĩnh vực an ninh nội địa của Trung Quốc có lúc đã vượt quá cả ngân sách quốc phòng.

Trong thời gian này, với tư cách là Bộ trưởng Công an, Chu Vĩnh Khang đã hỗ trợ đắc lực cho chiến dịch “đả hắc” lẫy lừng của Bạc Hy Lai nhắm vào các băng đảng tội phạm và làm chấn động giới kinh doanh tư nhân ở Trùng Khánh. Chu Vĩnh Khang cũng là người cổ vũ nhiệt thành cho phong trào hát “hồng ca” do Bạc Hy Lai khởi xướng đề cao các ca khúc cách mạng.

Chu Vĩnh Khang: Sự sụp đổ của một ông trùm - 3

Chu Vĩnh Khang khi còn là Bộ trưởng Công an Trung Quốc

Tuy nhiên, chính mối quan hệ đồng minh thân thiết này đã hủy hoại sự nghiệp của Chu sau khi Bạc Hy Lai bất ngờ bị “ngã ngựa” vào tháng 3/2012. Đây cũng là thời gian Chu Vĩnh Khang phải nghỉ hưu, và ảnh hưởng của ông này dần dần bị loại trừ.

Cuộc điều tra chống tham nhũng nhắm vào Chu Vĩnh Khang bắt đầu từ các quan chức trung cấp và các doanh nhân giàu có, những người có quan hệ đồng minh với Chu và con trai. Hầu như tất cả những quan chức và doanh nhân bị bắt trong cuộc điều tra này đều chỉ quan hệ với ông Chu mà không hề liên quan đến các lãnh đạo khác.

Chỉ riêng ở tỉnh Sơn Tây, cảnh sát Trung Quốc đã điều tra 11.879 người có liên quan đến các hoạt động phi pháp của Chu Vĩnh Khang, và dự kiến mẻ lưới lần này sẽ “hốt gọn” nhiều nhân vật có liên quan khác.

Dấu hiệu rõ ràng nhất về sự sụp đổ của Chu Vĩnh Khang xảy ra vào đầu tháng Ba năm nay, khi người phát ngôn Chính hiệp Trung Quốc đưa ra một lời ám chỉ: “Việc chúng tôi điều tra và trừng phạt nghiêm khắc các đảng viên và cán bộ, kể cả các quan chức cấp cao, chứng tỏ chúng tôi không nói suông. Tôi chỉ có thể nói được như thế thôi. Các bạn biết ý tôi là gì rồi.”

Trong này hôm sau, khi được đề nghị giải thích rõ hơn, người này chỉ nói một cách đơn giản: “Nếu các bạn không hiểu được ý của tôi thì tôi cũng không thể giúp được gì.”

Một nguồn tin thân cận với giới lãnh đạo Trung Quốc cho biết ông Chu đã từ chối hợp tác với các điều tra viên và khăng khăng cho rằng ông ta là nạn nhân của một vụ đấu đá quyền lực. Nguồn tin này cho biết: “Chu Vĩnh Khang rất cứng rắn và cho rằng đây là một vụ đấu đá chính trị.”

Nhiều thông tin cho hay nhà chức trách Trung Quốc đã tịch thu toàn bộ tài sản trị giá tới 90 tỉ tệ (14,5 tỉ USD) của gia tộc Chu Vĩnh Khang, cựu Bộ trưởng Công an Trung Quốc, đồng thời bắt giữ, thẩm vấn hơn 300 họ hàng, đồng minh, tay chân và nhân viên của cựu “trùm an ninh” khét tiếng này.

Giá trị của số tài sản bị tịch thu và quy mô số nghi phạm xung quanh Chu Vĩnh Khang bị bắt giữ, thẩm vấn trong cuộc điều tra này dường như chứng tỏ rằng chiến dịch “đả hổ” chống tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận Bình đã bắt đầu động tới cấp cao nhất.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Dũng (Theo FinancialTimes) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN