Chủ tịch Trường Sa mừng con thoát hiểm
Những ngày qua, đôi vai vị chủ tịch vùng biển đảo thân yêu của tổ quốc như oằn đi vì vợ con anh đang lâm cảnh hiểm nghèo. Ca phẫu thuật cho con trai anh thành công hôm 31/7 giúp nụ cười trở lại trên gương mặt người đứng đầu huyện đảo Trường Sa.
Thở phào nhẹ nhõm
Chúng tôi gặp vợ chồng anh Nguyễn Viết Thuân-chủ tịch huyện đảo Trường Sa lúc 2h30 chiều 31/7, trong lúc PGS-TS Phạm Thọ Tuấn Anh cùng êkíp mổ khoa Hồi sức phẫu thuật tim thuộc bệnh viện Chợ Rẫy đang giới thiệu sự thành công của ca phẫu thuật với anh em báo chí. Anh Thuân và chị Huyền - vợ anh, chăm chú lắng nghe các chuyên gia thuật lại tiến trình ca mổ. Nguyễn Viết Khuê - con trai anh Thuân, bị khối u quái xâm chiếm lồng ngực đã khá lâu và bộc phát nguy hại đến tính mạng ngay khi thi đại học vừa xong. Các chuyên gia nói khối u đã quá lớn, chèn ép cả tim lẫn phổi nên không lấy ra kịp thời sẽ rất hiểm nghèo. Nhìn hình ảnh khối u trrong lồng ngực con trai được các chuyên gia bóc tách thành công, cho lên bàn cân nặng gần 1,5kg, anh Thuân và chị Huyền thở phào nhẹ nhõm.
Con trai chủ tịch Trường Sa đang nhanh chóng hồi phục.
Khuê vẫn đang nằm trong phòng hồi sức, dự kiến 7/10 ngày sau có thể xuất viện. Các chuyên gia nói Khuê cần tiếp tục xạ trị để tiêu diệt hết các tế bào gây u tránh nguy cơ tái phát. Ngay khi được phép vào thăm và chụp hình Khuê-người vừa nhận được tin đã trở thành tân sinh viên trường đại học Tôn Đức Thắng một ngày trước khi mổ, chúng tôi thấy anh chị Thuân vội theo chân anh em báo chí vào phòng hồi sức thăm-ngắm con trai. Người thăm chỉ được đứng bên ngoài nhìn vào qua tấm kính, vợ chồng anh Thuân khẽ cười. Con trai chủ tịch huyện đảo Trường Sa đang nằm thở đều và được chuyên gia hồi sức săn sóc đặc biệt. Sau buổi gặp đó, không ít anh em báo chí muốn vợ chồng anh Thuân chia sẻ cảm tưởng nhưng anh lại vội đưa vợ đi bệnh viện ung bướu xem xét điều trị đợt 2 căn bệnh ung thư, chúng tôi chỉ kịp nhận từ anh Thuân số điện thoại và lời nói khẽ “có gì gặp sau nghen, anh vội quá”.
Hai vai nhiều gánh
8h30 tối cùng ngày, chúng tôi gặp anh để cùng chung niềm vui Khuê thoát cơn hiểm nghèo để đón tương lai tươi sáng trong những ngày tới. Đi cùng chủ tịch huyện đảo Trường Sa còn có anh Thành là anh cả của anh Thuân vừa từ Thái Bình bay vào thăm cháu. Hóa ra gốc gác của anh tận Vũ Thư-Thái Bình, vì vậy cuộc trò chuyện như thoải mái hơn bởi chúng tôi cũng có chút liên đới về tình đồng hương ở Vũ Thư. Bên ly cà phê, anh Thuân kể chúng tôi nghe chuyện “họa vô đơn chí” thình lình đổ ập xuống gia đình anh. “Vợ mình đã phát hiện căn bệnh ung thư gần 9 tháng nay rồi, lần lữa mãi gần đây mới xuống bệnh viện Ung bướu TPHCM làm hóa trị. Hôm đó mình đưa vợ xuống hóa trị đợt 1, còn con trai thì thi đại học. Xong việc này về được ít hôm thì Khuê thấy mệt, đi khám tổng quát thì phát hiện có khối u bất thường nên hai mẹ con lại mua vé tàu vào TPHCM, một mặt để tìm chỗ điều trị cho Khuê, một mặt thì tiếp tục hóa trị cho vợ. Còn mình thì lo đi báo cáo hoàn cảnh gia đình với cơ quan để xin phép, rồi thu xếp việc nhà cho con gái xong thì vào TPHCM ngay lập tức”-kể đến đây anh Thuân thở hắt.
Vợ chồng anh Thuân vui mừng thấy con thoát hiểm.
Lo việc biển đảo rồi lo việc gia đình, hai vai anh Thuân chất chứa nhiều gánh nặng gương mặc hốc hác, nhưng nhắc đến việc này anh lại cười: “Đời mình gặp nhiều người nên có đến gần 2.000 số điện thoại. Bới mãi mới nhớ ở bệnh viện Chợ Rẫy có bác sĩ Thắng từng ra Trường Sa giao lưu với anh em, còn dặn mình có hữu sự thì ới ới anh em. Gặp được bác sĩ Thắng mình mừng lắm, vì có người tư vấn về chuyên môn để đỡ mất thời gian. Sau đó mình lại được gặp bác sĩ Vĩnh là trưởng khoa Lồng ngực bệnh viện Chợ Rẫy. Bác sĩ Vĩnh lại là từng là lính đảo nên có chỗ chia sẻ hết lòng. Sau đó, mình được giới thiệu gặp giáo sư Tuấn Anh. Ban đầu định phẫu thuật ở khoa Lồng ngực nhưng sau quá trình hội chẩn, các bác sĩ quyết định mổ ở khoa Hồi sức phẫu thuật tim vì khối u chèn rất gần tim. Nói thật, những ngày trước khi ca mổ diễn ra, vợ chồng mình và gia đình nội ngoại hai bên lo đến ốm cả người, có điều mình phải giữ bình tĩnh để trấn an vợ và con. Trước khi ca mổ diễn ra và ngay sau khi ca mổ kết thúc không lâu, mình nhận được rất nhiều tin nhắn, cuộc gọi từ nhiều người chưa hề quen biết thăm hỏi và động viên. Điều này khiến mình vừa thấy bất ngờ vừa thấy rất vui”
Ở Trường Sa nhiều hơn đất liền
Đời anh Thuân gắn bó với đảo Trường Sa từ trước khi cưới vợ. Anh Thuân cưới chị Huyền ngay khi chị vừa mới tốt nghiệp ngành dược ở trường Đại học Y Dược TPHCM. Hai người có với nhau hai mặt con. Trong khi anh Thuân thì biền biệt ở đảo nên chị Huyền phải vất vả chăm con trong đất liền. Thời gian đó về quê Khánh Hòa chị Huyền không có việc làm đúng chuyên môn nên chị phải làm trái nghề ở nhà máy thuốc lá Khánh Hòa, nhiều năm sau đó chị mới có việc đúng chuyên ngành của mình. Hiện chị Huyền đã có học vị thạc sĩ ngành dược và là giảng viên Trường Cao đẳng Y tế Khánh Hòa.
Nhiệm vụ với biển đảo khiến anh Thuân ít có thời gian gần gũi các con, bởi vậy anh chỉ cười cười hiền lành khi nói với chúng tôi “Khuê chỉ muốn mẹ chở đi thi đại học, còn mình chỉ được nhận nhiệm vụ đi tiền trạm tìm địa chỉ trường mà thôi”. Vai trò đứng đầu đơn vị hành chính huyện đảo Trường Sa, một trong những tiền đồn của đất nước khiến công việc cứ xoắn lấy anh. “Ở đời mất cái này lại được cái khác, việc ở đảo khiến mình chăm sóc gia đình chưa chu đáo như ý nguyện nhưng khi hữu sự thì việc ở đảo cũng khiến gia đình mình nhận được rất nhiều sự quan tâm của các cấp, các ngành, các giới, đặc biệt là rất nhiều người quen biết có, lạ lẫm có, đã chia sẻ với gia đình mình suốt thời gian qua, mình và gia đình rất trân trọng những tìm cảm quý giá ấy…”-chủ tịch huyện đảo Trường Sa chia sẻ.
Trong 3 ngày tới, chị Huyền vợ anh Thuân sẽ tiếp tục hóa trị đợt 2 tại bệnh viện Ung bướu TPHCM. Anh Thuân nói lẽ ra chị phải làm sớm hơn nhưng tập trung lo cho Khuê chị phải gác lại. Sau đợt hóa trị đầu tiên, sức khỏe chị Huyền đã có nhiều tiến triển. Hy vọng sự hồi phục nhanh chóng của Khuê sẽ gia tăng động lực sống vui, sống khỏe của chị Huyền trong những ngày tới.