Chiến địa vàng: Phía sau tấm bình phong
Thật khó mà kể xiết tỉnh Kon Tum có bao nhiêu bãi vàng. Không chỉ người dân bỏ nhà cửa, ruộng rẫy đi đãi vàng mà ngay cả doanh nghiệp cũng lợi dụng những “đặc quyền” được “ban” để đào vàng...
Làm điện hay đào vàng?
Công trình Thủy điện Đăk Brỏi (tại suối Đăk Brỏi, thôn Nú Vai, xã Đăk Kroong, huyện Đăk Glei, do Công ty TNHH Phúc Kim Tâm (Phúc Kim Tâm- trụ sở tại TP. Kon Tum làm chủ đầu tư), gần 3 năm qua, việc thi công giẫm chân tại chỗ. Còn bà chủ dự án này, trong những năm qua đã viết hàng chục báo cáo về tình trạng khai thác vàng trái phép trên đất dự án.
Trong các báo cáo, Phúc Kim Tâm luôn tỏ ra rất “đau đầu”, song lực bất tòng tâm trước nạn vàng tặc hoành hành trên đất dự án nên nhờ cơ quan chức năng can thiệp. Tuy nhiên, giới làm vàng lại cho rằng đó là “động tác giả” của Phúc Kim Tâm.
Theo những người này, với danh nghĩa là chủ đầu tư cùng với tờ giấy “xin tận thu vàng” (chưa được cơ quan chức năng đồng ý), bà chủ Phúc Kim Tâm đã lừa hàng chục người vào đất dự án để đào đãi vàng. Trên giấy tờ thì Phúc Kim Tâm hợp đồng với họ để thi công dự án, còn “hợp đồng miệng” thì vào đãi vàng. Tuy nhiên, hầu hết những người đã “hợp đồng thi công” với Phúc Kim Tâm đều cay đắng: “Bà ta lừa lấy tiền rồi nhờ chính quyền đuổi ra”.
Lực lượng chức năng thu dọn các điểm khai thác vàng ở Kon Tum
Một trong số họ thổ lộ: “Bà ta bảo đưa trước 405 triệu đồng rồi cho vào làm vàng. Số vàng kiếm được sẽ chia theo tỷ lệ 3-7 (Phúc Kim Tâm 3 phần- PV). Tuy nhiên, ngay sau khi tôi mang máy móc vào, bà ta lại báo cáo với xã, huyện đuổi ra, với lý do “khai thác vàng trái phép”.
Cũng theo người này, không chỉ mình ông mà hàng loạt “đại ca” làm vàng ở Kon Tum, Gia Lai cũng “dính chưởng” của Phúc Kim Tâm. Tất cả họ đều đã mất hàng trăm triệu đồng nhưng phải “ngậm đắng nuốt cay” mà không dám tố cáo vì sợ không lấy lại được tiền…
Mãi cho đến ngày 26/4/2012 thì “chân tướng” của Phúc Kim Tâm mới lộ ra. Một báo cáo về việc truy quét vàng tặc của cơ quan chức năng huyện Đăk Glei cho biết:
“Tại Đăk Brỏi thuộc thôn Nú Vai, đã tiến hành lập biên bản cam kết đối với 3 tổ máy, trong đó 1 tổ máy vắng chủ gồm: 1 lán trại, 2 máy đào (UBND xã cho biết chủ máy là ông Trần Xuân Xiêm ); 2 tổ máy của Công ty cổ phần Phúc Kim Tâm. Trong đó tổ thứ nhất do ông Ngô Văn Tú làm tổ trưởng gồm: 1 lán trại, 4 người, 1 máng xổ bằng sắt, 2 máy đào; tổ thứ hai do ông Nguyễn Thành Trung làm tổ trưởng gồm: 1 lán trại, 10 người, 1 máy đào, 3 máng xổ bằng sắt, 4 máy nổ hiệu Đông Phong”.
Doanh nghiệp ở đâu, vàng tặc theo đó
Nạn khai thác vàng trái phép ở Kon Tum thực ra không phải đến bây giờ mới có. Nhưng nó thực sự trở thành vấn nạn khi tỉnh này cấp 5 giấy phép cho các doanh nghiệp khai thác vàng. Cơ sở của nhận định trên có thể thấy qua các báo cáo của các huyện.
Những “điểm nóng” xuất hiện cụ thể là: Huyện Đăk Glei có ở các xã Đăk Pét, Đăk Blô, Đăk Kroong, Đăk Long, Đăk Môn; huyện Ngọc Hồi với các xã Đăk Dục, Đăk Nông, Đăk Ang và thị trấn Plei Kần; huyện Đăk Tô là Ngọc Tụ và xã Tân Cảnh… Tất cả những “điểm nóng” này đều là nơi các doanh nghiệp được cấp phép khai thác.
Tại Đăk Pét, có thời điểm số người đổ xuống sông đãi vàng không thể đếm xuể. Cùng với người dân, Công Ty TNHH Kim Sơn Thủy, đơn vị được cấp phép khai thác vàng tại đây, đã tận dụng tối đa “quyền” của mình, ngày đêm khơi sông lấy vàng. Bất chấp những quy định về bảo vệ môi trường, Kim Sơn Thủy đã khiến cho con sông này thay đổi dòng chảy, gây sạt lở nghiêm trọng, buộc UBND tỉnh phải rút giấy phép, ra quyết định xử phạt…
Chỉ tính từ đầu năm đến nay, tại các vùng cấp phép cho các doanh nghiệp, cơ quan chức năng đã phải thành lập hàng chục đoàn truy quét, tịch thu hàng ngàn máy móc, thiết bị khai thác vàng, xử lý hàng trăm đối tượng khai thác vàng trái phép. Tại nhiều nơi, các đoàn liên ngành phải “dọn” nhiều lần tình hình mới dịu xuống. Dù vậy, các cơ quan chức năng vẫn phải “túc trực” vì không biết vàng tặc sẽ quay lại vào lúc nào.
Tuy nhiên, khi việc xử lý ở Đăk Pét vẫn chưa xong thì các địa phương khác lại “nóng”. Đến lúc này, UBND tỉnh Kon Tum buộc phải ra Thông báo số 50, tạm đình chỉ tất cả các giấy phép khai thác vàng đã cấp. Nhưng động thái này vẫn chưa thể làm dịu cái “nóng”.
Chỉ sau 2 ngày ra Thông báo số 50, ngày 29/3/2012, UBND tỉnh Kon Tum lại tiếp tục ra Công văn số 484 về việc thực hiện thông báo này. Theo đó, tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên - Môi trường, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, UBND các huyện Đăk Glei, Ngọc Hồi, Đăk Tô “thường xuyên kiểm tra, giám sát việc chấp hành của các doanh nghiệp”; phải cập nhật liên tục và có báo cáo diễn biến, gửi về tỉnh 3 lần/tuần.
Đồng thời để tránh tình trạng bao che, tỉnh yêu cầu mỗi đơn vị phải có báo cáo độc lập. Dù vậy nhưng gần một tháng sau, trong báo cáo gửi tỉnh, UBND huyện Ngọc Hồi vẫn “than” rằng doanh nghiệp lợi dụng đêm tối để tiếp tục khai thác vàng...