Chàng trai trẻ suốt 4 năm ngồi bên mộ vợ
Biết người yêu mình mang căn bệnh hiểm nghèo và sống không còn được bao lâu nữa nhưng anh vẫn quyết tâm lấy cô về làm vợ. Lương duyên vợ chồng chốn nhân gian chỉ kéo dài được ba ngày thì người vợ vĩnh viễn ra đi, để lại cho anh một nỗi đau quá lớn. Đến bây giờ, đã gần 4 năm trôi qua nhưng tình cảm của anh dành cho người vợ vẫn không hề phai nhạt.
Suốt khoảng thời gian từ khi vợ mất, cứ chiều tối, người dân trong vùng lại thấy anh đến bên mộ vợ, một mình tự sự những kỷ niệm ngọt ngào thuở xưa. Đó chính là chuyện cảm động nhưng không kém phần cay đắng của anh Nguyễn Duy Bảo Châu (1983, ngụ thôn Tiên Nộn, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế).
Tình yêu sâu đậm
Về thôn Tiên Nộn hỏi thăm nhà anh Bảo Châu, người dân nơi đây hầu như không ai không biết. Ở vùng quê nghèo này, mọi người luôn nhắc đến anh như một biểu tượng về tình yêu chung thủy khi chứng kiến những gì anh dành cho người vợ đã qua đời 4 năm nay. “Từ trước đến giờ, tôi chưa chứng kiến người nào chung tình như cậu Châu cả. Chừng ấy năm vợ mất, tuổi đời lại còn quá trẻ, nếu như người khác thì chắc đã tìm cho mình bến đậu mới lâu rồi. Nhưng cậu Châu, ngày nào cũng vậy, bất kể trời mưa hay nắng, đều một mình ra bên mộ cô Hồng để trò chuyện. Đặc biệt là thời gian đầu cô Hồng mới qua đời, nhiều hôm cậu ấy ngồi đó cả buổi, ai đến gọi cũng dứt khoát không về. Dạo ấy, nhìn Châu suy sụp quá, thân hình xanh xao tiều tụy, mọi người ai cũng thấy xót thương”, chị Nguyễn Thị Lan (người thôn Tiên Nộn) kể.
Anh Nguyễn Duy Bảo Châu
Tìm đến nhà anh Châu, căn nhà nhỏ bây giờ chỉ còn hai mẹ con anh nương tựa vào nhau sống qua ngày. Bố và các anh em khác của Châu từ ngày anh một mực cãi lời, quyết định cưới người con gái bị mắc bệnh nan y về làm vợ đã từ mặt hai mẹ con.
Tận cùng đau đớn Khoảnh khắc được bác sĩ thông báo bệnh tình của người yêu, anh Châu phải cố bình tĩnh để có thể ra vào chăm sóc chị Hồng như bình thường. “Mỗi lần từ giường bệnh bước ra, tôi lại trào nước mắt. Nhưng khi bước vào phòng, tôi lại phải gượng cười tươi vì không thể để Hồng biết về tình trạng của mình. Với tình trạng bệnh như bác sĩ đề cập, thì cô ấy không còn sống được bao lâu nữa. Tôi chỉ muốn Hồng được sống thanh thản nốt những ngày tháng còn lại. Ngay cả hai bên gia đình tôi cũng không nói cho ai biết cả. Tôi sợ họ không giữ được bình tĩnh mà nói cho cô ấy”, anh Châu nghẹn giọng nhớ lại. |
Tại đây, bà Nguyễn Thị Thiệp (mẹ anh Châu - PV) chia sẻ: “Khổ lắm chú à! Chỉ vì thằng Châu không thể quên được con Hồng mà đến tận bây giờ, gia đình tôi vẫn chưa thể hòa thuận bình thường như trước được. Ông nhà tôi bảo, nếu như Châu chịu quên người vợ đã khuất để đi tìm hạnh phúc mới thì ông ấy và các anh nó mới nghĩ lại. Mấy lần nhỏ to tâm sự, tôi cũng khuyên lơn Châu hết lời, mong nó dứt mối tơ tình cũ. Nhưng lần nào, nó cũng gạt phăng đi. Nhiều lần, bức xúc quá, nó còn dọa sẽ ra mộ cái Hồng ở hẳn không về nhà nữa. Nghe thế, tôi cũng đành nín thinh”. Hỏi về chuyện anh Châu ngày nào cũng ra mộ vợ ngồi tâm sự suốt 4 năm, bà Thiệp đắng giọng tâm sự: “Hầu như chẳng ngày nào thằng Châu không ra ngoài đó. Bữa nay chú đến, nó cũng vừa về đó. Chứ cách đây hai hôm, nó ngồi ngoài đó suốt cả ngày, tôi gọi sao cũng nhất quyết không về. Nhiều hôm đã hơn 11h đêm, ngoài trời thì gió rét thấu xương, vậy mà nó cũng chẳng buồn về, cứ ngồi mãi bên mộ vợ”.
Ngồi một bên nghe cuộc trò chuyện, đến lúc này anh Châu mới chịu cất lời: “Nhiều người thấy tôi tối ngày ra mộ vợ thì lấy làm lạ. Họ không hiểu được tình cảm của tôi. Mỗi ngày không ra đó nói chuyện với cô ấy, tôi lại thấy lòng mình trống trải. Ngày xưa, lúc Hồng còn sống, ngày nào chúng tôi cũng tâm sự cùng nhau. Cô ấy mất đi, nằm cô quạnh một mình ngoài cánh đồng hoang lạnh, tôi thấy không chịu được. Tôi sợ Hồng cô đơn nên ra đó ôn lại kỷ niệm xưa hoặc kể chuyện hàng ngày cho vợ bớt tủi thân”. Đôi mắt đỏ hoe vì xúc động, anh Châu giãi bày: “Trong lòng tôi vẫn còn yêu thương Hồng rất nhiều. Kể từ ngày cô ấy mất, nhiều người con gái khác đã tìm đến chia sẻ nhưng trái tim tôi vẫn chưa thể đón nhận. Những lúc ngồi cạnh một người con gái khác, tôi lại cảm thấy có lỗi với cô ấy. Trái tim tôi bây giờ dường như đã chai sạn với tất cả. Mặc cho mọi người nghĩ gì, tôi cũng không để ý. Vợ tôi mất rồi nhưng tình cảm tôi dành cho cô ấy không gì thay đổi được”.
Mối tình cay đắng
Kể về câu chuyện tình yêu của mình, anh Châu chia sẻ: “Tôi và cô ấy quen nhau từ thời còn học phổ thông. Lúc đó, tôi đi học ở dưới huyện còn Hồng thì học ở trường làng gần nhà tôi. Lần đầu chúng tôi gặp mặt là khi tôi và nhóm bạn trong làng đi chơi. Chỉ mới gặp nhau lần đầu tiên nhưng tôi đã thấy có một tình cảm rất đặc biệt. Qua một thời gian hẹn hò rồi tìm hiểu, cả hai đã phải lòng nhau lúc nào không hay. Sau khi tốt nghiệp trung học, tôi thi đậu vào trường Cao đẳng Sư phạm Huế, còn cô ấy cũng trúng tuyển vào Khoa Du lịch – Đại học Huế”.
Chiều nào anh Châu cũng ra mộ tâm sự cùng người vợ quá cố
Trong thời gian học ở Huế, tình cảm của hai người được vun đắp dần. Cả anh Châu và chị Hồng đều hy vọng sau ngày tốt nghiệp ra trường sẽ tổ chức một đám cưới và xây dựng một cuộc sống hạnh phúc. Ngày cùng tốt nghiệp ra trường, anh Châu nhanh chóng xin được công việc tại thành phố Huế. Chị Hồng, nhờ người quen biết, cũng tìm được một chỗ làm sát nơi công tác của người yêu. Dù tiền bạc kiếm được trong những ngày khởi nghiệp chẳng lấy gì làm dư dả, họ vẫn thấy ngập tràn hạnh phúc nhờ luôn được ở cạnh bên nhau.
Nhưng niềm vui chưa kéo dài được bao lâu thì bi kịch bất ngờ ập đến. Một ngày trong lúc làm việc, chị Hồng bỗng dưng ngất lịm và được các đồng nghiệp đưa đi cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán chị Hồng bị nhược cơ, một căn bệnh nan y cực kỳ hiếm gặp. Anh Châu nhớ lại: “Lúc làm xong các xét nghiệm cho Hồng, bác sĩ bảo loại bệnh này cả triệu người có khi chỉ một người mắc phải. Y học hiện đại dù đã tiến bộ cũng chưa tìm ra cách nào cứu chữa được. Lời bác sĩ chẳng khác nào “sét đánh ngang tai”, khiến tôi như đổ sụp. Bao ước mơ hạnh phúc, bao hy vọng về tương lai tốt đẹp mà hai đứa đang chung tay xây dựng thế là tan thành mây khói”.
Suốt gần hai tháng sau đó, không có ngày nào anh không có mặt ở bệnh viện. Để có tiền trang trải viện phí cho người yêu, anh quần quật làm thêm đủ mọi việc rồi vay mượn khắp nơi. Đến lúc sức khỏe chị Hồng đã quá yếu, bác sĩ phải gọi riêng anh ra đề nghị nên cho người yêu xuất viện. Nghe xong những lời ấy, đầu óc anh Châu như muốn vỡ tung. Nhìn chị Hồng ngày càng héo mòn trên giường bệnh, không một chút do dự, anh quyết định về nhà xin phép gia đình tổ chức hôn lễ. Đến thời điểm này, anh không thể tiếp tục giấu mọi người về bệnh tình của chị. Nhưng khi nghe toàn bộ sự thật, từ cha mẹ cho đến các anh em trong gia đình, không một ai chấp nhận để chàng trai si tình tổ chức hôn lễ. Ngay trong cuộc họp gia đình căng thẳng, cha anh thậm chí còn đứng lên nói thẳng sẽ từ mặt anh, xem anh không phải là đứa con trong nhà.
Nhưng mặc cho người thân ra sức ngăn cấm, anh vẫn một mực giữ nguyên ý định của mình, quyết tâm cưới chị Hồng làm vợ cho bằng được. “Lúc đó, tôi thấy thằng Châu quả quyết lắm. Nó nói nếu gia đình không đồng ý thì nó sẽ tự đi cưới vợ một mình, dẫu Hồng sống hay chết cũng sẽ là vợ nó. Người làm mẹ như tôi đứng trước tình cảnh ấy làm sao còn sự lựa chọn nào khác. Tôi chỉ sợ con trai mình nghĩ quẩn, rủi nó làm liều thì hối hận cả đời. Bởi thế, tôi đành ngậm ngùi chiều theo, phụ một tay giúp nó chuẩn bị sính lễ dạm hỏi. Đến giờ nghĩ lại vẫn thấy thương thằng Châu, cả đời cưới chỉ một lần mà họ hàng nội ngoại hai bên không có một ai đến dự. Đến cả sính lễ, tôi cũng phải đi nhờ hàng xóm láng giềng mới lo cho xong đám cưới trọn vẹn”, bà Thiệp kể lại.
Hơn 4 năm trôi qua kể từ đám cưới đầy chua xót ấy, chị Hồng giờ vĩnh viên nằm yên dưới ba tấc đất. Nhưng ở chốn nhân gian, sợi dây tơ hồng thấm đẫm nước mắt ấy vẫn còn ràng buộc anh Châu.