Chậm lương phải trả lãi: 4 năm chưa phạt doanh nghiệp nào

Lao động (LĐ) không ý kiến, công đoàn không phản ánh, doanh nghiệp (DN) không tự giác thực hiện… là những lý do mà phía cơ quan quản lý nhà nước có liên quan tới tiền lương đưa ra để biện minh cho việc “khó phạt” các hành vi liên quan tới chậm trả lương, không trả lãi phát sinh từ khoản lương chậm trả cho lao động.

Như NTNN đã thông tin, chính sách chậm trả lương cho LĐ phải trả lãi được ban hành từ 4 năm trước (Nghị định 47/2010), sau đó được quy định rõ hơn tại Nghị định 95/2013. Thế nhưng, khi đề cập tới chính sách này, ngay cả các cán bộ chuyên làm lương ở các DN cũng ngơ ngác vì chưa rõ chính sách. Về phía cơ quan quản lý, dù có số liệu liên quan tới nợ lương, chậm lương của người LĐ nhưng không có bất cứ một số liệu, hay báo cáo nào cho thấy các DN chậm lương, nợ lương với LĐ bị xử lý.

Thanh tra lương đang bị bỏ ngỏ

Chậm lương phải trả lãi: 4 năm chưa phạt doanh nghiệp nào - 1
Hầu hết các DN từng vi phạm trả chậm lương, thậm chí phải nợ lương của người LĐ nhưng chưa hề bị xử phạt. Ảnh công nhân Công ty CP Cơ khí 19 - 8, KCN Vĩnh Phúc bên lò tôi thép. Lê Nguyên Khôi

Đây là thừa nhận của ông Phạm Tiến Tùng – Phó Chánh Thanh tra Bộ LĐTBXH với PV trong buổi gặp gỡ cung cấp thông tin về hoạt động thanh tra của ngành LĐTBXH cho PV Báo NTNN, sáng ngày 15.1. Sau nhiều lần đi thanh tra, giám sát về thực hiện Bộ luật Lao động cũng như các vấn đề mà Bộ LĐTBXH quản lý, ông Tùng cho rằng một trong những sai phạm phổ biến nhất trong các DN chính là vấn đề chậm lương và nợ lương.

 

“Đa phần DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đều xây dựng thang bảng lương chỉ nhích hơn mức lương tối thiểu vùng một chút và đóng BHXH trên mức này, còn lại là chi các khoản mềm (tiền ăn ca, phụ cấp…) để trốn đóng BHXH. Hoặc vấn đề lương làm thêm giờ trong ngày nghỉ, ngày tết... được tính không đúng, không đủ. Chính vì vậy mới có chuyện nhiều LĐ ở các khu công nghiệp lãn công tập thể”. Không chỉ khối DN FDI, theo ông Tùng, khối DN nhà nước cũng mắc sai phạm phổ biến trong lĩnh vực tiền lương. Nhiều DN không xây dựng quỹ lương riêng trả cho viên chức mà sử dụng quỹ lương sản xuất. Lác đác, có DN trả lương dưới mức lương tối thiểu.

Đề cập đến vấn đề chậm trả lương, ông Tùng thừa nhận: “Quả thật lâu nay lực lượng thanh tra bộ có tiến hành thanh tra các DN, nhưng chủ yếu là thanh tra chung về tất cả các vấn đề LĐ – việc làm trong 1 DN. Chính vì vậy không có báo cáo cụ thể về con số DN vi phạm và bị xử lý về vấn đề tiền lương, trong đó có việc chậm trả lương”.

Chậm lương phải trả lãi: 4 năm chưa phạt doanh nghiệp nào - 2
Công nhân Công ty gạch gốm Cotto Quảng Ninh (xã Kim Sơn, Đông Triều). L.H.T
Trước đó, trong một cuộc khảo sát nhanh của PV tại một số DN vừa và nhỏ (NTNN số 11/2015 thông tin), kết quả cho thấy hầu hết các DN này từng vi phạm trả chậm lương, thậm chí phải nợ lương của người LĐ nhưng chưa hề bị xử phạt.

 

“Trong những năm qua, tình hình kinh tế, sản xuất ở các DN cũng khó khăn quá. Chính vì vậy, nếu lỗi nào nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới người LĐ thì phải xử lý ngay, xử lý nghiêm, lỗi nào nhẹ thì có thể phải thông cảm với DN, tạo điều kiện để họ phát triển, ổn định sản xuất” – ông Tùng nói.

Cũng chính bởi suy nghĩ “làm gì cũng phải có tình có lý” này mà suốt 4 năm qua (kể từ khi có Nghị định 47/2010) các cơ quan nhà nước vẫn chưa có bất cứ kiến nghị, xử phạt một DN nào liên quan tới vấn đề chậm lương của LĐ.

DN được tha… nếu LĐ “thông cảm”

Quan điểm

Ông Phạm Minh Huân • Thứ trưởng Bộ LĐTBXH
  Muốn xử lý DN chậm trả lương, nợ lương, trước hết người LĐ, công đoàn cơ sở phải chủ động có ý kiến. Công đoàn thì yếu, người LĐ nhiều khi lại mủi lòng trước sự khó khăn của DN nên mới không kiến nghị. Mà không kiến nghị thì cơ quan chức năng không thể nắm bắt để xử lý”.  
Khẳng định pháp luật, nghị định quy định xử lý nghiêm minh các sai phạm về vấn đề tiền lương, nhưng ông Lê Xuân Thành - Phó Vụ trưởng Vụ Lao động – Tiền lương (Bộ LĐTXBH) cũng cho rằng: “Vấn đề xử phạt chậm trả tiền lương nhiều khi phụ thuộc rất nhiều vào việc thỏa thuận, thông cảm giữa người LĐ và DN với nhau. Thực ra, nếu đơn hàng của DN chưa bán được thì cũng không có tiền trả cho LĐ. DN chết thì LĐ cũng khó mà sống sót”.

 

“Về mặt luật pháp là như vậy, anh sai phạm thì tôi xử phạt. Còn nếu quá khó khăn thì DN phải thỏa thuận với người LĐ, nếu LĐ đồng ý thì cơ quan nhà nước có thể bỏ qua lỗi đó. Thực ra đây là cơ chế để tạo điều kiện cho DN bước qua giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên, cơ quan quản lý nhà nước cũng chỉ có thể bỏ qua một số trường hợp nhất định, khi có sự “thông cảm” của LĐ” – ông Thành nói.

Theo phân tích của ông Thành, nghị định ra đời chỉ có thể hạn chế tình trạng cố tình chậm lương của các ông chủ DN. Riêng trường hợp các cá nhân, nhân viên trong công ty cố tình nợ lương, sử dụng tiền lương vào mục địch khác bị phát hiện, thì ngoài xử phạt sẽ bị truy tố trách nhiệm hình sự.

Thực tế, tính theo lãi suất có kỳ hạn 1 tháng, nếu bị chậm trả lương 15 ngày thì 1 LĐ có mức lương 5 triệu đồng chỉ nhận được 3.000 đồng tiền lãi. Bình luận về số tiền lãi mà DN có thể phải trả cho LĐ nếu trả chậm lương, ông Thành nói: “Đúng là số tiền mà DN phải trả cho người LĐ là không lớn, nhưng nếu DN có 10.000 LĐ, nợ lương từ 1 cho tới 2 tháng thì số tiền lãi phải trả có thể lên tới cả trăm triệu đồng. Chính vì vậy, nghị định ra đời sẽ góp phần mang lại sự công bằng cho LĐ” – ông Thành nói.

Cũng như Thanh tra Bộ LĐTBXH, Vụ Lao động – Tiền lương cũng cho biết, không có bất cứ một số liệu nào trong nhiều năm qua liên quan tới việc thanh tra, giám sát việc thực hiện tiền lương trong các DN. Mặc dù Bộ cũng đã có chỉ đạo các tỉnh báo cáo về tình hình nợ, chậm lương, yêu cầu DN thanh toán dứt điểm cho LĐ trước Tết Nguyên đán, tuy nhiên đến nay các địa phương cũng chưa có báo cáo cụ thể về vấn đề này.

Nghị định mới hướng dẫn thực hiện chế độ tiền lương trong Bộ luật Lao động cũng quy định cụ thể: Khi xảy ra tình trạng chậm lương, người LĐ có quyền có ý kiến, khiếu nại, tố cáo. Người LĐ có quyền ủy quyền cho công đoàn, để công đoàn cơ sở đòi quyền lợi cho người LĐ. Nếu LĐ và công đoàn không đòi thì đương nhiên số tiền đó thuộc về DN, còn tiền bị phạt sẽ được bổ sung ngân sách nhà nước. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Nguyệt ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN