Cây sắp hết tuổi, làm xấu phố phường?

Sự kiện: Thời sự

Không chỉ chặt hạ, di chuyển khoảng 1.300 cây xà cừ để thi công đường vành đai 3 đoạn Mai Dịch - Cầu Thăng Long, Hà Nội còn đang nghiên cứu phương án thay thế 4.000 cây xà cừ trên địa bàn. Nguyên nhân được cho là cây xà cừ không phải cây đô thị, phần lớn già cỗi, dễ gãy đổ khi gặp thời tiết mưa bão...

Cây sắp hết tuổi, làm xấu phố phường? - 1

Cây xanh trên đường Phạm Văn Đồng liệu có nằm trong tầm ngắm? Ảnh: Mạnh Thắng.

Không đảm bảo mỹ quan

Báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội nhận định, xà cừ là một trong những loại cây được trồng tại Hà Nội từ lâu, có những đặc điểm lịch sử gắn với quá trình phát triển của thành phố. Theo thống kê chưa đầy đủ, thành phố có hơn 4.000 cây xà cừ già cỗi, trừ quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Đông chưa thống kê được.

Xà cừ được trồng trên các tuyến phố Hoàng Diệu, Lê Hồng Phong, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Hoa Thám, La Thành, Yên Phụ, Bưởi, Láng, Trần Thánh Tông, Tăng Bạt Hổ... “Xà cừ là cây gỗ lớn có bóng mát và màu xanh quanh năm, có tuổi thọ hơn 100 năm.

Hiện nay, cây xà cừ trên địa bàn chủ yếu có độ tuổi hàng chục năm. Trước đây, chưa được thường xuyên chăm sóc ở giai đoạn đầu, do vậy cây phát triển theo xu thế tự nhiên theo đặc tính sinh học vươn ra chỗ có ánh sáng nên thường bị cong, nghiêng, không đảm bảo mỹ quan đô thị. Bên cạnh đó, các u bướu sùi lên gần gốc và trên thân cây gây cản trở tầm nhìn khi tham gia giao thông”, báo cáo nhận định.

Cũng theo Sở Xây dựng Hà Nội, bộ rễ của cây xà cừ phải phát triển ở không gian rộng mới đủ đáp ứng điều kiện bám giữ, chống chịu gió bão. Tuy nhiên, vỉa hè Hà Nội quá hẹp, nhà cửa san sát, nhiều công trình ngầm, trong khi tán cây xà cừ rất nặng, gốc và rễ lại quá lớn, thường bị bó hẹp không phát triển, rễ ăn ngang, mất cân đối, dễ đổ, ngã khi mưa bão.

“Cây xà cừ không phải là loại cây có khả năng chống chịu tốt trong mùa mưa bão. Theo Cty TNHH MTV cây xanh Hà Nội, từ năm 2014 - 2016 đã có 132 cây xà cừ bị đổ gãy trong mùa mưa bão, gây thiệt hại đến người và tài sản”, báo cáo nêu rõ.

Bên cạnh đó, gỗ cây  xà cừ thuộc nhóm 5, cũng không có giá trị cao về kinh tế. Văn bản của Sở Xây dựng cho biết, để đảm bảo an toàn trước mùa mưa bão, Sở đã cùng Cty TNHH MTV công viên cây xanh tiến hành cắt tỉa nhiều cây xà cừ để đảm bảo an toàn.

Vì thế, nhiều cây không còn đảm bảo tán che mát, đồng thời, những cây xà cừ quá lớn có nguy cơ mất an toàn, không đảm bảo khả năng làm cảnh quan nữa. “Do đó, việc thay thế cây xà cừ nói chung, đặc biệt là cây xà cừ nguy hiểm, cây già cỗi, sâu mục là cần thiết và cần được quan tâm nghiên cứu”, Sở xây dựng đề nghị.

Sở Xây dựng khẳng định, trong những năm qua, việc thay thế cây xà cừ chỉ thực hiện đối với các cây chết, già, sâu mục, cây nguy hiểm, chưa có chủ động trong kế hoạch để thay thế bằng các loại cây đô thị khác. Do vậy, số lượng cây thay thế hàng năm là không nhiều.

Tuy nhiên, với sự phát triển của đô thị, đặc biệt là khi các tuyến đường được mở rộng, xây dựng các tuyến đường sắt trên cao, các ga thì yêu cầu phải chặt hạ hoặc dịch chuyển một số lượng lớn cây đô thị nằm trong phạm vi công trình, trong đó có cây xà cừ.

Cây sắp hết tuổi, làm xấu phố phường? - 2

Những cây xà cừ này có làm xấu bộ mặt đô thị? Ảnh: Hồng Vĩnh.

Chặt có lợi hơn dịch chuyển?

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, phương án di chuyển cây xà cừ về vườn ươm gặp nhiều khó khăn bởi cây thường có đường kính lớn, cần phải chăm sóc thời gian dài (3 – 5 năm) để rễ cây được tái tạo, làm tăng chi phí. Ngoài ra, tỷ lệ không nhỏ cây dịch chuyển về vườn ươm bị chết gây lãng phí nguồn lực. Việc dịch chuyển cây cũng phải cần đến máy móc chuyên dụng, hoặc các thiết bị siêu trường, siêu trọng để bốc xếp, vận chuyển.

Hơn nữa, nếu cây có sống thì chất lượng gỗ cũng suy giảm, làm giảm sinh trưởng và phát triển, dễ bị sâu mục trong tương lai. Cùng với đó, việc tái trồng lại trên các tuyến đường mới, các khu đô thị thường không thực hiện được vì không thuộc danh sách cây trồng mới. Nếu có trồng lại, đòi hỏi phải được chăm sóc đặc biệt với kinh phí chăm sóc duy trì lớn, đồng thời phải trang bị hệ thống dây bảo vệ, cọc chống trong thời gian dài.

Trong khi đó, theo Sở Xây dựng, việc chặt hạ cây, bao gồm đã đánh cả gốc được tiến hành trong thời gian ngắn, ít ảnh hưởng giao thông, phần gỗ củi được đấu giá, thanh lý theo quy định với mức giá chỉ hơn 14 triệu/cây, thấp hơn nhiều so với chi phí dịch chuyển hơn 25 triệu/cây.

Từ những thực tiễn nêu trên, Sở Xây dựng đề nghị các nhà khoa học, các viện, trường, các đơn vị tham gia nghiên cứu đầy đủ về cây xà cừ làm cơ sở lựa chọn phương án thực hiện trong đó có phương án thay thế cây xà cừ. Theo đó, thời gian tới, với những cây xà cừ quá lớn, có nguy hiểm, sâu, mục, cong nghiêng, u bướu có nguy cơ gây mất an toàn, không đảm bảo cảnh quan đề nghị chặt và trồng thay thế bằng các chủng loại cây khác phù hợp với cây đô thị. Đối với các dự án bắt buộc phải xử lý thì tiến hành chặt hạ những cây có đường kính lớn hơn 50cm. 

“Về lâu dài, thay thế cây bằng hệ thống cây xanh có nhiều tính năng nhằm tạo môi trường xanh, không gian sạch cho thành phố”. 

Sở xây dựng đề nghị

Vụ chặt cây xanh ở Hà Nội: Kiểm điểm lãnh đạo thành phố

Vụ chặt hạ cây xanh ở Hà Nội gây bức xúc dư luận đã có kết luận thanh tra, chỉ ra hàng loạt hạn chế, thiếu sót. Ngay...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trường Phong (Tiền Phong)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN