Câu hỏi nhói lòng của 8 đứa trẻ được giải cứu từ TQ
Mặc dù Bộ Công an đã nhiều lần thông báo tìm cha mẹ cho 10 cháu bé là nạn nhân bị bán sang biên giới năm 2011, nhưng đến nay mới có 2 cháu tìm được gia đình, 8 cháu còn lại không biết về đâu nếu người thân không đến nhận.
8 đứa trẻ không biết về đâu nếu như gia đình không đến nhận. Ảnh: Đ.T
Gặp khách lạ nào cũng gọi là cha mẹ
Chúng tôi gặp 8 cháu bé đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tỉnh Quảng Ninh vào ngày đầu tiên của năm học. Nhìn các bé vui chơi, nô đùa trong những bộ quần áo mới giống nhau không ai có thể nghĩ rằng, đó là những nạn nhân bị bán sang biên giới cách đây 5 năm và được giải cứu bởi công an nước bạn.
Chị Lê Thị Huệ, Trưởng phòng Hành chính (Trung tâm Bảo trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt) cho PV Báo GĐ&XH biết: Tháng 5/2013, Trung tâm đã tiếp nhận 10 bé trai từ phía Công an Trung Quốc về nuôi dưỡng. Về Trung tâm nhiều cháu không biết nói tiếng Việt, thể trạng kém nên đã được các bảo mẫu ở đây chăm sóc đặc biệt, đến nay đã được 3 năm các cháu đều phát triển bình thường và ngoan ngoãn. Các cháu bé đã được hưởng đầy đủ các chế độ đãi ngộ. Tuy nhiên, các bảo mẫu ở đây ai cũng yêu thương và xót xa cho thân phận của các cháu.
Khi mới về với Trung tâm, các bảo mẫu ở đây không phân biệt được nên đã gọi các cháu bé theo số thứ tự từ 1 đến 10. Sau đó đại diện Bộ Công an đã đặt tên cho các cháu bé theo Quốc huy: Cộng, Hòa, Xã, Hội, Chủ, Nghĩa, Việt, Nam, Hùng, Mạnh.
Chị Nguyễn Thị Hồng Cẩm, quản lý Trung tâm cho biết: Việc đặt tên theo Quốc huy như vậy sẽ là cơ sở để làm giấy khai sinh, giúp Trung tâm dễ dàng nhận biết và nuôi dưỡng các cháu. Tuy mỗi cháu có một tính cách khác nhau, nhưng cũng có nhiều sở thích giống nhau từ quần áo đến đồ dùng, dụng cụ. Đôi lúc giữa các cháu có những tranh giành về đồ chơi nhưng rất gắn bó, yêu thương nhau. Nếu ai cho quà thì các cháu tự đi gọi nhau, khi nào đầy đủ mới nhận, ai vắng sẽ được để phần. Nếu ai bị phạt thì 9 người còn lại đứng ra chịu cùng. Đặc biệt hơn, khi có khách lạ đến chơi, cháu nào cũng gọi là bố, mẹ.
Các cháu bé rất hiếu động nhưng ít ốm đau, bệnh tật, sức khỏe tốt, thi thoảng có cháu bị cảm cúm qua loa nhưng chưa bao giờ phải đi bệnh viện điều trị. Ai đến chơi với các cháu cũng nghĩ, đây là trường hợp sinh 10 bởi các cháu có một sợi giây liên kết đặc biệt nào đó. Hiện tại các cháu đang cùng nhau đi học ở Trường Mầm non Hoa Hồng.
Sẽ xem xét cho làm con nuôi nếu không ai đến nhận
Cho chúng tôi xem hồ sơ về 10 cháu bé, chị Huế cười rồi kể về tính cách, đặc điểm của từng cháu: “Ba năm qua có rất nhiều người tìm đến Trung tâm để nhận con, nhưng các cháu bé vẫn chưa tìm được bố mẹ đẻ. Chỉ có bé Nguyễn Văn Cộng và Đoàn Đức Mạnh là sớm biết được người thân, vì bố mẹ các bé chính là những người tham gia vào đường dây buôn bán trẻ nhỏ”.
Cách đây gần 2 tháng, chị Trịnh Thị Bích (mẹ cháu Cộng) đã về Trung tâm làm thủ tục để đón bé về quê Thanh Hóa sau khi hoàn thành việc thụ án ở Trung Quốc. Ngày chia tay Cộng, ai ở Trung tâm cũng vừa mừng, vừa lo. Mừng vì Cộng đã về với mẹ ruột, nhưng cũng lo không biết về rồi cháu có được chăm sóc tốt không. Chị Cẩm bộc bạch: “Khi cháu Cộng được đón về, chúng tôi dặn đi dặn lại mẹ Cộng về sở thích, tính cách của con. Chúng tôi mong chị ấy sớm hối cải và chăm sóc Cộng thật tốt để bù đắp cho bé. Tuy nhiên, từ hồi đó đến nay, chúng tôi mới nhận được điện thoại của mẹ cháu một lần, còn không biết thêm thông tin gì của cháu. Đối với cháu Đoàn Đức Mạnh thì do mẹ của cháu đang thụ án nên gia đình vẫn chưa thể đón về”.
“Ngày bé Cộng được mẹ đón về khiến cho các bé còn lại như nhận biết được điều gì đó về thân phận của mình. Có lẽ đó là linh cảm của trẻ thơ, nên đôi lúc các cháu hỏi: “Cộng đi đâu rồi các mẹ?” và nhiều lúc chúng tôi nói: Các con có thích về với mẹ không? Hay thích ở đây. Các bé trả lời: “Con thích cả hai”. Nói xong, các bé chạy ùa ra sân chơi, còn chúng tôi ai cũng ứa nước mắt”, chị Cẩm chia sẻ.
Trao đổi với PV Báo GĐ&XH, bà Trần Thị Thanh Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ cho biết: Đối với 8 cháu còn lại, nếu như bố mẹ và gia đình không đến nhận thì các cháu này có thể được cho, nhận làm con nuôi trong nước và nước ngoài. Bây giờ còn nhỏ các cháu chưa hiểu được sự mất mát, tổn thất về tinh thần, sau này thì cảm nhận của các cháu về vấn đề này càng rõ ràng hơn. Mặc dù, chúng tôi luôn yêu thương, xem các cháu như con đẻ của mình, nhưng chúng tôi vẫn mong các cháu sớm tìm được bố mẹ đẻ hoặc ít ra sẽ có một gia đình riêng đúng nghĩa. Tuy nhiên, nếu gia đình không đến thì Trung tâm Bảo trợ sẽ nuôi các cháu đến năm 22 tuổi. Sau đó, các cháu sẽ đi làm và tự lập cuộc sống vì Trung tâm chỉ có chức năng nuôi dưỡng chứ không thể tạo việc làm và không thể nuôi các cháu suốt đời.
Hiện nay Bộ Công an vẫn đang tìm người thân cho 8 cháu còn lại. Sau 1 tháng thông báo nếu không có ai đến nhận thì sẽ chuyển hồ sơ qua Cục con nuôi (Bộ Tư pháp) để xem xét. |