Cân nhắc bêu tên người mua dâm
Nhiều ý kiến cho rằng người mua dâm không phải là tội phạm, việc công khai danh tính của họ có thể gây ra những hệ lụy khó lường.
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Phạm Minh Huân vừa có báo cáo gửi Bộ Tư pháp quanh việc rà soát khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, để tổng hợp trình Chính phủ. Trong đó, Bộ LĐ-TB-XH đề xuất nghiên cứu tăng mức phạt tiền người mua dâm; thông báo về cơ quan, chính quyền địa phương, nơi cư trú của họ như là một biện pháp xử lý nhằm nâng cao ý thức pháp luật của đối tượng này.
Tăng tính răn đe, giáo dục?
Trước đó, tổng kết 10 năm thi hành Pháp lệnh Phòng chống mại dâm, UBND TP Hà Nội cũng đã đề nghị Quốc hội nghiên cứu thay thế pháp lệnh này bằng Luật Phòng chống mại dâm; đồng thời tăng mức xử phạt hành chính, công khai danh tính người mua dâm đến đoàn thể, chính quyền địa phương để kiểm điểm, giáo dục.
Lý giải về đề xuất nêu trên, Bộ LĐ-TB-XH cho rằng theo các quy định xử lý vi phạm hành chính, hành vi mua - bán dâm có mức phạt thấp, chưa đủ răn đe. Ngoài ra, các quy định liên quan hiện nay cũng không đề cập chuyện công khai danh tính người mua dâm, bán dâm nói chung. Chỉ riêng với cán bộ, công chức, người thuộc lực lượng vũ trang có hành vi mua dâm, bán dâm, Pháp lệnh Phòng chống mại dâm quy định ngoài việc bị xử lý còn thông báo cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lý họ để giáo dục, xử lý kỷ luật (điều 27).
Theo ông Đặng Đức San, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ LĐ-TB-XH, nếu muốn bêu tên người mua dâm, cơ quan chức năng cần phải nghiên cứu thật nghiêm túc các tác động về kinh tế - xã hội, đạo đức, truyền thống và tính hết những hệ lụy mà nó có thể gây ra. Người mua dâm tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình và nếu vi phạm, họ phải bị xử lý hành chính theo luật.
Một đường dây môi giới mua - bán dâm ở TP HCM bị bóc gỡ - Ảnh: PHẠM DŨNG
“Đằng sau người mua dâm còn có vợ con, cha mẹ, người thân, đồng nghiệp…, nếu công khai danh tính họ thì hậu quả sẽ như thế nào? Vì vậy, phải tính kỹ điều này. Tôi cũng chưa thấy nước nào làm việc này, cả những nơi cấm hay không cấm hoạt động mại dâm” - ông San băn khoăn.
Theo ông San, quan điểm của cơ quan quản lý lúc này có thể nặng nề nhưng sau đó, khi xã hội nhìn nhận vấn đề mua - bán dâm khác đi thì sao? “Trước đây, khi bị phát hiện, gái bán dâm bị đưa vào trại phục hồi nhân phẩm nhưng nay thì chỉ xử lý hành chính, phạt tiền. Rõ ràng, nhìn nhận của chúng ta đã có thay đổi. Vì vậy, việc công khai danh tính người mua dâm cũng phải hết sức bình tĩnh để nhìn nhận” - ông San nêu quan điểm.
Ông San cho rằng hiện nay có rất nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề mại dâm. “Nhiều người bảo không thể cấm được vì đây là một thực tế xã hội. Vậy nhà nước phải có biện pháp để quản lý chứ không thể dùng mệnh lệnh hành chính, khuôn mẫu để áp đặt. Ở Việt Nam hiện còn nặng nề về mặt đạo đức nhưng rồi năm tháng qua đi, hội nhập với thế giới, chúng ta sẽ phải nhìn nhận lại vấn đề mua - bán dâm” - ông bày tỏ.
Cần thiết, nhưng...
Trong khi đó, PGS-TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội thuộc Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam - cho rằng muốn lành mạnh hóa xã hội và củng cố thiết chế gia đình bền chặt, đề cao kỷ luật, kỷ cương xã hội thì công khai danh tính người mua dâm cũng là cần thiết. Dù vậy, cần xem xét công khai danh tính người mua dâm ở mức độ như thế nào, nếu không thì ít nhiều sẽ động chạm đến quyền riêng tư và có thể đe dọa đổ vỡ hạnh phúc gia đình họ.
“Thực tế, những đối tượng đặc biệt như người không có cơ may trong cuộc sống gia đình, sống xa nhà, tàn tật… cũng có nhu cầu nhất định và cần được thông cảm. Xét đến cùng, nếu không phạm tội phải bị truy tố thì khó có thể phạt được người mua dâm bằng hình thức công khai tên tuổi họ” - ông Bình nêu ý kiến.
Ở góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Anh Thơm, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, khẳng định người mua dâm trước tiên không phải là tội phạm. Mua dâm là hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý hành chính. Do đó, quy định xử lý người mua dâm phải tuân theo quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực phòng chống tệ nạn xã hội, cụ thể là Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và Nghị định 167/2013. Nếu áp dụng biện pháp công khai người mua dâm để kiểm điểm, giáo dục thì vô hình trung bêu riếu họ trước mọi người.
“Ngoài răn đe, xử phạt, mục đích của việc xử lý người vi phạm còn có ý nghĩa giáo dục. Nếu công khai tên tuổi như vậy thì việc cảm hóa, giáo dục người vi phạm liệu có đạt được? Ngoài ra, rất nhiều hệ quả khác còn lớn hơn sẽ phát sinh, như: tiêu cực trong tâm lý dẫn tới vi phạm pháp luật về hình sự; hạnh phúc gia đình tan vỡ; con cái họ xấu hổ, mặc cảm, bị mọi người dè bỉu” - luật sư Thơm lo ngại.
Theo ông, không thể coi hành vi mua dâm là nghiêm trọng hơn so với những hành vi vi phạm hành chính khác như bán dâm, đánh bạc… để áp dụng thêm biện pháp công khai danh tính. Ngoài ra, việc tăng tiền phạt người mua dâm cũng không thể là giải pháp hữu hiệu để giảm tệ mại dâm vì đa phần người mua dâm đều có điều kiện tài chính khá.
Chủ yếu cảnh cáo, phạt tiền Theo điều 22 Nghị định 167/2013 (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội...), phạt tiền 500.000 - 1 triệu đồng đối với hành vi mua dâm, 2-5 triệu đồng trong trường hợp mua dâm nhiều người; phạt tiền 5-10 triệu đồng đối với hành vi lôi kéo hoặc ép buộc người khác cùng mua dâm. Trong khi đó, điều 22 Pháp lệnh Phòng chống mại dâm quy định người mua dâm tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính bằng hình thức cảnh cáo hoặc phạt tiền. Đối tượng mua dâm người chưa thành niên hoặc biết mình nhiễm HIV mà cố ý lây truyền cho người khác thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự. |