“Cấn” dự án, gia đình liệt sĩ 6 năm ăn nhờ ở đậu
Có mặt khá sớm, nhưng mãi đến cuối buổi tiếp xúc cử tri Q. Cẩm Lệ để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII, ông Phạm Văn Khánh (1952, trú tổ 39, P. Hòa Phát, Q. Cẩm Lệ, Đà Nẵng) mới rụt rè đăng ký xin phát biểu ý kiến. Câu chuyện của ông khiến cho không ít người nghe phải nặng trĩu tâm tư.
Ông Khánh là con trai duy nhất của liệt sĩ Phạm Văn Tiềm, hy sinh năm 1950, quê tại xã Điện Trung, H. Điện Bàn (Quảng Nam). Năm 1968, chiến tranh loạn lạc, gia đình di tản ra Đà Nẵng sinh sống. Sau giải phóng năm 1975, chị gái mua nhà định cư ở xã Hòa Phát, còn ông cùng vợ con và mẹ già về quê ở xã Điện Trung sinh sống bằng nghề nông.
Mãi đến năm 2003, ông ra Đà Nẵng mua lô đất diện tích 369m2 tại khu vực tổ 39 (P. Hòa Phát) và xây dựng một ngôi nhà cấp 4, diện tích 40m2, để cho con có chỗ trọ học, còn ông và vợ vẫn ở quê làm ruộng nuôi mẹ già và 5 người con đang tuổi ăn tuổi học.
Đến năm 2006, bão Xangsane đánh sập ngôi nhà cấp 4 tại Hòa Phát, tiếp đến là mẹ ông bị gãy chân, vợ ở quê chết vì bệnh tật. Vợ mất, để mẹ ở quê không ai chăm sóc, ông Khánh quyết định đưa cả gia đình ra Đà Nẵng và làm đơn xin xây lại ngôi nhà vừa bị bão thổi bay. Tiếp nhận đơn, UBND xã Hòa Phát (cũ) không duyệt với lý do diện tích đất này nằm trong Dự án quy hoạch phía Tây đường Trường Chinh, chỉ được phép sửa lại nhà bị bão chứ không được xây mới. Chấp hành chủ trương, cả nhà ông chuyển đến ở nhờ nhà chị gái.
Mỏi mòn chờ đến năm 2010, khi mẹ mất, ông Khánh vẫn chưa nghe động tĩnh gì đến giải tỏa. Không thể kéo dài hơn, ngày 26/2/2011, ông Khánh làm đơn gửi đến UBND P. Hòa Phát xin xác nhận chưa có chỗ ở, đề nghị được cấp giấy phép xây dựng nhà. Ngày 9/3/2011, UBND P. Hòa Phát tiếp nhận đơn và có tờ trình gửi UBND Q. Cẩm Lệ và Phòng QL-ĐT Q. Cẩm Lệ về việc cấp giấy phép cho ông Khánh xây nhà tạm.
Ngày 16/3/2011, Phòng QL-ĐT Q. Cẩm Lệ có phiếu trả lời với nội dung: “Vị trí thửa đất của ông Khánh nằm trong vùng quy hoạch dự án Khu dân cư phục vụ người nghèo và đối tượng có hoàn cảnh khó khăn. Hiện nay dự án đang triển khai công tác kiểm định và giải phóng mặt bằng. Căn cứ các quy định về quản lý quy hoạch, xây dựng do Nhà nước ban hành, trường hợp này Phòng QL-ĐT không giải quyết việc cấp phép xây dựng nhà tạm”.
Nhận phiếu trả lời, lòng ông rối bời. Lại chờ đến bao giờ? Ông hỏi cán bộ lãnh đạo cấp phường, cấp quận nhưng không ai dám khẳng định mà chỉ nói chung chung là phải chờ ý kiến lãnh đạo thành phố. Nhiều khi nghĩ quẩn, định làm liều, cứ lén xây nhà trái phép, nếu chính quyền biết được thì chuyện cũng đã rồi. Nhưng nghĩ mình là gia đình chính sách, cha hy sinh vì Tổ quốc, chẳng lẽ lại vi phạm quy định Nhà nước…
Ngày 20/7, UBND P. Hòa Phát có mời các gia đình chính sách gặp mặt, ông Khánh lại đem việc xin xây nhà tạm ra trình bày nhưng sau đó mọi chuyện lại rơi vào im lặng. Mãi đến cuối tháng 9/2012, biết tin có Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng về tiếp xúc cử tri, ông mang theo đơn đến tham dự. Giải đáp ý kiến của ông Khánh, Phó Chủ tịch UBND Q. Cẩm Lệ Trần Anh Đức ghi nhận: “Nếu trường hợp ông Khánh nằm trong vùng dự án chưa công bố quy hoạch, chưa kiểm định, áp giá đền bù thì chính quyền cho phép xây nhà tạm”.
Sau buổi tiếp xúc, chúng tôi về UBND P. Hòa Phát, trao đổi với lãnh đạo địa phương thì được biết, đây không phải là trường hợp duy nhất. Ở Hòa Phát hiện nay có rất nhiều người có nhu cầu xây nhà nhưng bị “cấn” dự án quy hoạch nên không thể thực hiện được.
Chính quyền rất thông cảm, chia sẻ với nhân dân nhưng không thể làm trái quy định Nhà nước. Mang chuyện ông Khánh trao đổi trực tiếp với ông Nguyễn Hữu Hơn, ông khẳng định: “Khi ông Khánh có ý kiến tại buổi tiếp xúc cử tri, tôi đã bút phê vào Tờ trình xin cấp phép xây nhà tạm, đề nghị Phó Chủ tịch UBND P. Hòa Phát kiểm tra lại, nếu có nhu cầu thực sự về nhà ở thì hướng dẫn lập thủ tục lại để chính quyền xem xét”.
Chuyện ông Khánh khao khát một mái nhà đến giờ vẫn chưa có hồi kết.