Cảm động những câu chuyện chung chồng

Xưa nay, chẳng ai muốn sống kiếp chồng chung. Nhưng có những người vợ đã tình nguyện rước “người thứ ba” về nhà. Họ đến với nhau không phải bằng cuộc chiến ái tình giành giật chồng con mà cố gắng sống ấm êm, hòa thuận. Nhiều câu chuyện về cảnh "một ông hai bà" khiến chúng ta không khỏi rưng rưng xúc động.

Sinh ra những đứa con tật nguyền, một người phụ nữ quyết tìm vợ hai cho chồng với hy vọng sinh những đứa con khỏe mạnh, giúp gia đình khỏi tuyệt tự. Một “hiệp nữ” đã chấp nhận làm lẽ người cựu chiến binh lắm bệnh này để gánh vác gia đình. Câu chuyện tưởng như cổ tích nhưng lại có thật ở xã Liệp Tuyết (huyện Quốc Oai, Hà Nội).

Sau đám cưới vài ngày, ông Nguyễn Văn Thư (SN 1944, chồng bà Trương Thị Bích, SN 1946) vào chiến trường, thi thoảng nghỉ phép mới về thăm vợ. Năm 1970, bà Bích sinh con gái đầu lòng, nhưng từ lúc lọt lòng đã ốm ngặt nghẹo, 5 tuổi chưa biết đi, tay chân teo tóp. Năm 1974, bà Bích sinh đứa thứ hai. Đứa trẻ lúc mới sinh đã nhỏ như nắm cơm, được một năm thì mất. Đứa con thứ 3, thứ 4 của bà Bích cũng chịu số phận hẩm hiu như các anh chị. Tất cả đều không có trí khôn, sống đời thực vật.

Chồng bà Bích mắc nhiều bệnh, lại là thương binh, chẳng đỡ đần bà được việc gì. Bản thân bà cũng nhiều bệnh, lại phải gánh thêm ba đứa con tật nguyền với một mẹ già. Thấy bà sinh ra những đứa con tật nguyền, gia đình chồng hắt hủi, hàng xóm nói ra nói vào. Một ngày, bà Bích nén lòng nói với chồng cứ đi lấy một người đàn bà khác, bà chẳng dám oán một lời. Nhưng ông Thư một mực từ chối.

Bà Bích nghĩ đến một kết cục buồn, khi ông bà mất đi, ai sẽ chăm sóc các con. Vì thế, chồng càng từ chối, bà càng quyết tâm tìm vợ cho chồng, để có người gánh vác gia đình. Bà Bích phao tin “tuyển” những bà, những chị góa chồng tốt tính, có sức khỏe để lãnh trọng trách, còn bà sẽ mang các con về nhà mẹ đẻ. Nhưng nghe đến một gia đình như thế, người ta đều sợ “chạy mất dép”.

Năm 1986, khi nghe về một phụ nữ ở xã Tuyết Nghĩa, không có chồng, tuổi đã lớn, gia đình nghèo khó nhưng có sức khỏe, chịu thương chịu khó, bà Bích hối hả đạp xe đến gặp và thổ lộ tâm tình. Sau một ngày tâm sự, bà Dương Thị Duệ (SN 1946) quệt nước mắt nói: “Đời chị đã khổ như thế, em đâu đã sướng gì, vậy thì em sẽ về giúp chị trông nom các cháu”. Khi đó, gia đình ông Thư phản đối kịch liệt, còn gia đình bà Duệ để mặc bà tự quyết. Còn bà Bích lúc đó khẳng định: “Tôi sẽ làm cho gia đình đoàn kết, không để ai phải chịu thiệt!”.

Ngày cưới, ông Thư ốm nặng, bà Bích đạp xe đón bà Duệ về. Thế là, suốt bao nhiêu năm, họ ăn cùng mâm, phục vụ chồng và chăm sóc đại gia đình. Đôi khi, hai bà cũng tức nhau nhưng xong rồi thì thôi, không ai để bụng, không cãi nhau to tiếng bao giờ.

Cảm động những câu chuyện chung chồng - 1

Hai người mẹ với những đứa con đầu tật nguyền của bà Bích. (Ảnh: CAND)

Bà Duệ khỏe mạnh, chăm chỉ, lúc nào cũng hết lòng vì mấy đứa con tật nguyền của bà cả. Ông trời thương, cho ba đứa con của bà Duệ với ông Thư đều khỏe mạnh. Bà Duệ muốn các con sau này phải thoát nghèo nên cho con học bằng mọi giá. Cả ba con của bà đều được học trung cấp y, hai con đã tốt nghiệp, xây dựng gia đình, còn cô con gái út mới bước vào năm thứ nhất.

Người phụ nữ giúp chồng chăm sóc… vợ bé

Dù không muốn san sẻ tình cảm của chồng cho bất kì người phụ nữ nào, nhưng vì thương chồng, thương đứa trẻ trong bụng người phụ nữ “thứ ba”, chị đã chấp nhận đón vợ bé của chồng về nhà chăm sóc tử tế. Chị là Vũ Thị Hằng (33 tuổi, ngụ xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai).

Chị Hằng lấy chồng lúc vừa tròn 20 tuổi. Hai vợ chồng đã có 1 cậu con trai. Đang yên ấm, chị phát hiện chồng mình có người phụ nữ khác, một cô gái trẻ mới 19 tuổi. Chồng chị ban đầu lấy tiền của gia đình đi theo cô gái kia. Đôi tình nhân gặp nhiều khó khăn về kinh tế, đến khi cô gái mang thai 5 tháng, không tự lo nổi, phải về nhờ đến chị Hằng.

Dù bị chồng phản bội, chị Hằng vẫn bao dung chấp nhận để anh trở về. Được một thời gian, người chồng lại lén lấy tiền của chị đi ở với vợ bé. Biết chồng đã nặng tình với cô gái kia, chị đau xót dặn: Nếu ra ngoài xã hội không sống được thì quay về chứ đừng làm những điều sai trái, vi phạm pháp luật...

Cảm động những câu chuyện chung chồng - 2

Chị Hằng (áo hồng) ngày đêm chăm sóc cho vợ bé và con riêng của chồng

Chỉ được một thời gian ngắn, không nuôi nổi vợ bé, chồng chị lại quay về. Chị Hằng lại bao dung tha thứ. Năm 2010, chị quyết định đón cả chồng và cô gái đang mang thai giọt máu của chồng về nhà chăm sóc. Chị nghĩ, cô gái đó còn quá trẻ, lỗi là do chồng mình. Nếu để cô ấy đang mang thai mà lang thang cơ nhỡ, xảy ra chuyện gì thì sẽ rất ân hận. Và chị Hằng đã ân cần chăm sóc đứa con riêng cùng người vợ bé của chồng mình, chu đáo còn hơn chị em ruột.

Thương chị nên về làm lẽ chồng chị


Thương chị gái lấy chồng cả chục năm không sinh nở được, cô em ruột nhận lời về làm lẽ chồng chị. Nửa thế kỷ trôi qua, ba con người ấy đã cùng nhau bước qua những tháng ngày gian khó, viết nên câu chuyện đẹp như cổ tích về tình yêu, tình chị em, nghĩa vợ chồng. Đó là chuyện nhà ông Canh ở làng Thanh Liễu, xã Tân Hưng, TP. Hải Dương.

Năm 1948, ông Nguyễn Hữu Canh lập gia đình với bà Đinh Thị Tư. Cưới được hai năm, ông Canh nhập ngũ. Tám năm trong quân ngũ, chỉ một lần ông được về thăm vợ. Nhưng ngần ấy thời gian dường như vẫn chưa đủ để vợ chồng trẻ gặt hái thành quả của tình yêu là những đứa con.

Năm 1960, ông Canh xuất ngũ. Hai năm sau, bà Tư vẫn chưa có tin vui. Khi ấy, bà Lừng cũng bước vào tuổi đôi mươi và đã nhận lễ ăn hỏi của một chàng trai làng bên, chỉ đợi ngày cưới. Một hôm, bà Tư về thăm nhà, gọi bà Lừng vào buồng nói chuyện. Người chị gái khốn khổ tâm sự: Có lẽ anh chị sẽ bỏ nhau, để anh đi lấy vợ khác mà sinh con. Nếu em thương chị thì về làm lẽ chồng chị, để chị vẫn được ở lại trong ngôi nhà ấy, có chị có em đỡ đần nhau...

Cảm động những câu chuyện chung chồng - 3

Vợ chồng ông Canh - bà Lừng (Ảnh: Bee)

Ngày ấy, đàn bà lấy chồng mà không con bị người ta hắt hủi, dè bỉu lắm. Bà Lừng suy nghĩ rất nhiều. Nếu bà không đồng ý, chị gái sẽ phải khăn gói về nhà bố mẹ đẻ, mang tiếng "gái độc không con". Còn nếu làm theo lời chị, bà sẽ mang tiếng là phụ bạc, sẽ nhận được những lời bàn tán, dị nghị của dân làng. Cuối cùng, vì thương chị, bà Lừng gật đầu. Ngày cưới, vợ cả đội mâm trầu cau dẫn lễ, hỏi chính em gái mình về làm lẽ cho chồng.

Thế nhưng, bao dự định, sắp đặt của người vợ cả với ý nghĩ "lọt sàng xuống nia" đã không thành. Cưới nhau được 5 năm, bà Lừng vẫn "án binh bất động". Sau nhiều lần bàn bạc, cả ba quyết định xin con nuôi. Không khí gia đình đã bớt ngột ngạt hơn với hai đứa con nuôi bụ bẫm, kháu khỉnh.

Thấm thoắt, hai đứa con trưởng thành, được dựng vợ gả chồng, sinh cả thảy 4 đứa cháu nội ngoại. Năm 2001, bà Tư qua đời vì bệnh nặng. Cách đây 4 năm, người con trai nuôi cũng mất vì tai nạn giao thông. Bây giờ, niềm an ủi lớn nhất của ông bà là mỗi khi nhà có công việc thì các con, các cháu cùng xúm vào giúp đỡ nhau, đỡ đần bố mẹ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thu Hằng (Vietnamnet)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN