Các đại biểu Quốc hội nên đứng trong lễ tuyên thệ?

Các đại biểu (ĐB) Quốc hội góp ý nên tiếp tục hoàn thiện các quy định trong nghi lễ tuyên thệ để tạo sự trang trọng, hợp lý hơn.

Các đại biểu Quốc hội nên đứng trong lễ tuyên thệ? - 1

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tuyên thệ nhậm chức vào ngày 31-3 - Ảnh: NGUYỄN NAM

Sáng 1-4, bên hành lang Quốc hội, nhiều đại biểu (ĐB) đã nêu suy nghĩ của mình sau nghi lễ tuyên thệ của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ngày hôm qua (31-3).

Trở lại những giá trị cũ

ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho biết thêm ý tưởng tuyên thệ thực ra là trở lại những giá trị truyền thống chứ hoàn toàn không mới. Cách đây gần 10 năm, trước diễn đàn Quốc hội, bản thân ĐB Dương Trung Quốc đã nói đến vấn đề tuyên thệ. “Tôi nói rằng chúng ta đã biết đến một cột đá thề. Đọc trong sử cũng thấy có hội thề Đông Quan. Đến thời cận đại, kết thúc Quốc dân Đại hội Tân Trào thì Ủy ban Giải phóng dân tộc đọc lời tuyên thệtrước hòn đá thề mà bây giờ còn di tích ở trên Tân Trào, hay Cụ Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập xong sau đó toàn dân thề. Chính phủ đầu tiên cũng có lời tuyên thệ” - ông Quốc dẫn chứng.

Bởi vậy, theo ông Dương Trung Quốc, tuyên thệ là một nghi thức, tập quán đã có từ lâu, không phải bây giờ mới có. Đồng thời, đó cũng thông lệ quốc tế mà nhiều nước đang áp dụng, “Chúng ta đang trở lại những giá trị trước đây. Đúng là với Quốc hội Việt Nam, đây là lần đầu tiên. Những điều đó không chỉ là hình thức mà thực sự đánh thức trách nhiệm của mỗi người, kể cả người đọc lời tuyên thệ, người chứng kiến. Các ĐB Quốc hội cũng tự cảm thấy có trách nhiệm” - ĐB Dương Trung Quốc nói.

Cần hoàn thiện thêm về mặt nghi thức

Về nghi thức tuyên thệ, vị ĐB Quốc hội tỉnh Đồng Nai Dương Trung Quốc bày tỏ: “Tôi rất hoan nghênh nghi lễ tuyên thệ bởi vì nó rất trang trọng. Nhưng có một vài chi tiết cần xem lại. Hôm qua tôi đã viết thư cho Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và rất mong được tiếp thu ý kiến. Theo tôi, phải chăng các ĐB khi chứng kiến lời tuyên thệ thì nên đứng dậy, còn Đoàn Chủ tịch cũng nên nên đứng xuống phía dưới để cùng chứng kiến”.

Các đại biểu Quốc hội nên đứng trong lễ tuyên thệ? - 2

Các đại biểu lắng nghe lời tuyên thệ của tân Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ngày 31-3 - Ảnh chụp qua màn hình

Ngoài ra, ông Quốc cũng lưu ý vị trí lá cờ nên được đặt trang trọng phía trước người nói lời tuyên thệ để đảm bảo tính trang trọng. “Trong lời tuyên thệ của Chủ tịch Quốc hội hôm qua có câu nói là “đứng trước lá cờ…” nhưng lá cờ lại ở phía sau lung. Đây là vấn đề nghi thức cần điều chỉnh dần bởi mới làm lần đầu” - ĐB Dương Trung Quốc nói, đồng thời, đánh giá lời tuyên thệ của Chủ tịch Quốc hội là ngắn gọn, không hề dài dòng về chỉ tiêu, thành tích.

ĐB Nguyễn Văn Minh (TP HCM) thì cho rằng cần có sự hướng dẫn cụ thể cho các ĐB Quốc hội về những quy định chung trong lễ tuyên thệ, ví dụ như khi thực hiện nghi thức đó, ĐB Quốc hội có phải đứng lên không. “Chỉ cần một sự hướng dẫn là tất cả mọi người phải chấp hành làm theo, kể cả, có thể cho phóng viên báo chí cùng tham gia” - ĐB Minh nêu ý kiến.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho hay trong quá trình thực hiện nghi thức, Quốc hội sẽ tiếp tục nghiên cứu thêm cũng như tiếp thu ý kiến đóng góp. Ông lý giải về vị trí của lá cờ trong lễ tuyên thệ như sau: “Năm 1946, Bác Hồ đã tuyên thệ rồi nên nghi thức tuyên thệ lần này không phải là lần đầu tiên. Thời điểm đó, Bác Hồ đứng trước lá cờ, hướng về phía đình Tân Trào tuyên thệ. Nghi thức này là học tập Bác Hồ, lá cờ đằng sau”.

Tuy nhiên, ông Phúc cũng cho rằng trong luật quy định tuyên thệ trung thàn với Tổ Quốc, với nhân dân, với Hiến pháp. Nhưng sau đó, tùy theo chức năng nhiệm vụ của mỗi một người, sẽ có lời tuyên thệ, lời hứa khác nhau. “Trong lời hứa có cái chung mà hiến pháp đã quy định, còn ý đằng sau đó không thể giống nhau được” - ông Phúc nói.

Nên truyền hình trực tiếp lễ tuyên thệ

ĐB Trương Minh Hoàng, Phó Trưởng đoàn ĐB Quốc hội tỉnh Cà Mau, cho rằng nghi lễ tuyên thệ nếu như được truyền hình trực tiếp để cử tri cả nước được chứng kiến thì sẽ trang trọng, để lại dấu ấn hơn. “Rất tiếc là chương trình chỉ gói gọn trong hội trường. Đó không chỉ là tuyên truyền hình ảnh mà còn làm động lực cho các bạn trẻ, cho các thế hệ để học tập, rèn luyện. Đó không chỉ là vinh dự không riêng cho người được nhận vinh dự mà phải được lan tỏa” - ĐB Hoàng nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Nhung (Người lao động)
Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN