Cá cược: Cấm không được thì mở?
Một trong những nguy hiểm của việc cá cược là hình thành trong xã hội tâm lý “không làm mà cũng thu được lợi nhuận”, thậm chí là lợi nhuận rất cao. Dù dự thảo nghị định cá cược có nói rằng đây là hoạt động kinh doanh không khuyến khích và có điều kiện, nhưng lại chưa chỉ ra được những tác động của nó đối với xã hội.
Ông Kso Phước, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đưa ra quan điểm trong cuộc trao đổi với Báo Giao thông, xung quanh dự thảo Nghị định về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế, vừa được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cuối tuần qua.
Nhiều ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, dự thảo Nghị định chỉ nói mặt tích cực mà chưa đánh giá đầy đủ tác động của nó đối với xã hội. Theo ông, trong hoàn cảnh điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam hiện nay, việc đưa ra vấn đề cá cược đã phù hợp hay chưa?
Ông Kso Phước |
Thực tiễn đã cho thấy, cá cược là mặt trái của xã hội, làm tăng tính phức tạp trong đời sống xã hội, gây mất trật tự an ninh, hình thành các tổ chức tội phạm như cho vay nặng lãi, rửa tiền... Ở đây, không phải vấn đề sớm hay muộn, có vội vàng hay không mà là thái độ của chúng ta. Phải chăng, có những mặt trái của xã hội mà ta quản lý không được thì hợp pháp hóa nó, cứ mở hết ra để rồi kiểm soát nó? Ở một số nước, họ rất “mở” trong các vấn đề sử dụng vũ khí, mại dâm. Nhưng không phải tất cả các nước đều làm được như vậy. Mỗi nước có đặc điểm khác nhau về chế độ chính trị, luật pháp, các điều kiện về kinh tế, xã hội, tâm lý, các đặc điểm về tổ chức quản lý nhà nước, về tổ chức pháp lý... Và họ đã đi trước ta hàng chục, hàng trăm năm.
Trong khi đó, chúng ta đã và đang xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Vấn đề cá cược là một hình thức mới và chúng ta phải xem xét đã tính đến yếu tố định hướng xã hội chủ nghĩa chưa? Có phạm vào định hướng xã hội chủ nghĩa không? Việc hội nhập quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ. Không cho chơi ở trong nước thì người ta ra nước ngoài chơi, đó là một nhu cầu có thực trong xã hội. Nhưng không có nghĩa những gì không cấm, cản được thì buộc phải mở ra.
Đã có nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại khi việc cá cược được hợp pháp hóa, chúng ta sẽ mất nhiều hơn được, quan điểm của ông thế nào?
Trong xã hội, việc cá cược không chỉ dừng lại ở đua ngựa, đua chó, bóng đá quốc tế, như dự thảo nghị định của Chính phủ đưa ra. Thực tế ở ta đã có cá độ chọi gà, chọi cá đấy thôi. Và đó đều là những thỏa thuận ngầm giữa hai người hoặc một nhóm người với nhau. Thực tế, từ Quốc hội Khóa XI, ông Nguyễn Danh Thái, khi đó còn là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Thể dục thể thao đã nêu vấn đề hợp pháp hóa cá độ bóng đá nhưng không được chấp thuận.
Về mặt tư duy, chúng ta chưa giải đáp được những vấn đề tác động xã hội của hoạt động cá cược. Chính vì vậy, khi được hợp pháp hóa, nó sẽ làm trầm trọng hơn những khuyết tật, những tật xấu trong xã hội chúng ta, làm mờ dần định hướng xã hội chủ nghĩa. Chúng ta chưa mổ xẻ, chưa đưa ra được cơ chế ứng phó với những tác động của hoạt động cá cược. Trong khi, với hoạt động này, nó sẽ hình thành tâm lý không làm mà chờ vào may rủi.
Nhưng rõ ràng trên thực tế, hoạt động cá cược ngầm vẫn âm thầm diễn ra trong xã hội, vậy thì sao không hợp pháp hóa nó để dễ bề quản lý, thưa ông?
Không chỉ hoạt động cá cược bất hợp pháp mà hiện nay có những cái thực tiễn đặt ra và chúng ta không ngăn chặn được một cách hiệu quả. Còn nếu bây giờ hợp pháp hóa cá cược, lấy gì để bảo đảm những yếu tố tiêu cực sẽ được ngăn chặn?
Đối với hoạt động cá cược, chúng ta không có một thước đo nào, cũng chưa có tiền lệ nào cả. Đến khi xảy ra những xung đột thì không biết giải quyết như thế nào. Và nếu được thông qua, nó sẽ làm phức tạp thêm tình hình trật tự xã hội, đặc biệt là vấn đề rửa tiền. Chẳng hạn, anh có 500 triệu đồng bất hợp pháp, anh bỏ ra 200 triệu đồng mua những người chơi để những người này giúp cho anh có 300 triệu đồng hợp pháp.
Theo ông, việc khống chế số tiền chơi từ 10.000 - 1 triệu đồng/ngày phải chăng cũng là một cách để kiểm soát, hay chỉ là một con số tượng trưng?
Đó chỉ là cái khung cho người chơi, nhưng cái thiếu ở đây chính là những hậu quả xã hội, đặc biệt là vấn đề rửa tiền. Nói là không khuyến khích loại hình kinh doanh này nhưng lại đưa ra cái khung 10.000 đồng - 1 triệu đồng cho người chơi. Ngay trong tờ trình của Chính phủ, phần báo cáo của Bộ Công an cũng không rõ ràng và có cảm giác, Bộ Công an cũng không đồng ý cho phép hợp pháp hóa hoạt động này. Đặc biệt, tờ trình còn thiếu hẳn một báo cáo tác động của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Lẽ thông thường, phàm là cái gì mới thì càng phải thận trọng, trong khi dự thảo của Nghị định còn “hổng” nhiều thứ. Ông có đồng ý với nhận định này?
Tại sao lại chỉ là đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế mà không phải là chọi trâu, chọi gà, đá cá, đua bò, chọi chim? Có những trò chơi dân gian có hàng trăm năm, tại sao lại cho phép đặt cược những trò kia mà không phải là trò này? Đây có phải là chúng ta mở đường để dần dần hợp pháp hóa việc đặt cược ở tất cả các trò chơi hay không?
Cái tích cực nhất của đặt cược là trò chơi giải trí của nhân dân. Nhưng mặt xấu của nó là lợi dụng những mặt tốt, những đặc điểm tốt của trò chơi, lợi dụng việc không cần lao động, không cần bỏ nhiều công sức, trí tuệ... mà vẫn thu được lợi nhuận cao. Chúng ta không khuyến khích những hoạt động như thế, bởi nó không mang giá trị lao động, không đóng góp chất xám, sự sáng tạo cho xã hội. Nó không đơn thuần chỉ dừng lại ở việc đặt cược mà có nhiều vấn đề xã hội khác kéo theo, mà điều này thì dự thảo của Chính phủ chưa trả lời được.
Cảm ơn ông!