BV Thanh Nhàn: Thuốc dùng cả chục năm mới hết
Thuốc “tồn kho” dùng không hết, nên cuối năm “xả thuốc” ồ ạt khiến bệnh nhân “lãnh đủ”. Đây là sai phạm của Bệnh viện Thanh Nhàn được ngành chức năng Hà Nội chỉ rõ.
Theo tố cáo của bà Bế Thí Ái Việt- Trưởng khoa Dược- Bệnh viện Thanh Nhàn, Giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn – ông Đào Quang Minh- đã có nhiều sai phạm trong công tác đấu thầu thuốc.
Ông Minh cũng đã tự ý bỏ kế hoạch mua thuốc được khoa Dược trình giám đốc bệnh viện phê duyệt ngày 10/11/2011, tự ý đưa vào danh mục thuốc đấu thầu theo tên biệt dược. Điều này dẫn đến việc nhiều thuốc được mua với số lượng quá nhiều, thuốc lại thiếu, thậm chí có cả hàng chục loại thuốc chưa bao giờ được sử dụng tại Bệnh viện Thanh Nhàn, không có khoa lâm sàng nào đề nghị sử dụng và gửi khoa Dược.
Theo liệt kê của bà Việt, tính đến thời điểm kiểm kê tháng 11/2012, tính cả lượng thuốc có trong kho và thuốc trong tiêu chuẩn thầu thì có tới 273 loại thuốc còn tồn quá nhiều. Nếu theo thực tế sử dụng của bệnh viện thì có loại phải dùng trên 5 tháng, nhưng cũng có thuốc phải dùng đến... hàng chục năm nữa mới sử dụng hết.
Bệnh nhân của BV Thanh Nhàn phải dùng thuốc không hợp lý, không an toàn
Trong khi đó có 23 mặt hàng không có thuốc thay thế đã hết trong bệnh viện và 99 mặt hàng không có thuốc thay thế có khoảng thời gian sử dụng từ 0,2 tháng đến 5 tháng (thời điểm có kết quả thầu năm 2013).
Nội dung phản ánh có mặt hàng thuốc thiếu, mặt hàng thuốc thừa, lúc không đủ để dùng, lúc dùng quá nhiều là đúng. Theo kết luận thanh tra của Sở Y tế HN |
Bà Việt cho biết, để giải quyết lượng thuốc tồn, cuối năm 2012, Giám đốc Minh đã có danh mục thuốc gửi cho khoa và trên đó có dòng viết tay do Giám đốc Minh viết “cho sử dụng những mặt hàng thuốc trong danh mục này có thể nhất (đây là tồn trên 2 năm)”.
Kết quả xác minh nội dung báo cáo phản ánh tình hình cung ứng và sử dụng thuốc tại Bệnh viện Thanh Nhàn do Phó Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Văn Đức ký ngày 5/8/2013, cũng công nhận:
“Nội dung phản ánh có mặt hàng thuốc thiếu, mặt hàng thuốc thừa, lúc không đủ để dùng, lúc dùng quá nhiều là đúng” và “việc kê đơn thuốc không hợp lý, an toàn là đúng”.
Tuy nhiên, theo kết quả thanh tra lại cho rằng, trách nhiệm thuốc thừa, thiếu là do các “trưởng khoa lâm sàng không lập dự trù khi thuốc hết, đặc biệt là các thuốc sử dụng trong cấp cứu và yêu cầu bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế phải mua thuốc ngoài hoặc khoa lâm sàng đã lập dự trù nhưng không có trách nhiệm đôn đốc, báo cáo Hội đồng thuốc và điều trị cùng Ban giám đốc.
Khoa Dược đã không gọi thuốc kịp thời, không đảm bảo việc cung ứng thuốc”. Còn việc sử dụng thuốc không hợp lý, an toàn cũng là do “các khoa lâm sàng không thực hiện đúng theo quy chế kê đơn”.
Bà Việt cho rằng, kết luận của Thanh tra Sở Y tế chỉ cho rằng Ban giám đốc chỉ có lỗi “không kiểm tra sâu sát hoạt động chuyên môn và không chỉ đạo kịp thời đảm bảo đủ thuốc phục vụ nhân dân” là chưa thỏa đáng. Do đó, bà Việt tiếp tục gửi đơn tố cáo tới các cơ quan chức năng.