BT Công thương: Tôi chưa làm hết trách nhiệm

Sáng nay (14/6), trong phần đăng đàn trả lời chất vấn, các câu hỏi mà Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng nhận được chủ yếu tập trung vào nội dung quản lý ngành điện, xăng dầu và giải phóng hàng tồn kho cho doanh nghiệp.

Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) chất vấn, tình trạng độc quyền trong hoạt động kinh doanh điện, xăng dầu đã tồn tại quá lâu, ảnh hưởng đến quyền lợi của các doanh nghiệp khác lẫn người tiêu dùng. Đại biểu muốn biết các giải pháp tích cực, kịp thời để xóa bỏ độc quyền của ngành điện và xăng dầu của Bộ hiện nay là gì? Trách nhiệm của Bộ trưởng trong việc này?

Đặc biệt, theo đại biểu Hùng, tại sao trong khi Chính phủ, các cơ quan quản lý xác định việc xóa bỏ độc quyền đối với những mặt hàng này là “yêu cầu là cấp bách” nhưng lộ trình lại kéo dài tận 18 năm (từ năm 2004 đến 2022)?

Thậm chí, với mặt hàng xăng dầu, do cách giải quyết không cương quyết, dứt điểm của cơ quan chức năng đã dẫn tới độc quyền kép. Đại biểu muốn biết, bao giờ thì chấm dứt?

BT Công thương: Tôi chưa làm hết trách nhiệm - 1

Bộ trưởng Bộ Công Thương xin nhận trách nhiệm trong việc chậm trễ thực hiện cơ chế thị trường, cạnh tranh đối với mặt hàng điện và xăng dầu

Trả lời chất vấn trên, Bộ trưởng Hoàng cho hay, điện và xăng dầu là những lĩnh vực hết sức quan trọng của đất nước, nó ảnh hưởng đến an ninh năng lượng quốc gia cũng như tác động trực tiếp đến mọi ngành sản xuất khác trong nền kinh tế. Chính vì vậy, từ trước đến nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) được giao nhiệm vụ chính trong mọi khâu của hoạt động này.

Tuy nhiên, hiện nay thực hiện theo cơ chế thị trường thì EVN chỉ còn là đơn vị duy nhất trong truyền tải và phân phối, còn phát điện đã có nhiều doanh nghiệp khác cùng tham gia như Petro Vietnam, TKV...

Bên cạnh đó, đối với ngành điện từ trước đến nay phải xử lý nhiều vấn đề, đặc biệt là phụ tải tăng mạnh. Ngay như năm 2011 kinh tế khó khăn nhưng vẫn tăng 10% nên cần phải có những đơn vị đứng ra chịu trách nhiệm này.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Hoàng cũng thừa nhận “nếu kéo dài độc quyền quá lâu sẽ dẫn đến sự thiếu cạnh tranh, làm hạn chế phát triển của ngành và đặc biệt là sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng”. Chính vì vậy, trong thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều giải pháp để xóa bỏ độc quyền doanh nghiệp trong những lĩnh vực này, tất nhiên là không phải bỏ độc quyền nhà nước. Với việc sẽ chính thức vận hành thị trường phát điện cạnh tranh vào 1/7 tới, mọi nhà máy đều có thể chào giá, trên cơ sở đó, Trung tâm Điều độ điện Quốc gia sẽ lựa chọn mua điện với giá hợp lý nhất.

Lý giải vì sao lộ trình xác lập thị trường điện cạnh tranh phải thực hiện trong thời gian dài, Bộ trưởng Hoàng cho rằng, vì thị trường điện là khá mới mẻ với Việt Nam, lại có nhiều vấn đề phức tạp nên cũng cần phải có thời gian nhất định.

Theo ông, điện là mặt hàng đặc biệt, ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội, cuộc sống người dân nên càng phải có bước đi thận trọng. Đối với xăng dầu cũng vậy. Tuy nhiên, mặt hàng xăng dầu hiện cũng đã được thực hiện lộ trình theo cơ chế thị trường với 12 đầu mối nhập khẩu, phân phối, trong đó có cả doanh nghiệp ngoài quốc doanh.

Nói về vị thế độc quyền của Petrolimex, người đứng đầu Bộ Công Thương cho hay, ngành này có lịch sử của nó. “Trước đây mọi cái đều do Petrolimex đảm nhận. Hiện hệ thống phân phối của Petrolimex lại có nhiều, nên thị phần khá lớn, khoảng trên 60%. Tuy nhiên, đây cũng là đơn vị chủ lực trong mọi biến động của xăng dầu thế giới”.

Tuy nhiên, thừa nhận trong việc để lộ trình thị trường hóa quá lâu, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định: “Tôi xin nhận một phần trách nhiệm này, vì chưa làm hết trách nhiệm trong việc đôn đốc, tham mưu cho Chính phủ”.

Để khắc phục, Bộ trưởng cho biết sắp tới sẽ phối hợp các bộ, ngành có tham mưu phù hợp hơn cho Chính phủ. Còn trước mắt, Bộ đã chỉ đạo tách khâu phân phối bằng việc cho lập 3 tổng công ty phát điện, là những tiền đề cần thiết để thực hiện thị trường phát điện cạnh tranh.

“Tôi xin nhận trách nhiệm trong việc kéo dài này và hứa sẽ làm hết trách nhiệm. Còn có rút ngắn được không còn phụ thuộc vào nhiều. Bởi câu chuyện về điện, giá điện nghe có vẻ đơn giản nhưng mỗi lần điều chỉnh, thay đổi thì dư luận rất phản ứng khác nhau. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ xem xét, nếu có điều kiện sẽ rút ngắn lộ trình này lại”.

Trả lời chất vấn của đại biểu Trương Thị Ánh và một số đại biểu khác về giải pháp tiêu thụ hàng tồn kho cho doanh nghiệp, xử lý tình trạng thương lái nước ngoài thao túng thị trường..., Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, đúng là tình trạng hàng tồn kho của doanh nghiệp hiện khá lớn, tăng khoảng 25% so với cùng kỳ năm trước.

Đây cũng là vấn đề trọng tâm của Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Trên cơ sở Nghị quyết 13, hiện Bộ đã có một số đề xuất tháo gỡ đối với sản phẩm của nông dân như gạo, cà phê, muối...

Hiện việc mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo cũng đã hoàn thành với đảm bảo được lợi nhuận tối thiểu của nông dân vẫn đạt 30%. Đối với muối cũng đã giao cho Tổng công ty Lương thực Miền Bắc mua 200 nghìn tấn mỗi năm...

Còn các sản phẩm công nghiệp, một mặt thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại, một mặt tăng cường hơn vận động người việt dùng, giảm nhập khẩu...

Tuy nhiên, Bộ trưởng Hoàng cũng lưu ý, để giải quyết có hiểu quả hơn, cần có sự đồng bộ trong các chính sách khác về tài chính, tiền tệ, đầu tư... Và đặc biệt, doanh nghiệp dù vẫn biết rằng đã nỗ lực rồi, nhưng phải xác định “giải quyết hàng tồn kho không phải trách nhiệm riêng của Chính phủ, doanh nghiệp phải chủ động hơn, phải cố gắng hơn nữa”.

Với các hiện tượng thương lái nước ngoài tham gia mua nông sản tại Việt Nam, thao túng thị trường, gian lận thương mại..., Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng xác nhận có hiện tượng đó. Bộ cũng đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra, xác minh để xử lý, và sẽ làm quyết liệt hơn trong thời gian tới.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Bảo Anh (VnEconomy)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN