BS ném xác: Máy địa bức xạ tìm xác như thế nào?
“Khi máy địa bức xạ đi vào vùng có từ trường phát ra từ xác chết, thì lập tức từ trường nó tác dụng lên dòng điện chạy qua bộ cảm biến của máy, khi đó máy sẽ báo tín hiệu là có xác chết ở dưới lòng sông”.
Xác định được 40 vị trí xác người trên sông Hồng
Những ngày qua, nhiều nhà khoa học đã sử dụng phương pháp mới dùng máy địa bức xạ từ thứ cấp để tìm xác nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền, nạn nhân trong vụ vứt xác ở thẩm mỹ Cát Tường.
Qua hai ngày tìm kiếm chưa có kết quả, nhiều người dân đã đặt câu hỏi xung quanh thiết bị tìm kiếm này. Chúng tôi đã có trao đổi với Tiến sĩ Vũ Văn Bằng, Phó Viện trưởng, Viện Công nghệ nước và Môi trường (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam), người chế tạo ra máy địa bức xạ.
Tiến sĩ Vũ Văn Bằng, người chế tạo ra máy địa bức xạ
Tiến sĩ Bằng cho biết, xác chết luôn bức xạ ra trường điện từ, trong đó từ trường là rõ rệt nhất. Do vậy, ngay khi công tác ở nước ngoài về ông đã muốn sử dụng ngay chiếc máy bức xạ của mình để tìm kiếm nạn nhân Huyền. Máy địa bức xạ hoạt động dựa vào tương tác điện từ trong Vật lý. Máy địa bức xạ được hiểu nôm na là một thể dẫn điện và có dòng điện chạy qua bộ cảm biến. Khi máy đi vào vùng có từ trường phát ra từ xác chết thì lập tức từ trường nó tác dụng lên vật dẫn điện (bộ cảm biến của máy). Vật thể bị tác dụng sẽ chuyển động phát báo tín hiệu có xác người ở từng vị trí tìm kiếm.
“Đối với việc tìm kiếm chị Huyền, chúng tôi cũng sử dụng phương pháp tìm kiếm nêu trên. Qua hai ngày tìm kiếm chúng tôi đã phát hiện ra hơn 40 vị trí có xác người. Tuy nhiên, việc nhận biết đâu là xác chị Huyền thì máy không thể nhận biết được”, Tiến sĩ Bằng nói.
Máy địa bức xạ được sử dụng để tìm kiếm thi thể chị H trên khu vực sông Hồng, gần cầu Thanh Trì, Hà Nội
Theo Tiến sĩ Bằng, cuộc tìm kiếm bằng máy địa bức xạ không giống như nhà ngoại cảm tìm thi thể, họ có thể xác định vị trí nạn nhân ngay ở một vị trí cụ thể nào đó. Còn đối với máy địa bức xạ, khi cho kết quả, vị trí rất rộng và nằm trong bối cảnh dưới nước. Cho nên điều kiện tìm kiếm phức tạp đòi hỏi phải có thời gian chứ không phải ngày một ngày hai mà tìm thấy xác.
Trong quá trình tìm kiếm, máy có thể báo tín hiệu có vị trí xác người ở dưới lòng sông, nhưng không rõ chính xác là người nào, thời kỳ nào. Vì vậy, sau khi gom các vị trí có xác người, đoàn sẽ lập bản đồ ngồi phân tích, tổng hợp số liệu để xem khả năng xác chết chị H nằm ở khoảng nào, nằm ở vị trị nào trong các vị trí đã tìm. Lúc ấy mới cho thợ lặn xuống tìm kiếm và khả năng tìm thấy sẽ cao hơn.
Máy đã từng tìm được nhiều hài cốt liệt sĩ
Chủ nhân máy địa bức xạ cho hay, năm 2003 ý tưởng về chiếc máy được hình thành, sau 2 năm chiếc máy được hoàn thiện. Kể từ đó đến nay, máy này đã tìm kiếm hơn 3.000 bộ hài cốt liệt sĩ ở Việt Nam, Lào, Campuchia. Riêng ở tỉnh Gia Lai, năm 2011, máy đã tìm và phát hiện ra một nghĩa địa có hơn 1.000 ngôi mộ liệt sĩ.
Trên sông nước, máy địa bức xạ đã tìm thành công 3 vụ mất xác. Năm 2010, ở Hà Tĩnh, đoàn đã tìm thấy lái xe và chiếc xe đổ trên sông Lam cách vị trí đổ 50m.
Năm 2011, một chiến sĩ công an ở Tam Đảo, Vĩnh Phúc bị lũ cuốn trôi. Sau 19 ngày các nhà ngoại cảm vào tìm nhưng không ra. Thế nhưng, khi đoàn đưa máy địa bức xạ vào cuộc chỉ sau 2 ngày đã tìm ra xác.
Bộ cảm biến giống với ăng ten. Theo Tiến sĩ Bằng, khi bộ cảm biến này quay tức là ở vị trí gần đó có xác người dưới lòng sông
Cũng năm 2011, ở Tỉnh Hà Tĩnh, một cán bộ bên Bộ Tài nguyên và Môi trường xuống làm việc với tỉnh. Khi đi tắm ở bãi biển Thiên Cầm bị đuối nước, ông cũng đã vào cuộc và tìm thấy xác nạn nhân.
Nhiều độc giả theo dõi việc tìm kiếm thi thể chị Huyền đặt câu hỏi, giữa môi trường trên đất và dưới nước khác nhau. Vậy khi đưa máy địa bức xạ tìm ở dưới nước, dòng nước chảy xiết, độ sâu lớn, máy hoạt động có hiệu quả không?. Tiến sĩ Bằng nói rằng, cả hai môi trường đó không ảnh hưởng đến việc tìm kiếm thi thể nạn nhân Huyền. Bởi vì bản chất từ trường không vụ thuộc vật liệu hay môi trường xung quanh.
“Đơn cử như từ trường trái đất nó bức xạ ra từ sâu trong lòng nhân của trái đất và nó đã đi qua tất cả tầng đất đá ra ngoài không gian nhưng nó không bị méo, không bị nhiễu, cản gì cả. Đấy là bản chất của từ trường. Cũng do vậy, hài cốt nằm trên cạn, dưới nước máy địa bức xạ vẫn phát hiện ra và không có bị nhiễu, bị ảnh hưởng” Tiến sĩ Bằng dẫn chứng.
Bản đồ vẽ những điểm phát hiện thấy xác ở dưới lòng sông 9 (những điểm màu đỏ)
Nhiều người cũng đặt câu hỏi giữa xác người và động vật có phổ phản xạ như nhau, việc tìm kiếm này sẽ dễ gây nhầm lẫn. Tiến sĩ Bằng lý giải, xương động vật có từ trường nhưng cực yếu, không giống như xác người. Như vậy, máy địa bức xạ sẽ ít khả năng bắt được từ trường từ xương động vật.
Máy địa bức xạ do Tiến sĩ Bằng nghiên cứu chế tạo vào năm 2005. Máy có hộp lưu giữ thông tin (gồm kết quả đo, vận hành, tín hiệu). Đi kèm với máy có bộ cảm biến bắt tín hiệu giống như cần ăng ten.
Bộ cảm biến này có nhiệm vụ bắt tín hiệu (từ trường phát ra từ xác người) chuyển về hộp lưu giữ thông tin. Máy sử dụng pin sạc. Máy có thể bắt được tín hiệu từ trường trong khoảng 200m trở lại.
Cơ sở khoa học để chế tạo ra chiếc máy, Tiến sĩ Bằng cho hay, để chế tạo ra máy này ông đã phải nghiên cứu bản chất của xác chết, hài cốt một thời gian rất lâu. Kết quả cho thấy những xác chết đó là vật chất mà vật chất thì nó luôn luôn bức xạ ra trường điện từ.
“Chỉ có điều là là trường điện từ trong xác chết nó quá yếu ít có máy móc nào đo được. Do vậy tôi phải nghĩ chế tạo ra cái máy địa bức xạ để có thể bắt được tín hiệu từ xác chết. Đã có hàng ngàn mộ liệt sĩ được tìm thành công từ máy móc này”, Tiến sĩ Bằng nói.