“Bóng hồng” dưới lòng đất

Sự kiện: Thời sự

Dưới độ sâu hàng chục mét, tại đại công trường metro số 1 của TP HCM, hàng chục nữ công nhân, kỹ sư vẫn ngày đêm miệt mài làm việc.

Chúng tôi có mặt ở công trường nhà ga ngầm Nhà hát TP, thuộc dự án metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, vào những ngày đầu tháng 8. Thỉnh thoảng, chúng tôi bắt gặp những công nhân (CN) đầu bịt kín chỉ chừa lại đôi mắt, làm việc tất bật. “Ở đây muốn tìm gặp CN nữ cũng hơi khó vì chủ yếu là nam giới” - kỹ sư trưởng công trường Lê Thành Lê cho biết.

Như bị “giam lỏng”

Tiếp xúc chúng tôi, nhiều nữ CN cho biết môi trường làm việc ở đây rất khắc nghiệt. Hiện công trình đã đạt đến độ sâu hàng chục mét dưới lòng đất, ngay trung tâm TP HCM. Để xuống nơi làm việc, họ phải lần theo hàng trăm bậc thang trong không gian chật chội. Nơi làm việc có diện tích nhỏ, được bao bọc nhiều phía nên ai lần đầu vào đây đều có cảm giác như bị “giam lỏng”.

Vừa đặt chân xuống công trường, thứ mà chúng tôi nghe được là tiếng lọc cọc của máy phá đá, tiếng sắt thép va chạm nhau và tiếng ù ù của quạt gió. “Anh có bị ù tai không?” - một nữ CN hỏi. Chúng tôi chưa kịp trả lời thì chị đã nói: “Vậy mà chị em bọn tôi vẫn làm việc bình thường cả năm nay rồi đấy”.

“Bóng hồng” dưới lòng đất - 1

Công nhân nữ tất bật làm việc dưới công trình ngầm Nhà hát TP

Chị Hoài, một người làm việc lâu năm tại công trường, cho biết thông thường, CN vào ca sáng từ 8 giờ đến 11 giờ 30 phút. Sau đó, họ nghỉ trưa và quay lại làm việc đến 17 giờ, nếu tăng ca thì đến 21 giờ mới về nhà. Cùng với chị Hoài, gần 10 nữ CN khác đang vận chuyển thép đến khu vực chuẩn bị đổ bê tông.

“Công việc ở đây dù không phải phơi nắng như những công trường khác nhưng tiếng ồn khá lớn nên nhiều khi cũng đau đầu” - một nữ CN chừng 20 tuổi cho biết. Đưa cánh tay quẹt mồ hôi trên mặt, Dương Thị Thu Hồng, quê Vĩnh Long, tiết lộ: “Ở dưới này bụi nhiều và tiếng vang lớn nên ai mới vào làm là tối về đầu đau như búa bổ. Được cái, làm ở đây an toàn lao động cao nên rất yên tâm. Công việc hằng ngày của tôi là quét dọn, vệ sinh môi trường công trình...”.

Gần đó, một tốp CN nữ đang lau chùi sàn. “Phải làm ngay khi sàn chưa cứng, để lâu là rất khó vì chất lượng bê tông ở đây rất tốt” - một người giải thích. Chị Nhân Thị Kiều, quê Kiên Giang, cho biết mình là một trong những CN có mặt ngay từ những ngày đầu công trình thi công nên đã quen với công việc. Cũng như bao phụ nữ khác, lúc đầu chị Kiều thấy công việc khá nặng nhọc, cứ tưởng sẽ bỏ giữa chừng nhưng riết rồi cũng quen.

“Dần dần tôi mê luôn công việc ở đây. Do không tiếp xúc trực tiếp với nắng mưa nên dù công việc có mệt hơn khi làm ở những công trình khác đôi chút thì chị em vẫn thích” - chị cười. Sau một thời gian làm việc, thấy yên tâm, chị Kiều đã rủ chồng cùng tham gia. “Hiện gia đình tôi thuê trọ ở quận 2, TP HCM để tiện đi lại. Thu nhập cũng đỡ nên trừ chi phí, mỗi tháng chúng tôi tiết kiệm được gần chục triệu đồng” - chị khoe.

Không chỉ gia đình chị Kiều, ở công trường nhà ga ngầm Nhà hát TP còn có nhiều cặp vợ chồng khác cùng làm việc. Theo kỹ sư Trần Xuân Trực, người phụ trách an toàn lao động, công trường hiện thi công tầng B2 với khoảng 150-200 người làm việc mỗi ngày. Trong đó, khoảng 10% là CN nữ. “Tùy từng hạng mục mà thời gian làm cũng khác nhau. Ví dụ, bộ phận quan trắc luôn làm việc 24 giờ để bảo đảm an toàn” - kỹ sư Trực cho biết.

Đòi hỏi khắt khe

Theo kỹ Nguyễn Chí Thân, không phải nữ CN nào cũng có thể làm việc ở đây mà họ phải vượt qua những đòi hỏi khắt khe. Trước khi vào làm việc, CN phải khám sức khỏe, trải qua khóa đào tạo ngắn hạn về điều kiện an toàn lao động. Sau khi được nhận vào làm việc, mỗi sáng trước khi bước vào công trường, 100% CN, kỹ sư đều phải tập trung từ lúc 7 giờ 30 phút để nghe phổ biến nội quy, công việc trong ngày, đặc biệt là phải tập thể dục để bảo đảm sức khỏe.

“Lúc đầu, nhiều CN nữ, trong đó có tôi, thấy rườm rà, mất nhiều thời gian nhưng sau này mới biết đó là những việc làm rất cần thiết nhằm bảo đảm an toàn cho người lao động” - chị Lê Thị Lợi, quê An Giang, bày tỏ. Một yếu tố không thể không vượt qua, nhất là đối với CN nữ, là nếu sợ độ cao thì không thể làm việc tại công trường này bởi họ phải leo trèo lên xuống liên tục hàng chục mét, mỗi ngày có khi cả chục lần.

“Bóng hồng” dưới lòng đất - 2

Kỹ sư Muira (phải) và 2 đồng nghiệp Việt Nam

Để đủ không khí cho công nhân làm việc, nhất là phụ nữ, công trường thiết kế 11 lối hở, mỗi lối phải có một quạt hút và một quạt thổi bụi ra ngoài. “Những công việc nặng nhọc chủ yếu do CN nam làm. Tuy vậy, với những công việc tỉ mỉ như cột thép, dọn dẹp môi trường… thì CN nữ lại có thế mạnh. Đây là một trong những tiêu chí được đặt lên hàng đầu của nhà đầu tư đưa ra” - kỹ sư Thân cho hay.

Trong một lần xuống công trường ở độ sâu 17 m của nhà ga ngầm Ba Son, chúng tôi chứng kiến một nhóm CN nữ đang làm việc. “Thỉnh thoảng em cũng leo lên tường vây, sàn cao đến cả chục mét để lau chùi. Ở đây chỉ có em mới dám làm việc này thôi” - một cô khoe.

Xinh đẹp, giỏi giang

Trên công trường nhà ga Ba Son, chúng tôi gặp kỹ sư môi trường Tô Thị Thúy Hằng. Qua trò chuyện, chúng tôi biết chị là người có mặt ngay từ những ngày đầu khi nhà ga này thi công. Công việc của chị là quản lý môi trường chung của toàn dự án như vệ sinh môi trường nước, khí thải.

“Công trình nằm ngay trung tâm TP nên vấn đề môi trường phải đặt lên hàng đầu. Phải làm sao để người dân không phàn nàn, sức khỏe đội ngũ CN, kỹ sư và người dân xung quanh được bảo đảm” - chị nhấn mạnh.

Theo kỹ sư Hằng, để đạt được điều đó, trước khi CN vào làm việc thì công trường phải được dọn dẹp sạch sẽ. Công việc đặc thù buộc kỹ sư Hằng phải di chuyển mọi ngóc ngách của công trường để kiểm tra, khi thì trên mặt đất, lúc chui sâu hàng chục mét dưới nhà ga.

“Ở đâu thi công là tôi có mặt để nhắc nhở anh em bảo đảm vệ sinh. Do đó, ngày nào tôi cũng có mặt trên công trường từ 8 giờ đến 17 giờ, khi tăng ca thì trễ hơn” - chị Hằng cho biết. “Công việc buộc phải trực tiếp đối diện với môi trường khắc nhiệt, chị không lo ảnh hưởng đến nhan sắc sao?” - chúng tôi tò mò. Chị Hằng cười: “Đã theo nghề này thì phải chấp nhận thôi. Tuy vậy, khi ra khỏi công trường, tôi cũng đeo khẩu trang, bao tay đầy đủ để tối về không bị chồng chê”.

Trong cái nắng khá oi bức bởi ảnh hưởng của cơn bão số 1, từ đằng xa, chúng tôi nhận ra ngay nữ kỹ sư Phạm Thị Thu Thắm. Vốn xuất thân từ ngành xây dựng cũng là kỹ sư quản lý môi trường, từng kinh qua nhiều dự án lớn của TP như hầm Thủ Thiêm, đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây nên công việc ở công trường Ba Son đối với chị có phần dễ dàng hơn. Kỹ sư Thắm đã làm việc ở đây gần 4 năm. “Làm ở đây được cái đỡ tốn tiền đi tập thể dục vì từ vào tới nay tôi đã giảm 3 kg rồi” - chỉ nửa đùa nửa thật.

Đề cập những “bóng hồng” trên công trường metro số 1, nhiều CN, kỹ sư ở đây nhắc ngay kỹ sư Muira, một phụ nữ xinh đẹp, khả ái đến từ đất nước Nhật Bản. Theo họ, Muira còn là một kỹ sư giỏi nghề và chịu lăn lộn. Lần đầu tiên gặp Muira, chúng tôi có cảm giác chị rất thân thiện, dễ gần. Trong bộ trang phục bảo hộ lao động, Muira cùng các kỹ sư Việt Nam đi kiểm tra công trường, sẵn sàng leo xuống độ sâu hàng chục mét.

Hiện Muira đang học tiếng Việt để thuận tiện cho công việc của mình. “Đây là lần đầu tôi đến Việt Nam, hy vọng sẽ mang những tiến bộ khoa học kỹ thuật của Nhật Bản để thi công các công trình hiện đại tại đây” - chị chia sẻ.

21 giờ, khi chúng tôi chia tay nhóm CN nữ làm việc tại nhà ga Nhà hát TP thì cũng là lúc một nhóm CN khác bắt đầu vào làm ca đêm. Lên cầu thang trở lại mặt đất, chúng tôi nghe một chị dặn với theo: “Sau này tuyến metro số 1 đi vào hoạt động, hãy nhớ những nữ CN này nhé”. Đâu đó chúng tôi vẫn nghe tiếng máy nổ, công trường vẫn thi công nhộn nhịp giữa đêm…

Đẩy nhanh tiến độ

Ban Quản lý Đường sắt Đô thị TP HCM cho biết gói thầu 1b (xây dựng đoạn ngầm từ Nhà hát TP đến ga Ba Son, thuộc tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên) đã triển khai thi công tại ga Nhà hát TP, ga Ba Son và hầm đào hở sau ga, khối lượng thực hiện tổng thể đạt 35%. Cụ thể, sàn mái, sàn B1 ga Nhà hát TP đã hoàn tất; sàn B2 đang triển khai thi công... Gói thầu số 1a (xây dựng đoạn ngầm từ nhà ga Bến Thành đến ga Nhà hát TP) đã hoàn tất công tác lựa chọn nhà thầu và ứng thầu, dự kiến khởi công vào tháng 10-2016.

Riêng gói thầu số 2 (xây dựng đoạn trên cao và depot, dài 17,1 km từ ga Ba Son đến tỉnh Bình Dương), khối lượng tổng thể hiện đạt khoảng 58%. Dự kiến, gói thầu này sẽ hoàn thành năm 2018, khai thác vận hành vào cuối năm 2020.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo THÀNH ĐỒNG (Người lao động)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN