Bộ trưởng Vinh: Có thể hết tiền đầu tư do ứng trước quá nhiều

Bộ trưởng KH-ĐT Bùi Quang Vinh lo ngại số vốn ứng trước chưa bố trí được nguồn thanh toán còn khá lớn nên một số bộ, địa phương sẽ không có tiền đầu tư.

Bộ trưởng Vinh: Có thể hết tiền đầu tư do ứng trước quá nhiều - 1Tăng ngân sách đầu tư cho phát triển công nghệ cao

Bộ trưởng Vinh: Có thể hết tiền đầu tư do ứng trước quá nhiều - 2

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh lo ngại một số bộ ngành, địa phương sẽ không còn tiền đầu tư

Báo cáo kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay 7-3, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Bùi Quang Vinh cho biết dự kiến tổng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) giai đoạn 2016-2020 là 1,846 triệu tỉ đồng, bao gồm đầu tư từ nguồn thu xổ số kiến thiết và bội chi ngân sách địa phương sẽ đưa vào cân đối NSNN theo Luật NSNN năm 2015, không bao gồm 260.000 tỉ đồng vốn trái phiếu Chính phủ.

Tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN do các Bộ, ngành và địa phương đề xuất khoảng 4 triệu tỉ đồng, gấp 20,5 lần kế hoạch năm 2015; gấp 2,1 lần khả năng cân đối vốn 5 năm 2016-2020 là 1,846 triệu tỉ đồng.

Về nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho hay việc bố trí vốn đầu tư tập trung, khắc phục tình trạng phân tán, dàn trải, đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Chỉ bố trí cho các dự án đã đủ thủ tục đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định của Luật Đầu tư công. Chỉ bố trí khởi công mới khi đã bố trí đủ vốn kế hoạch giai đoạn 2016 - 2020 để thanh toán số nợ đọng xây dựng cơ bản.

Riêng đối với Bộ, ngành Trung ương và địa phương có số nợ đọng xây dựng cơ bản và số ứng trước lớn phải bố trí đủ vốn ứng trước, đồng thời xây dựng phương án sử dụng nguồn tăng thu hoặc nguồn vốn hợp pháp khác của địa phương để hoàn trả các khoản vốn ứng trước. Không được bố trí vốn kế hoạch đầu tư trung hạn để khởi công mới các dự án, trừ trường hợp đặc biệt do Thủ tướng quyết định…

Trước đó, báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển giai đoạn 2011-2015 tại phiên họp, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng chỉ ra thực tế việc huy động vốn đầu tư toàn xã hội chỉ đạt khoảng 31,7% GDP, không đạt mục tiêu đề ra là 33,5%-35%. Nguyên nhân do bối cảnh trong nước, quốc tế không thuận lợi. Ngoài ra, chất lượng công tác quy hoạch, quản lý dự án đầu tư vẫn còn bất cập; một số dự án sử dụng vốn vay hiệu quả chưa cao, không trả được nợ, phải tái cơ cấu tài chính hoặc chuyển sang cơ chế nhà nước đầu tư vốn, làm tăng nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ…

Do đó, về dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết tổng vốn ngân sách Trung ương 5 năm tới chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu đầu tư của cả nước. Số vốn ứng trước chưa bố trí được nguồn thanh toán còn khá lớn so với khả năng cân đối vốn ngân sách Nhà nước trong 5 năm tới.

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT cũng lo ngại đối với các dự án của một số Bộ, ngành Trung ương, địa phương có số nợ đọng xây dựng cơ bản, số vốn ứng trước lớn, nếu trong kế hoạch trung hạn bố trí để thanh toán hết số nợ và số ứng trước thì sẽ không còn nguồn để đối ứng các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, bố trí vốn cho các dự án chuyển tiếp và thực hiện các mục tiêu khác. Thậm chí, theo ông Vinh, nhiều nơi sẽ không còn nguồn để khởi công mới như Bộ Giao thông Vận tải, các tỉnh Ninh Bình, Hà Tĩnh, Bình Thuận…

“Nhiều dự án cấp bách, đã có ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đưa vào kế hoạch đầu tư trung hạn, nhưng do tổng mức đầu tư quá lớn, các Bộ, ngành Trung ương và địa phương chưa cân đối được trong số vốn được phân bổ. Đồng thời vẫn chưa bố trí được đủ vốn đối ứng cho các chương trình, dự án ODA trọng điểm” - Bộ trưởng Vinh chỉ ra.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Nhung (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN