Bộ trưởng nên làm chính sách thay vì đi cắt băng khánh thành

“Chẳng có ý nghĩa chính trị gì khi Bộ trưởng đi cắt băng khánh thành công trình trong khi hiện rất nhiều văn bản hướng dẫn thi hành luật của bộ, ngành chậm được ban hành".

ĐB Quốc hội Nguyễn Đình Quyền đã nêu ý kiến tại phiên họp tổ chiều ngày 2/11

Chiều ngày 2/11, các ĐB Quốc hội làm việc ở tổ thảo luận về tình hình triển khai thi hành các Luật (trong đó các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật), Nghị quyết đã được Quốc hội thông qua.

Vấn đề Luật được ban hành nhưng để đưa vào cuộc sống, phát huy được vai trò quản lý xã hội được nhiều ĐB Quốc hội quan tâm. ĐB Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) cho rằng hiện nay vấn đề đưa pháp luật vào cuộc sống là điểm yếu, việc thực thi chưa toàn diện, chưa khách quan.

Theo ĐB Quyền, nguyên nhân là từ công tác tuyên truyền, trách nhiệm công tác của cán bộ trong quá trình triển khai, ý thức người dân.

“Nhiều bộ ngành đang có xu hướng xử lý vào các việc cụ thể để hổng việc hoạch định chính sách. Bộ trưởng nên ở nhà làm chính sách. Chẳng có ý nghĩa chính trị gì khi Bộ trưởng cứ phải đi cắt băng khánh thành công trình này nọ. Trong khi hiện hầu hết văn bản hướng dẫn thi hành luật của bộ ngành lại chậm được ban hành” – ĐB Quốc hội Nguyễn Đình Quyền nêu thực tế.

Bộ trưởng nên làm chính sách thay vì đi cắt băng khánh thành - 1

Luật ban hành cần phải sớm đưa vào cuộc sống

ĐB Quyền cho rằng các Ủy ban của Quốc hội cũng phải có trách nhiệm trước vấn đề ra Luật nhưng không được thực thi. “Khi xây dựng Luật phấn đấu đến Nghị định là hết, không cần có Thông tư nữa. Chứ cứ đẻ thêm ra như thế là gay”- ĐB Quyền nói.

Cũng quan ngại về vấn đề luật ban hành nhưng đi vào cuộc sống quá chậm, ĐB Đỗ Kim Tuyến (Hà Nội) dẫn con số năm 2013 có đến 7 triệu vi phạm hành chính. “Công tác tuyên truyền pháp luật của chúng ta dường như chưa đi vào đối tượng cần tuyên truyền” - ĐB Tuyến đặt vấn đề.

ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) cho rằng khi làm luật cơ quan soạn thảo chưa quan tâm tham khảo ý kiến người dân, đối tượng phải chấp hành, lắng nghe phản biện xã hội. “Chính vì thiếu sót đó dẫn tới việc soạn thảo cho ra đời những văn bản quy phạm pháp luật mà nội dung không sát với thực tế cuộc sống. Nó vừa gây bức xúc cho người dân vừa gây lãng phí công sức, tiền của cho xã hội” – ĐB An nêu ý kiến.

Nhiều ý kiến ĐB nhấn mạnh cần phải đánh giá lại việc ban hành luật và Pháp lệnh, các văn bản hướng dẫn thi hành để khi ban hành phải đi vào được cuộc sống, cần giám sát xem khi luật, Pháp lệnh ban ra có bao nhiêu % người dân thực thi nó.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Lương Kết (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN