Bộ Tài chính tính thu "phí khai thác" dữ liệu cư dân
Theo lãnh đạo đạo Hà Nội, nếu cho phép bán dữ liệu dân cư, mỗi năm địa phương này sẽ thu được trên 300 tỷ đồng, còn theo mức phí dự kiến được Bộ Tài chính xây dựng, mức thu thấp nhất là 800 đồng/1 thông tin.
Dư luận từng xôn xao khi Công an Hà Nội yêu cầu người dân phải khai 32 thông tin liên quan tới cá nhân.
Tháng 10/2017, Bộ Tài chính cũng từng đưa ra lấy ý kiến Dự thảo Quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí khai thác, sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Dự thảo Thông thư được xây dựng theo đề nghị của Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính).
Cụ thể, mức phí với khai thác, sử dụng Báo cáo thống kê tổng hợp dữ liệu dân cư cấp tỉnh thành là 250 nghìn đồng/báo cáo; Phí với Báo cáo thống kê tổng hợp dữ liệu dân cư cấp quận, huyện là 200 nghìn đồng/báo cáo; Phí với Báo cáo thống kê tổng hợp dữ liệu dân cư cấp xã, phường, thị trấn là 150 nghìn đồng/báo cáo.
Mức phí khai thác dữ liệu chi tiết dân cư là 800 đồng/1 thông tin về công dân.
Phí dịch vụ xác minh nhân thân là 10 nghìn đồng/bản.
Dự thảo cũng nêu rõ, căn cứ vào nhu cầu khai thác chi tiết dữ liệu dân cư, cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ quyết định và cho phép các tổ chức, cá nhân khai thác số lượng thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phù hợp với quy định của pháp luật và đảm bảo bí mật đời tư của công dân.
Trong đó, thông tin về công dân được thu thập, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được xác định gồm 15 thông tin cơ bản theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Luật Căn cước công dân năm 2014.
Số phí thu được từ khai thác dữ liệu cư dân được chia theo tỷ lệ: 90% số phí được để lại cho tổ chức thu phí để trang trải chi phí cho việc cung cấp dịch vụ và thu phí.
Tổ chức được thu phí gồm: Cục Cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư (C72) – Tổng cục Cảnh sát; Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Công an các quận, huyện.
Các mức phí trên áp dụng với tổ chức, cá nhân khi có văn bản yêu cầu khai thác, sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các tổ chức, cá nhân liên quan đến khai thác, sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Tuy nhiên, cơ quan, tổ chức, cá nhân khi có nhu cầu khai thác, sử dụng thông tin từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phải có văn bản và được cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đồng ý.
Sau khi công bố lấy ý kiến rộng rãi, tới nay thông tư trên vẫn chưa được ban hành. Bản dự thông tư trên mới đây đã không còn được tìm thấy trên Công thông tin điện tử của Bộ Tài chính.
Điều 9 Luật Căn cước công dân 2014 quy định 15 trường thông tin về công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư gồm: Họ, chữ đệm và tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; nơi đăng ký khai sinh; quê quán; dân tộc; tôn giáo; quốc tịch; tình trạng hôn nhân; nơi thường trú; nơi ở hiện tại; nhóm máu, khi công dân yêu cầu cập nhật và xuất trình bản kết luận về xét nghiệm xác định nhóm máu của người đó; Họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân hoặc số chứng minh nhân dân, quốc tịch của cha, mẹ, vợ, chồng hoặc người đại diện hợp pháp; Họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân hoặc số chứng minh nhân dân của chủ hộ, quan hệ với chủ hộ; ngày, tháng, năm chết hoặc mất tích. |
Người dân ở Hà Nội đang rất hoang mang chưa biết mình sẽ được hưởng quyền lợi gì từ việc chia sẻ dữ liệu dân cư.