Bộ GTVT nói gì về dự án nạo vét sông Cầu?

Sự kiện: Thời sự

Theo Bộ Giao thông Vận tải, trong giai đoạn chuẩn bị thực hiện dự án đã lấy ý kiến về chủ trương khảo sát, thiết kế, lập phương án thi công

Ngày 20-3, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Trương Quang Nghĩa đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về dự án xã hội hóa nạo vét trên tuyến đường thủy nội địa (ĐTNĐ) quốc gia sông Cầu.

Dự án thăng trầm!

Theo báo cáo, trong giai đoạn chuẩn bị thực hiện dự án, Bộ GTVT đã có văn bản ngày 6-9-2014 gửi UBND các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang nạo vét luồng ĐTNĐ quốc gia trên sông Cầu. Trong tháng 9-2014, cả UBND tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang đều đồng ý chủ trương thực hiện dự án.

Trên cơ sở đó, ngày 8-10-2014, Bộ GTVT chấp thuận chủ trương khảo sát, thiết kế, lập phương án thi công nạo vét duy tu luồng ĐTNĐ quốc gia kết hợp tận thu sản phẩm trên tuyến sông Cầu, đoạn từ Km 1+000 đến Km 30+000. Cục ĐTNĐ Việt Nam đã có Quyết định số 1253 ngày 23-10-2014 phê duyệt hồ sơ thực hiện của dự án, chấp thuận cho Công ty CP Trục vớt luồng hạ lưu thực hiện dự án tại các đoạn cạn trên địa phận tỉnh Bắc Giang. Sau khi Bộ Tài nguyên và Môi trường có báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án thì ngày 27-2-2015, UBND tỉnh Bắc Ninh tiếp tục đồng ý cấp phép thi công nạo vét các đoạn cạn từ Km 1+000 đến Km 30+000 trên sông Cầu.

Sau đó, năm 2016, theo đề nghị của UBND tỉnh Bắc Ninh, từ ngày 11-3 đến 30-11-2016, dự án tạm dừng thi công để kiểm tra hiện trạng luồng khu vực thực hiện dự án. Hết thời gian tạm dừng, ngày 29-11-2016, UBND tỉnh Bắc Ninh tiếp tục có văn bản gửi Bộ GTVT đề nghị dừng thực hiện dự án để khảo sát lại hiện trạng luồng khu vực dự án. Hai ngày sau, Cục ĐTNĐ Việt Nam có văn bản tạm dừng thực hiện dự án.

Bộ GTVT nói gì về dự án nạo vét sông Cầu? - 1

Tàu hút cát trên sông Cầ. Ảnh: THANH TÂM

Khi dự án đang được tạm dừng, theo phản ánh của một số doanh nghiệp vận tải thủy và phương tiện thông tin đại chúng về tình hình khan cạn tại một số vị trí trên sông Cầu, ngày 9-1-2017, Cục ĐTNĐ Việt Nam phối hợp các cơ quan chức năng của UBND tỉnh Bắc Ninh cùng đơn vị tư vấn độc lập tiến hành đo xác suất 4/11 vị trí đoạn cạn thuộc dự án trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh và báo cáo Bộ GTVT về kết quả khảo sát hiện trạng dự án. Trên cơ sở đó, Bộ GTVT mới có Văn bản số 1689 ngày 22-2-2017 gửi tỉnh Bắc Ninh và các đơn vị liên quan.

Ngày 1-3-2017, Cục ĐTNĐ Việt Nam có văn bản yêu cầu nhà đầu tư chỉ được thi công trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh khi được sự chấp thuận của UBND tỉnh. Như vậy, từ ngày 30-11-2016 đến nay, dự án vẫn tạm dừng thi công trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

Đề nghị tiếp tục tạm dừng?

Như Báo Người Lao Động đã thông tin, ngày 9-3-2017, ông Nguyễn Hữu Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT đề nghị tiếp tục tạm dừng triển khai thực hiện dự án nạo vét, khơi thông luồng ĐTNĐ kết hợp tận thu sản phẩm trên sông Cầu.

Một trong những nội dung gây chú ý của lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh trong kiến nghị Thủ tướng Chính phủ là: “Chỉ đạo Bộ Công an vào cuộc điều tra nguyên nhân sự việc, điều tra các cá nhân từ trung ương đến địa phương đứng sau bảo kê, đe dọa cán bộ chuyên môn, lãnh đạo sở, ngành và Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh làm sự việc ngày càng trở nên nghiêm trọng”. Ngay sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo các cơ quan liên quan vào cuộc điều tra, làm rõ.

Gây thất thu rất lớn

Nói về vấn đề nạo vét các luồng ĐTNĐ đang gây bức xúc dư luận, tại buổi kiểm tra vào sáng 21-3 về việc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT, ông Mai Tiến Dũng - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ - nói: “Vấn đề này các địa phương rất phản ứng. Hôm qua (20-3), Thủ tướng nói với tôi là đề nghị Bộ GTVT dừng việc cấp phép mà nên tính giao cho các địa phương quản lý và cấp phép”.

Theo ông Dũng, trên dòng sông có rất nhiều cơ quan quản lý. Nạo vét lòng sông thì do Bộ GTVT nhưng quản lý tài nguyên (như cát, sỏi, đá) thuộc thẩm quyền Bộ Tài nguyên và Môi trường; quản lý nước là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Khi được cấp phép nạo vét lòng sông, các doanh nghiệp lợi dụng việc này để khai thác cát. Khai thác, nạo vét ngay sát bờ làm sạt lở bờ sông, thay đổi dòng chảy... Thậm chí có chuyện lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh bị đe dọa, gây mất ổn định an ninh trật tự và bức xúc ở địa phương. Điều đó cho thấy việc khai thác cát trái phép đem lại lợi nhuận kinh khủng.

“Lỗ hổng này nếu không quản lý tốt sẽ gây thất thu rất lớn cho nhà nước” - ông Dũng nhấn mạnh.

V.Duẩn

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Quyết (Người lao động)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN