Bộ GTVT lý giải việc giảm phí "nhỏ giọt" ở BOT Nam Bình Định
Thay vì giảm 10.000 đồng cho tất cả các phương tiện loại 1 khi lưu thông qua trạm thu phí BOT Nam Bình Định thì Bộ GTVT chỉ giảm 5.000 đồng.
Trạm thu phí BOT Nam Bình Định - Ảnh: Anh Tú
Sau khi Báo Người Lao Động có các bài viết phản ánh về việc giảm giá vé dịch vụ sử dụng đường bộ tại Trạm thi phí BOT Nam Bình Định được đặt tại Km1212+500 Quốc lộ 1, như: "Bộ GTVT "lật kèo" thỏa thuận giảm giá vé BOT Nam Bình Định?"; Thu phí BOT ở Bình Định: Bộ GTVT bất nhất; "Bộ GTVT chữa cháy nhưng sợ tốn nước!"... Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có văn bản trả lời về vấn đề này.
Theo công văn do Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Xuân Cường ký, tại biên bản cuộc họp về việc giảm giá vé tại BOT Nam Bình Định ngày 9-10-2017, giữa Tổng cục Đường bộ Việt Nam, UBND tỉnh Bình Định, nhà đầu tư dự án, đại diện lãnh đạo các bên tham dự cuộc họp này gồm ông Nguyễn Xuân Cường, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (đại diện cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền); ông Phan Cao Thắng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định (đại diện cho chính quyền địa phương) và ông Nguyễn Trung Kiên, Giám đốc công ty TNHH Bình Định.
Sau khi thảo luận, "Các bên thông nhất dự kiến xem xét phương án giảm giá đối với tất cả các phương tiện qua trạm như sau: Loại 1: 25.000 đồng, Loại 2:45.000 đồng, Loại 3: 70.000 đồng, Loại 4: 115.000 đồng, Loại 5: 175.000 đồng".
"Đồng thời nhà đầu tư dự án, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, tính toán phương án tài chính theo kịch bản giảm giá nêu trên, trình Bộ GTVT quyết định việc giảm giá"- công văn nêu rõ.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng sau khi cập nhật mức giá nêu trên, thời gian hoàn vốn của dự án dự kiến là 30 năm 11 tháng (vượt 8 năm 6 tháng so với thời gian hoàn vốn tại hợp đồng dự án), tính khả thi của dự án không được đảm bảo.
Vì vậy, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có 2 văn bản trong tháng 10 và tháng 11-2017, báo cáo Bộ GTVT chấp nhận phương án giảm giá chung với các mức giá như sau: Loại 1: 30.000 đồng, Loại 2: 45.000 đồng, Loại 3: 70.000 đồng, Loại 4: 115.000 đồng, Loại 5: 175.000 đồng.
"Với mức giá này, thời gian hoàn vốn của dự án là 28 năm 5 tháng, đảm bảo được tính khả thi của dự án. Phương án này được Bộ GTVT thống nhất"- Tổng cục Đường bộ cho hay.
Trong công văn gửi Báo Người Lao Động, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng việc giảm giá tại các trạm thi phí BOT là thực hiện kết luận số 321/TB-BCĐĐHG ngày 5-5-2017 của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng ban chỉ đạo điều hành giá, tại cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành giá ngày 17-4-2017. Việc giảm giá cần xét tới yếu tố đảm bảo tính khả thi của dự án, đảm bảo hài hòa lợi ích củ Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Trước đó, như Báo Người Lao Động đã thông tin, sau khi Báo Người Lao Động online đăng tin "Bộ GTVT "lật kèo" thỏa thuận giảm giá vé BOT Nam Bình Định" vào ngày 31-12-2017, trao đổi với phóng viên, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng khẳng định bảng giá vé qua trạm thu phí BOT Nam Bình Định (đóng tại thị xã An Nhơn) vừa được Bộ GTVT ban hành không đúng với phương án giảm giá trước đó đã thống nhất với chính quyền địa phương và các nhà đầu tư.
Cụ thể, tại buổi làm việc giữa lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các nhà đầu tư vào giữa năm 2017, các bên đã thống nhất giảm giá vé qua BOT Nam Bình Định từ 35.000 đồng xuống 25.000 đồng/lượt đối với các phương tiện thuộc nhóm loại 1; các phương tiện thuộc các nhóm còn lại giảm 5.000 đồng/lượt. Mức giảm này cũng được Sở GTVT Bình Định thông báo tại kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh Bình Định tổ chức vào ngày 8-12. Vậy nhưng, trong bảng giá mới vừa được Bộ GTVT ban hành, các phương tiện thuộc nhóm loại 1 chỉ giảm từ 35.000 đồng xuống 30.000 đồng là không đúng với thỏa thuận ban đầu.
Theo ông Hồ Quốc Dũng, do Quốc lộ 1 qua địa bàn vừa đầu tư nâng cấp, mở rộng đã bị hư hỏng nghiêm trọng; khoảng cách giữa các trạm BOT bất hợp lý, không đúng quy định nên đã khiến người dân địa phương bức xúc. Bởi vậy, việc giảm giá vé tại các trạm thu phí BOT, trong đó có BOT Nam Bình Định như thỏa thuận ban đầu giữa các bên liên quan là hợp tình, hợp lý.
"Mức giảm giá vé qua trạm thu phí BOT Nam Bình Định không đúng với thỏa thuận nhưng Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam trước khi ban hành đã không hề trao đổi gì lại với địa phương. Quan điểm của tỉnh Bình Định là sẽ tiếp tục kiến nghị giảm phí BOT theo đúng với lộ trình, mức giá đã thống nhất giữa các bên"- ông Dũng nói.
Việc Bộ GTVT “lật kèo” sau thỏa thuận giảm giá vé qua trạm thu phí BOT Nam Bình Định không chỉ khiến người dân, doanh...