Bi hài nghề... ăn cỗ thuê
Thời gian gần đây, ăn thuê tại các đám cưới đã trở thành một “nghề” làm thêm mùa vụ khá hấp dẫn đối với nhiều người muốn kiếm thêm thu nhập, nhất là sinh viên.
Trên thực tế đây là một “nghề” không chỉ đơn giản vừa "được ăn, được nói, được gói mang về" như nhiều người nghĩ, mà đằng sau nó còn chứa đựng đầy những bi hài như người đi ăn cỗ thuê phải có trình độ, khuôn mặt ưa nhìn và phải "diễn như thật"... Thế là nhiều tình huống “khó đỡ” trong đám cưới đã diễn ra.
Như “diễn viên đóng thế”
Cũng như MC, ca sỹ... hay đội ngũ đỡ tráp ăn hỏi cho đám cưới thì nhân lực để phục vụ cho việc "ăn thuê" tại các đám cưới cũng dần được "phổ cập hóa". PV liên hệ với anh V.C - Giám đốc trung tâm tổ chức sự kiện T. (An Dương, Tây Hồ, Hà Nội), là một đầu mối chuyên cung cấp các dịch vụ liên quan đến tiệc cưới, chúng tôi được biết: Trước đây, anh C. là MC chuyên dẫn tại các đám cưới. Dịch vụ cho tiệc cưới ngày càng đa dạng, anh C. sang làm đầu mối để đáp ứng nhu cầu này.
Theo anh C., dịch vụ thuê người ăn cỗ mới có trong năm nay. Đặc biệt, rộ lên từ vài tháng nay. Người thuê phần lớn là những “người bận rộn”, nói thẳng ra là quan chức. Họ có quá nhiều mối quan hệ phải thực hiện nên không thể bỏ đám cưới con người này, đi đám cưới con người kia. Thế là dịch vụ ra đời. Nhưng, những “người bận rộn” này thuê người ăn cỗ kỹ tính và yêu cầu cao lắm. Thường là sinh viên và không thì là những người lao động có chút hiểu biết một tý chứ không phải người nào cũng thuê.
Giá cả do hai bên tự thoả thuận và tất nhiên, anh C. được chia 20% trong số giá thoả thuận đó. Anh C. không ngần ngại bày tỏ thêm: Việc thuê người ăn cỗ cưới giúp, ban đầu cũng vấp phải định kiến, khi cho rằng miếng ăn miếng uống vốn tế nhị, nên việc mạo danh ai đó để ăn thuê khiến "diễn viên" không tránh khỏi sự ngại ngùng. Tuy nhiên, chỉ qua vài lần “diễn tập”, nhiều "nhân viên" của C. tỏ ra hào hứng với “nghề” vừa “được ăn, được nói, được gói mang về" này.
Anh T.Tùng - người làm “nghề” ăn cỗ thuê.
Theo T. Tùng - sinh viên năm thứ 3 (Đại học Thương mại, Hà Nội) - người tự nhận mình là catscadeur (người đóng thế) của nhiều tiệc cưới: "Thường những người được thuê thay mặt khách mời sẽ xuất hiện vào lúc sát giờ tổ chức hôn lễ. Sau cái bắt tay vội vã cùng lời giới thiệu ngắn gọn thay mặt cho ông A, bà B... đi dự cưới cùng với trọng trách quan trọng là bỏ phong bì vào thùng là nhập tiệc theo sự chỉ dẫn. Lúc đó công việc chính chỉ là ăn và... ăn, thi thoảng nâng lên đặt xuống vài ly bia, chén rượu phụ họa với cả bàn tiệc. Có những buổi trưa, tôi chạy xô thuê đến 3 đám cưới, thu nhập cũng khá. Đây là “nghề” đánh nhanh rút gọn mà".
Tại những địa điểm chuyên tổ chức tiệc cưới, nhân viên phục vụ quen mặt với một số “vị khách lạ" như thế. V.Ch. - một nhân viên chạy bàn của khách sạn P.N., cho biết: "Dù chuyên nghiệp tới đâu, người ăn cỗ thuê vẫn lớ ngớ khi hỏi thăm địa điểm diễn ra tiệc cưới hay “chiến thuật đánh nhanh, rút gọn. Tôi liên tục phát hiện ra họ. Có những lần, họ còn phải “xuỵt” để chúng tôi đỡ lỡ miệng”.
Những tình huống “ngoài kịch bản”
Nguyên nhân để nhiều người phải tìm đến sự trợ giúp của đội ngũ "ăn thuê" cũng có ngàn lẻ lý do. Anh C. cho biết: "Đối tượng phục vụ của chúng tôi chỉ là những “người bận rộn”, nhiều mối quan hệ và kinh tế khá giả. Đó là những sếp lớn hay những người có mối quan hệ rộng đặc biệt trong lĩnh vực làm ăn. Theo họ, gửi phong bì mừng chỉ là "hạ sách" bởi sự chu đáo chưa được hết nhẽ. Vì thế việc cử thư ký, trợ lý... thay mặt mình đi dự đám cưới mãi cũng không xuể, nhiều khi lại “lộ”.
Thông thường sau khi nhận số tiền "cứng" (tiền mừng đám cưới) thì khách hàng phải chi trả thêm một khoản thù lao cho bên phía cung cấp dịch vụ. "Chi phí cho người ăn thuê phụ thuộc vào quãng đường di chuyển đến chỗ tổ chức đám cưới xa hay gần nên dao động từ 100.000 – 200.000 đồng/đám. Tuy nhiên, còn tùy thuộc vào yêu cầu của khách hàng mà người ăn thuê không chỉ có mỗi việc ăn và ăn mà bên cạnh đó còn phải lo diễn xuất như những diễn viên thực sự", anh C. bật mí.
Nguyễn Thị Huyền, sinh viên một trường đại học dân lập trên địa bàn Hà Nội tâm sự: “Nhận việc xong, chúng tôi phải biết vài thông tin cơ bản về thân chủ để tiện xưng danh cho phù hợp. Có tiệc cưới gấp quá, không nhớ nổi, chưa thể thuộc lòng được, tôi đành phải ghi ra quyển sổ nhỏ. Sau đó, vừa đi đường đến tiệc cưới vừa lẩm bẩm như trẻ em học thuộc lòng ấy. Một lần, tôi quên, bị người mẹ của chú rể nghi ngờ, tưởng là bồ nhí của bố chú rể, thế là bị em gái của chú rể kèm như kẹp kem, tra hỏi đủ thứ. Tôi đành phải gọi điện thoại cho anh C., nhờ giúp đỡ”.
T.Tùng bộc bạch: “Mỗi đám cưới, vừa được ăn, vừa được ít nhất là 100.000 đồng cầm về, có khi là 200.000 – 300.000 đồng nhưng cũng chẳng sung sướng gì. Chỉ được cái “mát mặt” thôi. Càng được trả công nhiều thì càng tốn nhiều thời gian. Có ông khách khó tính, bắt gọi điện cho ông ta, yêu cầu đọc lại các thông số mà ông ta yêu cầu diễn ở tiệc cưới. Ông ta dị đến mức, bảo em là, diễn thế vô hồn quá, giọng nói phải truyền cảm, có hồn hơn. Một lần, em gặp bà khách doanh nhân, bà này mới “khủng”. Ngoài dịch vụ, bà ấy “bo” thêm cho em 500.000 đồng với yêu cầu, khi nào bà ấy gọi điện phải nghe. Em cứ ậm ừ cho qua chuyện. Bà ấy gọi, em không nghe, sau đó, bà ấy nhắn tin chửi em. Chửi chán, bà ấy quay sang... gạ tình em...”.
Chia sẻ về kinh nghiệm “diễn” cho “nghề” mới xuất hiện này, T. Tùng đưa ra lời khuyên với người mới nhập việc: "Tùy vào “vai diễn” mình đảm nhiệm mà có lối diễn xuất cho phù hợp. Với khách hàng khó tính, bạn cầm được tiền của họ cũng không đơn giản đâu. Vì thế, cần phải chú ý, nếu không, gặp tai nạn “nghề nghiệp”, không nhận được thù lao, còn bị khách hàng xử lý bằng cách bắt phạt vi phạm hợp đồng”.
Ăn thuê “nuốt” luôn phong bì Theo tiết lộ của anh V.C., tiêu chí cho việc tuyển người đi "ăn thuê" cũng khá kỹ càng, bởi yêu cầu công việc đòi hỏi những người thật thà trung thực. Nói rồi anh C. cắt nghĩa bởi một lý do khá nhạy cảm là khi đi ăn cỗ cưới buộc phía công ty phải giao phong bì tiền mừng cho người ăn thuê để làm “thủ tục”. Đối với những người thật thà thì không sao nhưng không ít trường hợp thấy phong bì tiền mừng dày nên nảy sinh lòng tham. Nhẹ thì "rút lõi" còn nguy hiểm hơn nữa là “ẵm” luôn phong bì. Lúc đó, người "đứng mũi chịu sào" là môi giới chỉ có nước kêu trời bởi số tiền phải đền bù cho khách đồng thời uy tín cũng bị giảm sút nghiêm trọng. |