Bí ẩn “quy trình” xử lý thai nhi sau nạo hút
Những ca nạo hút trên 7 tuần tuổi, “giải quyết” xong, sẽ chuyển giao toàn bộ dịch hút thai, bông băng đến Khoa chống nhiễm khuẩn - Bệnh viện Bạch Mai.
Chất thải y tế gồm: sơ ranh, bông băng dính máu, lọ thuốc.... được Phó Giám đốc Phòng khám đa khoa phía Nam (934-936 Trương Định, quận Hoàng Mai, Hà Nội) chỉ đạo nhân viên thu gom, vứt ra trước cửa, chờ công nhân công ty vệ sinh môi trường đến thu gom, đổ lẫn với rác thải sinh hoạt.
Quá trình kiểm tra tại phòng khám này, Cảnh sát phòng chống tội phạm (PCTP) về môi trường - CATP Hà Nội còn phát hiện nhiều sai phạm liên quan đến quy trình vận chuyển, xử lý, tiêu hủy chất thải y tế nguy hại, trong đó có cả chất thải y tế từ quá trình nạo phá thai.
Biết sai nhưng không sửa
Phòng khám đa khoa phía Nam (934-936 phố Trương Định, quận Hoàng Mai, Hà Nội) do bác sỹ Đỗ Phú Đông (SN 1934), ở phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm làm giám đốc, hoạt động từ năm 2008 đến nay. Với nhiệm vụ phụ trách chung và hội chẩn cho người bệnh đến khám, công việc của ông Đông không quá bận. Đa phần công việc tại phòng khám này được ông ủy quyền cho bác sỹ Bùi Lê Cường (SN 1939), ở 934-936 phố Trương Định - Phó Giám đốc giải quyết.
Theo bác sỹ Đỗ Phú Đông, toàn bộ chất thải y tế, kể cả chất thải y tế nguy hại từ quá trình nạo hút thai phát sinh tại phòng khám, được ông giao lại cho nhân viên quản lý hành chính và bác sỹ Cường giải quyết. Cũng theo vị giám đốc này, phòng khám của ông có ký 1 hợp đồng xử lý chất thải y tế nguy hại với Khoa chống nhiễm khuẩn - Bệnh viện Bạch Mai (đơn vị không có chức năng, thẩm quyền xử lý chất thải y tế theo quy định của pháp luật). Dẫu vậy, ông Đông thừa nhận quy trình xử lý chất thải y tế nguy hại tại phòng khám mình phụ trách là không đúng quy định.
Đổ chất thải y tế nguy hại như... đổ rác sinh hoạt
Trung tá Phạm Giang Sơn - Đội trưởng Đội PCTP trong lĩnh vực y tế - VSATTP (Đội 6), Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường cho biết: Trước những thông tin, dấu hiệu sai phạm về việc thu gom, xử lý chất thải y tế tại Phòng khám đa khoa phía Nam, trung tuần tháng 3-2013, Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường đã kiểm tra việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường tại cơ sở này. Quá trình kiểm tra, cảnh sát bắt quả tang y tá của phòng khám này vứt 1 túi nilon màu đen, chứa sơ ranh, ống truyền, lọ thuốc thủy tinh đã sử dụng, bông băng, bỉm dính máu ra trước cửa phòng khám, chờ công nhân công ty vệ sinh môi trường đến thu gom.
Số rác thải y tế mà Phòng khám đa khoa phía Nam đã vứt lẫn với rác sinh hoạt
Làm việc với cơ quan công an, Phó Giám đốc phòng khám - ông Bùi Lê Cường thừa nhận, lâu nay đã chỉ đạo nhân viên thu gom chất thải y tế nguy hại vào túi nilon, để ra trước cửa nhà chờ xe rác đến thu gom cùng với rác thải sinh hoạt. Trước câu hỏi của cơ quan công an về việc: “Chất thải y tế nguy hại từ dịch hút nạo phá thai xử lý thế nào?” - ông Bùi Lê Cường cho hay: Những thai nhi dưới 7 tuần tuổi sau khi “xử lý”, nhân viên sẽ ngâm cùng hoạt chất Cloramin B, sau đó xả trực tiếp vào bể phốt sinh hoạt của phòng khám.
Những ca nạo hút trên 7 tuần tuổi, “giải quyết” xong, sẽ chuyển giao toàn bộ dịch hút thai, bông băng đến Khoa chống nhiễm khuẩn - Bệnh viện Bạch Mai. Công việc thu gom chất thải y tế nguy hại được ông Cường giao cho con trai mình là anh Bùi Lê Minh (SN 1982) - nhân viên hành chính phòng khám chịu trách nhiệm. Kiểm tra sổ ký nhận chuyển giao chất thải y tế của phòng khám này với Khoa chống nhiễm khuẩn - Bệnh viện Bạch Mai, cơ quan công an xác định đã bị “đứt mạch” từ tháng 3-2011. Lý giải về việc này, Phó Giám đốc Phòng khám đa khoa phía Nam thừa nhận: Hai năm qua ông chỉ đạo nhân viên vứt chất thải y tế nguy hại lẫn với rác thải sinh hoạt.
Hai tuần sau buổi kiểm tra (ngày 28-3), tại buổi làm việc với cơ quan công an, anh Bùi Lê Minh - nhân viên hành chính phòng khám đa khoa phía Nam một lần nữa khẳng định: Với số chất thải y tế từ Khoa sản (dịch hút thai to, bông băng, găng tay dính máu) phát sinh từ phòng khám, đều được chuyển lên Khoa chống nhiễm khuẩn - Bệnh viện Bạch Mai, thuê đơn vị này xử lý; những ca nạo hút thai nhỏ, phòng khám tự “xử”, xả thẳng xuống bể phốt. Với số chất thải y tế nguy hại từ các khoa - phòng khác, nhân viên sẽ thu gom, vứt lẫn với rác thải sinh hoạt. Cũng theo anh Minh, giá thành mỗi kilogam chất thải y tế nguy hại mà Phòng khám này “thuê” Khoa chống nhiễm khuẩn - Bệnh viện Bạch Mai xử lý là 20.000 đồng, không có hóa đơn thu tiền (?!).
“Bệnh viện không xử lý chất thải nạo hút thai”
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Việt Hùng, Trưởng Khoa chống nhiễm khuẩn - Bệnh viện Bạch Mai, tại buổi làm việc với tổ công tác Đội 6 Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường - CATP Hà Nội đầu tháng 4-2013 vừa qua. Tại buổi làm việc này, ông Hùng cho biết: Từ tháng 3-2008, Khoa chống nhiễm khuẩn có ký hợp đồng xử lý chất thải y tế với Phòng khám đa khoa phía Nam. “Phòng khám này đã duy trì, thực hiện đúng hợp đồng, cứ 2-3 ngày thu gom chất thải y tế lên Khoa xử lý - có sổ ký nhận. Từ năm 2011 đến nay, Phòng khám đa khoa phía Nam không mang chất thải đến xử lý nữa” - ông Hùng khẳng định.
Theo lãnh đạo Khoa chống nhiễm khuẩn - Bệnh viện Bạch Mai, số chất thải y tế phát sinh từ phòng khám đa khoa phía Nam chủ yếu là bông băng, kim tiêm, găng tay, bỉm, băng vệ sinh, không có nhau thai, thai nhi. “Chúng tôi không nhận xử lý chất thải từ quá trình nạo hút thai” - ông Hùng quả quyết. Theo thống kê, sau 3 năm thực hiện hợp đồng, Khoa chống nhiễm khuẩn - Bệnh viện Bạch Mai đã “giúp” Phòng khám đa khoa phía Nam xử lý 259kg chất thải y tế. Toàn bộ chất thải này, đại diện Khoa chống nhiễm khuẩn khẳng định đã chuyển giao cho đơn vị có chức năng, thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
Chất thải y tế nguy hại phát sinh từ quá trình nạo hút thai của Phòng khám đa khoa phía Nam được “bàn giao” cho ai, “xử lý” ra sao, theo quy trình nào?... rất cần được cơ quan công an, Sở Y tế Hà Nội phối hợp làm sáng tỏ.
Mỗi năm có 1,6 triệu ca nạo phá thai Số liệu trên được Hội kế hoạch hóa gia đình Việt Nam đưa ra tại Hội nghị Sản phụ khoa Việt – Pháp, do Bộ Y tế tổ chức ngày 13-5. Theo đó, mỗi năm cả nước có khoảng 1,2- 1,6 triệu ca nạo phá thai, 20% ở lứa tuổi vị thành niên. Điều đáng báo động nữa là tỷ lệ vị thành niên phá thai muộn, nạo phá thai khi thai đã to cũng chiếm tỷ lệ rất cao. Nghiên cứu tình trạng phá thai 6 tháng đầu năm 2013 tại BV Phụ sản Trung ương của bác sĩ Nguyễn Thị Bích Vân (Đại học Y Hà Nội) và cộng sự cho thấy, tỷ lệ phá thai to ở trẻ vị thành niên chiếm 10,4%, ở lứa tuổi 16-19 chiếm tới 90,7%, còn ở đối tượng sinh viên chiếm 70,9%. Điều ngạc nhiên là 90,3% biết nguy cơ mang thai khi quan hệ tình dục nhưng có tới 83,3% các em không sử dụng các biện pháp tránh thai nào. |