Bí ẩn những bảo vật, di sản quốc gia: Bộ kinh cổ nhất Việt Nam

Sự kiện: Thời sự

Bộ kinh Pháp Hoa tại chùa Phật Quang được các nhà nghiên cứu xem là bộ kinh quý hiếm và trọn vẹn duy nhất trên thế giới đến nay.

Hơn 300 năm tuổi, bộ kinh Pháp Hoa cổ nhất Việt Nam gồm 60 vạn chữ được 3 vị thiền sư khắc trong 28 năm trên 118 tấm gỗ thị đỏ, hiện được lưu giữ tại chùa Phật Quang (tọa lạc trên đường Trần Quang Khải, phường Hưng Long, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận).

Tình cờ phát hiện bộ kinh cổ

Ngày 16-11-1987, khi quét dọn Tam Bảo để chuẩn bị cho lễ vía Phật A Di Đà, các sư thầy chùa Phật Quang phát hiện một số tấm ván lót nền bị gập ghềnh. Khi kéo ra để sắp xếp lại, các sư đã phát hiện một căn hầm ngay giữa chính điện. Trong hầm có chứa một chiếc cũi gỗ căm xe lớn. Mở nắp cũi ra, các sư thầy và tăng ni, phật tử ngỡ ngàng khi thấy một bộ kinh Pháp Hoa được khắc trên 118 tấm gỗ thị đỏ.

Thị đỏ là loại cây ưa khí hậu khô hạn và nắng nóng, chỉ phát triển được duy nhất tại các vùng đất khô hạn nhất nước là Bình Thuận và Ninh Thuận. Một năm, cây thị đỏ chỉ rụng 7 lá, trên thân cây phát ra nhiệt lượng rất nóng không loài vật nào dám lại gần. Vào đời vua Lê - chúa Trịnh, gỗ thị đỏ được cống nạp ra Bắc để dùng chạm khắc các tài liệu quan trọng của triều đình.

Hòa thượng Thích Huệ Tánh, trụ trì chùa Phật Quang, cho biết bộ kinh Pháp Hoa có tên đầy đủ là "Đại thừa Diệu Pháp Liên Hoa", được khắc trên cả hai mặt của 118 tấm gỗ thị đỏ với tổng cộng 60 vạn chữ ghi lại lời thuyết giảng trong 8 năm của Đức Phật bằng chữ Hán. Mỗi tấm gỗ khắc lời kinh dài 0,68 m, rộng 0,26 m, dày 0,026 m. Đặc biệt, bộ kinh được khắc ngược nhưng không sai, không lặp hay không thiếu một chữ nào so với bản gốc. Trong bộ kinh còn có 7 tấm chạm khắc cảnh Đức Phật Thích Ca giảng kinh.

Theo thông tin trên các bản khắc, căn cứ vào đoạn văn ghi trong kinh: "Long Đức tam niên tuệ thứ Giáp Dần, tứ nguyệt thơ nhất nhật khánh tạo", bộ kinh Pháp Hoa bắt đầu được thực hiện vào năm 1704 và hoàn thành năm 1732 vào thời nhà Lê Trung Hưng. Căn cứ vào các ghi chú trong bộ kinh âm bản, bộ kinh này do 3 vị thiền sư là ngài Minh Dung hiệu Pháp Không, ngài Khánh Tài tự là Thiện Huệ, ngài Thiện Pháp hiệu Bảo Hương và 12 đệ tử khác thực hiện trong 28 năm (từ 1704-1732) gồm 7 quyển, 28 phẩm, 60 vạn chữ, tóm gọn trong 9 chữ "Khai thị chúng sanh ngộ nhập tri kiến Phật".

Theo tài liệu, hiện trên thế giới, các nhà nghiên cứu chỉ mới tìm được 3 bộ kinh Pháp Hoa có niên đại lâu đời, gồm 2 bộ kinh của Trung Quốc và 1 bộ tại chùa Phật Quang. Tuy nhiên, 2 bộ kinh của Trung Quốc được khắc trên đồng và đá, do trải qua thời gian lâu dài nên hiện đã bị mai một và mất nhiều bản khắc, nội dung không còn đầy đủ, nguyên vẹn, hiện chỉ còn khoảng 20%-30%. Trong khi đó, bộ kinh Pháp Hoa tại chùa Phật Quang do được khắc trên gỗ thị đỏ là loại gỗ tích nhiệt cao, không bị sâu mọt nên gần như còn nguyên vẹn dù đã có niên đại hơn 300 năm. Bộ kinh Pháp Hoa tại chùa Phật Quang được các nhà nghiên cứu xem là bộ kinh quý hiếm và trọn vẹn duy nhất trên thế giới hiện nay.

Ngày 2-1-2006, bộ kinh này đã được đưa vào sách "Kỷ lục Việt Nam" là "Bộ kinh Pháp Hoa khắc gỗ đầy đủ và xưa nhất Việt Nam".

Bí ẩn những bảo vật, di sản quốc gia: Bộ kinh cổ nhất Việt Nam - 1

Hòa thượng Thích Huệ Tánh nay đã ngoài 90 tuổi bên cạnh các bản mộc của bộ kinh Pháp Hoa cổ nhất Việt Nam

Trường tồn với thời gian

Bộ kinh Pháp Hoa hiện nay là niềm tự hào và là di sản văn hóa vô giá của chùa Phật Quang, cộng đồng Phật giáo và dân tộc Việt Nam. Trước ý nghĩa lịch sử cũng như những giá trị to lớn của hiện vật, bộ kinh Pháp Hoa được các tăng ni, phật tử chùa Phật Quang trông coi, bảo quản và giữ gìn hết sức cẩn thận.

Hằng ngày, bộ kinh được mang ra lau chùi và cất giữ trong tủ kính với 2 ổ khóa kiên cố. Cứ 2-3 tháng, chùa phải di chuyển địa điểm giữ kinh để tránh kẻ gian nhòm ngó. Hòa thượng Thích Huệ Tánh, trụ trì chùa Phật Quang, cho biết qua nhiều thăng trầm và biến cố của lịch sử, bộ kinh nhiều lần tưởng đã bị hư hao, thất thoát nhưng vẫn trường tồn với thời gian, lưu truyền cho hậu thế. Hòa thượng Thích Huệ Tánh kể lại khoảng năm 1950, chùa Phật Quang liên tục bị trúng bom. Lúc cao điểm, chùa bị trúng 6 quả bom liên tục khiến khu vực chính điện bị phá hủy hoàn toàn. Quả bom thứ 7 đã rơi ngay trên nắp hầm chứa bộ kinh Pháp Hoa. Thế nhưng, điều kỳ diệu là quả bom này không phát nổ nên bộ kinh vẫn còn nguyên vẹn đến nay.

Từ ngày được phát hiện bộ kinh, chùa Phật Quang trở thành một điểm đến được nhiều người ưa thích đến thăm và tìm hiểu, nhìn ngắm bộ kinh Pháp Hoa. Bà Nguyễn Thị Hồng Thúy (ở phường Phú Trinh, TP Phan Thiết) bộc bạch mỗi khi rảnh, bà hay đến thăm chùa Phật Quang để nhìn ngắm bộ kinh cổ, qua đó cảm nhận được sự bình yên và sức mạnh vĩnh hằng của Phật pháp.

Bạn Nguyễn Thị Thanh Nhanh, sinh viên Trường Cao đẳng Cộng đồng Bình Thuận, tự hào cho biết mỗi khi bạn bè ở xa đến, cô thường dẫn họ đến chùa Phật Quang để giới thiệu bộ kinh.

Với những giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật to lớn, bộ kinh Pháp Hoa tại chùa Phật Quang là một kiệt tác nghệ thuật, hoàn hảo đến từng đường nét. Theo ông Nguyễn Chí Phú, Phó Giám đốc Bảo tàng Bình Thuận, khoảng năm 2010, Bảo tàng Bình Thuận có đề nghị chùa Phật Quang làm các thủ tục để bộ kinh Pháp Hoa được nhà nước công nhận là bảo vật quốc gia nhưng nhà chùa không đồng ý.

Hòa thượng Thích Huệ Tánh thừa nhận đúng là trước đây nhà chùa đã từ chối lời đề nghị của Bảo tàng Bình Thuận nhưng giờ chùa đã suy nghĩ lại, nếu chính quyền và ngành chức năng của tỉnh có yêu cầu hay thông báo, nhà chùa sẽ làm các thủ tục để bộ kinh được công nhận là bảo vật quốc gia.

Ngôi chùa có nhiều kỷ lục Việt Nam

Chùa Phật Quang được xây dựng thời Hậu Lê, trải qua 18 đời truyền thừa, là một trong những ngôi cổ tự nổi tiếng tỉnh Bình Thuận. Bên cạnh kỷ lục Việt Nam "Bộ kinh Pháp Hoa khắc gỗ đầy đủ và xưa nhất Việt Nam", chùa Phật Quang còn có 2 kỷ lục Việt Nam khác là: "Quả chuông gia trì lớn nhất Việt Nam" đường kính 1,2 m, cao 1 m, nặng 400 kg, do nhóm thợ người Quảng Nam thực hiện; "Cặp mõ gia trì bằng gỗ lớn nhất Việt Nam", mỗi chiếc cao 0,8 m, ngang 0,92 m làm bằng gỗ mít lấy từ huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình) do nhóm thợ Quảng Nam làm trong 7 năm (1997-2004).

Tận thấy cặp kiếm vàng bảo vật của vua Khải Định

Hai cây kiếm của vua Khải Định có chuôi vàng nạm đá quý, vỏ đồi mồi bọc vàng, chạm khắc tinh xảo đang được lưu...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Việt Khánh ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN